(HBĐT) - Quảng trường Hòa Bình tọa lạc trên địa bàn xã Sủ Ngòi (thành phố Hòa Bình) được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, đã hoàn thành, bàn giao sơ bộ vào cuối tháng 10/2016. Đây được xác định là công trình kiến trúc, văn hóa trọng điểm của tỉnh. Nơi đã diễn ra Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh hoành tráng, đầy màu sắc vào ngày 19/11 vừa qua. Tuy nhiên, gần 2 tháng từ sau khi diễn ra Lễ kỷ niệm, công tác quản lý, khai thác, sử dụng Quảng trường Hòa Bình đã phát sinh nhiều bất cập.

 

Phát sinh nhiều khó khăn trong việc quản lý, vận hành Quảng trường Hòa Bình

 

Ngày 4/10/2016, Văn phòng UBND tỉnh có Thông báo số 5103/TB-VPUBND thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Quang giao Sở VH-TT&DL là đơn vị nhận công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh bàn giao; tổ chức quản lý, vận hành Quảng trường theo quy định. Ngày 11/10/2016, Sở VH-TT&DL đã có Văn bản số 953/SVHTTDL-KHTC giao Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh (là đơn vị trực thuộc Sở VH-TT&DL) chịu trách nhiệm tiếp nhận, trực tiếp tổ chức quản lý, vận hành và khai thác Quảng trường Hòa Bình theo quy định.

 

Tuy nhiên, sau 2 tháng Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh trực tiếp quản lý, vận hành, khai thác Quảng trường đã phát sinh nhiều vấn đề. Trung tâm chỉ có 11 viên chức và 4 hợp đồng theo Nghị định 68. Do đó, việc phân công nhiệm vụ cán bộ trực 24/24h tại Quảng trường gặp nhiều khó khăn. Cán bộ đơn vị không có nghiệp vụ về công tác bảo vệ nên việc trực chỉ có tính chất thường trực, chủ yếu trông nom khu nhà điều hành. Không thể ngăn cản ô tô, xe máy, gia súc đi vào khu vực Quảng trường.

 

Toàn bộ Quảng trường hiện có 536 bóng đèn, 66 cột đèn nấm; 2 đài phun nước tiêu thụ 35 KW/h/đài, phòng bơm 44 KW/h. Tổng công suất tiêu thụ điện của Quảng trường trong một giờ 237 KWh (tương đương khoảng gần 400.000 đồng/giờ, gần 5 triệu đồng/ngày, 150 triệu đồng/tháng nếu bật sáng toàn bộ hệ thống điện từ 18 h hôm trước đến 6 h sáng ngày hôm sau). Do chưa được cấp kinh phí nên từ khi nhận bàn giao đến ngày 10/1/2017, Trung tâm huấn luyện và thi đấu TD-TT tỉnh chỉ thỉnh thoảng bật một số bóng đèn vào những ngày cuối tuần. Đa số các buổi tối, Quảng trường tắt đèn.

 

 

Tại Quảng trường Hòa Bình, một số cây xanh mới trồng do không được chăm sóc nên đã bị chết.

 

Đặc biệt, vì một số lý do nên đến ngày 10/1/2017 công tác bàn giao vẫn chưa hoàn thành 100%. Cụ thể, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh vẫn chưa bàn giao hệ thống cây xanh, các thảm cỏ và sân Quảng trường cho Sở VH-TT&DL nên đã dẫn đến nhiều bất cập trong quản lý, vận hành nhất là với hệ thống hơn 300 cây xanh, 27.000 m2 thảm cỏ được trồng rải rác khắp Quảng trường đòi hỏi sự chăm sóc chuyên nghiệp, kỹ thuật và chi phí khá lớn. Việc này vượt ngoài khả năng của cán bộ Trung tâm huấn luyện và thi đấu TD-TT tỉnh.

 

Giữ gìn Quảng trường – bắt đầu từ ý thức mỗi người dân

 

Cùng chúng tôi đi dạo quanh Quảng trường, ông Nguyễn Văn Quyết (xóm 8, xã Sủ Ngòi cho biết: Công trình Quảng trường Hòa Bình được xây dựng, nhân dân vô cùng vui mừng, phấn khởi. Chiều nào người dân trong xóm cũng vào đây đi bộ tập thể dục. Nhưng thời gian gần đây, do không được chăm sóc nên nhiều cây trên Quảng trường đã chết, hàng cây trước nhà điều hành chết khoảng 40%, nhiều thảm cỏ như khu vực đồi nhân tạo dưới chân biểu tượng Chiêng Mường đã chết khô, một số viên gạch lát sân cũng bong tróc….Thậm chí trâu, bò các hộ dân xã Sủ Ngòi thả rông cũng “dạo chơi” cả trong khu vực Quảng trường. Ngay cổng Quảng trường là trắng xóa rác thải do hội chợ để lại. Buổi tối, Quảng trường tắt điện nên không ai dám đi dạo. Thực trạng này khiến cho Quảng trường mất đi vẻ đẹp vốn cần được giữ gìn. Người dân chúng tôi nhìn thấy thế vô cùng xót xa.

 

Trước những phát sinh rất đáng quan tâm về việc quản lý, vận hành, khai thác Quảng trường Hòa Bình, ngày 9/1/2017, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan. Tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm khắc phê bình những đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng nêu trên và có những kết luận cụ thể, quyết liệt về việc giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo Quảng trường Hòa Bình được sử dụng hết công năng, là điểm sinh hoạt văn hóa hữu ích của nhân dân.

 

Đồng chí Đào Tiến Cường – Giám đốc Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh cho biết: Diện tích Quảng trường quá rộng, xung quanh không có hàng rào hoặc tường giới hạn, bốn mặt thông thuông nên rất khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ. Các lối vào xung quanh mặt sân Quảng trường không có dây, dụng cụ ngăn giới hạn nên khó ngăn ô tô, xe máy đi lên mặt sân. Do Quảng trường quá rộng nên việc vệ sinh chỉ đảm bảo được quanh khu vực nhà điều hành. Hy vọng, sau những chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, nhiều vấn đề sẽ được giải quyết.

 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, đáng lo ngại hơn cả đối với vấn đề bảo vệ, vận hành Quảng trường đó chính là ý thức của người dân, khá phổ biến hiện tượng người dân cố tình đi xe ôtô vào sân Quảng trường, thả rông gia súc và nhất là vứt rác bừa bãi. Cá biệt đã có trường hợp người dân đốt lửa làm chết cây. Dọc theo hệ thống đường đi bộ là 66 cột đèn nấm chiếu sáng được lắp đặt ngay trên mặt đất nên người dân cần hết sức lưu ý để tránh va chạm, gây đổ hỏng.

 

Quảng trường là công trình văn hóa đặc biệt lớn và ý nghĩa, là “bộ mặt” của tỉnh, do đó, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, tài sản, an ninh trật tự và nhất là kiến trúc cảnh quan, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp, các ngành thì điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ, giữ gìn, sử dụng. Để Quảng trường Hòa Bình thực sự là “trái tim văn hóa” của tỉnh, hãy bắt đầu từ những việc giản đơn nhất là đỗ xe và vứt rác đúng nơi quy định khi bước chân vào Quảng trường.

 

 

                                                                             Dương Liễu

 

 

 

Các tin khác


Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục