(HBĐT) - Hòa chung với nhịp điệu của đất trời chuẩn bị đón xuân sang, những ngày cuối tháng Chạp se lạnh, chúng tôi có mặt tại chùa Hòa Bình Phật Quang (phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình) để cùng thầy và các tổ phật tử dọn dẹp, trang hoàng nhà chùa. Trong thoang thoảng mùi hương trầm, Tết ở chùa nhẹ nhàng, thanh tịnh nhưng cũng không kém phần hân hoan. Đó là một điểm đến không thể thiếu đối với người Việt khi đón chào năm mới.

 

Đông đảo nhân dân, phật tử đến chùa Hòa Bình Phật Quang (phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình) để hành lễ vào dịp đầu xuân.

 

Trò chuyện với chúng tôi, phật tử Trần Thị Minh Tâm, tổ trưởng Tổ phật tử phường Tân Thịnh chia sẻ: Những năm gần đây, khi chùa Hòa Bình Phật Quang được xây dựng, hoàn thiện về cơ sở vật chất, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thì số lượng phật tử, người dân đến chùa ngày càng đông. Đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. Do đó, các thầy và những tổ phật tử đã tập trung chuẩn bị những điều kiện cần thiết để bất cứ người dân, phật tử nào khi đến chùa sẽ được đón Tết một cách bình an và trong lành.

 

Theo quan sát của chúng tôi, giáp Tết, dù gia đình nào cũng bận rộn nhưng vẫn có đông người đến chùa công quả. Người quét dọn ngoài sân, người dọn nhà tăng, nhà khách, trang trí đèn hoa… Phụ nữ và các em gái thì tập trung dưới bếp chuẩn bị thực phẩm nấu món ăn cúng Phật và đãi phật tử viếng chùa đầu năm. Đặc biệt, những năm gần đây, phật tử trên địa bàn thành phố cũng như các huyện lân cận trước Tết đã có một nét sinh hoạt văn hóa đó là “góp một tay chở Tết về chùa”. Người lựa chọn những bông hoa rực rỡ nhất, những trái chín đẹp nhất… Người thì từ gói muối, cân lạc, cân đậu… để khuôn viên chùa những ngày Tết rực rỡ sắc màu hoa quả; mâm cơm cúng Phật tinh tươm, đầy ắp những nông sản  địa phương. Việc quan trọng nhất đó là làm sạch chính điện. Bụi bám ở các tấm kính đặt tượng, mạng nhện vương vào đồ thờ, lọ  hoa sẽ được nữ giới nhẹ nhàng đưa xuống lau chùi rửa sạch. Những tượng Phật, Bồ Tát sẽ được nam giới lau riêng bằng những chiếc khăn mới tinh; tay làm, miệng niệm Phật để giữ “Tâm” thanh tịnh.

 

Nhâm nhi tách trà thoang thoảng hương nhài, phật tử Nguyễn Hồng Quân (xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình) phấn khởi: Ngày Tết đến chùa chỉ cần thấy những bình hoa rực rỡ, bàn thờ Phật thiết trí, bày biện đẹp đẽ là thấy vui, ấm lòng lắm. Ngày Tết đến chùa, trước là lễ Phật, sau là chúc Tết lẫn nhau, rồi cùng nhau dùng bữa cơm chay thanh tịnh đầu năm đề gieo trồng phước đức, để không khí mùa xuân thêm ấm cúng. Đến chùa vào ngày giáp Tết công quả và ngày Tết để lễ Phật là một nét sinh hoạt văn hóa đẹp mà chúng tôi đang truyền lại cho con cháu. Đặc biệt, trải qua cảm giác đón giao thừa, đón năm mới ở chùa sẽ cho ta một cảm xúc đặc biệt thú vị.

 

Tại chùa Hòa Bình Phật Quang, vào đúng thời khắc giao thừa, Đại Hồng Chung sẽ ngân vang, phá tan sự tĩnh mịch của đêm, chính thức đón chào năm mới. Sau đó, theo truyền thống, trong chính điện chùa Thượng, các thầy và tăng ni trong chùa sẽ tổ chức đại lễ, tụng kinh thâu đêm suốt sáng. Lúc này, ngoài sân chùa, các phật tử, thanh niên nam, nữ sẽ cùng thắp nén hương cầu mong bình an, hạnh phúc và may mắn. Sau khi làm lễ xong, sư thầy sẽ gửi lời chúc mừng năm mới tới mọi người, mọi nhà và phát lộc cho mọi người là những bao lì xì nhỏ, chiếc bánh xinh xinh…

 

Điểm đặc biệt là những năm gần đây, từ khi chùa Hòa Bình Phật Quang được  xây dựng, nơi đây thu hút đông đảo phật tử, nhân dân đến hành lễ sau giao thừa. Người đến xin nhà chùa cành lộc, người đến thắp nén hương cúng Phật cầu mong may mắn trong năm mới… Nhất là sáng mồng 1, sân chùa chật kín nhân dân, phật tử  trong và ngoài tỉnh đến lễ Phật, cầu an.

 

Trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Đức Nguyên - Trụ trì chùa Hòa Bình Phật Quang cho biết: Những ngày đầu xuân, đi chùa lễ Phật, thính Pháp, chúc Tết, xin lộc là một nét đẹp văn hóa của người Việt cần được lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau này. Hàng năm, trong dịp Tết, nhà chùa thường tổ chức nhiều hoạt động như sinh hoạt giáo lý, văn nghệ, lễ Phật, lễ thầy, chúc Tết đầu năm, làm lễ quy y, thuyết trình giáo lý… được diễn ra liên tục. Người ta tới chùa không chỉ để cầu an, cầu tài lộc; chung hưởng niềm vui trong những ngày đầu xuân mà còn tìm chút không khí thoáng đạt, chút thong dong hòa mình vào thiên nhiên. Sự đầm ấm ấy kéo người ta xích lại gần nhau hơn. Cho nên ăn Tết ở chùa cũng rất ấn tượng, mọi người cảm giác thân thiện, ấm cúng, tràn đầy đạo vị cùng với những nét đặc trưng của ngày Tết.

 

                                                                     

                                                                  Dương Liễu

 

 

 

 

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục