(HBĐT) - Hồ Hòa Bình là sản phẩm của thiên nhiên ban tặng con người được tạo ra trong quá trình trị thủy bắt sức nước thành dòng điện tỏa sáng muôn nơi. Du xuân, thưởng ngoạn phong cảnh núi non, mây nước hữu tình, mộng mơ, cảm nhận nơi đây là một sự kết hợp đến hoàn mỹ của thiên nhiên và con người. Với tiềm năng lớn phát triển các loại hình du lịch, trong tương lai, hồ Hòa Bình được xác định là trung tâm du lịch lớn nhất của tỉnh, là 1 trong 12 khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ.

Động Thác Bờ là điểm đến hấp dẫn của tuyến du lịch Thung Nai - hồ Hòa Bình. Món cá nướng sông Đà đem lại dư vị khó quên cho du khách.

 

Đã nhiều lần thưởng ngoạn lòng hồ qua bến Thung Nai mỗi dịp xuân về, lần nào cũng mang lại cho tôi cảm giác thật lạ, thư thái, bình yên. Quả không sai khi có ai nhận xét “Hồ Hòa Bình là sự thuần khiết, sự kết hợp hoàn mỹ của thiên nhiên mây nước, hoang sơ mà say đắm”. Lòng hồ mênh mang, bất tận. Cảnh sắc thật nên thơ, kỳ ảo. Thời gian nào của năm, hồ Hòa Bình cũng cuốn hút, níu chân lữ khách. Thời khắc xuân về lại càng làm lòng người quyến luyến. Sương mù giăng nhẹ không gian khiến cả một vùng sông nước rộng lớn được phủ màu bàng bạc như huyền thoại. Mùa xuân lòng hồ tích nước. Núi tiếp núi hùng vĩ trùng điệp. Rừng bạt ngàn thăm thẳm hoang sơ. Không gian mênh mang bảng lảng của cảnh sắc như chốn bồng lai, tiên cảnh mơ mơ thực thực. Người ta bảo núi rừng lòng hồ vẫn còn nhiều sản vật lắm. Bây giờ lòng hồ bình yên mà nhẹ nhàng. Những ký ức về dòng sông Đà hung hãn, lắm thác nhiều gềnh, bọt tung trắng trời chỉ còn là tâm thức của những người lớn tuổi. Tất cả đã chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện. Tất cả giờ là núi và trời mênh mang đến khôn cùng. Núi đã thành những hòn đảo nhỏ kỳ vĩ  và mộng mơ mà có ai đó đã ví như là Hạ Long trên núi vậy!.

 

Gần áp Tết nhưng cuộc sống lòng hồ vẫn trôi thật chậm. Hoa đào đơm nụ trên bến nước Thung Nai, Bích Hạ. Những chuyến hàng đã rục rịch lòng hồ sông Đà. Đất trời, lòng người hồ sông Đà đã vẫy gọi mùa xuân về. Người ta bảo hồ Hòa Bình mùa nào cũng đẹp đến khó tả, nhưng ấn tượng và dễ làm siêu lòng người nhất là mùa xuân. Đông hết, xuân sang, mặt nước phẳng lặng, tĩnh mịch, nước hồ bảng lảng. Không gian lất phất mưa bay, núi rừng mờ ảo, đi trong tiết  trời se lạnh, đường quanh co, núi đồi uốn lượn, thấp thoáng những bến nước trong xanh, sương vương mặt hồ đem lại cảm giác thật dễ chịu, thanh bình. Ngày đầu xuân, đến thăm các xóm, bản, được hòa mình cùng không gian, nhịp sống của những người dân bản địa, thưởng thức phong cảnh lòng hồ, những món ăn truyền thống, sản vật vùng cao như rau rừng đồ chấm lòng cá, thịt lợn nướng, cá lòng hồ hun khói sẽ mang lại cảm giác ấm nóng tình người và hạnh phúc  lan tỏa, quên đi những bon chen sự đời.

 

Bên cạnh đó, du xuân thưởng ngoạn hồ Hòa Bình còn được đến hành hương những chốn tâm linh, thắng cảnh nổi tiếng như Đền Bờ, Thác Bờ, vịnh Ngòi Hoa, động Hoa Tiên. Khám phá các   động được thiên nhiên chắt chiu, tích tụ hàng triệu năm tạo thành thạch nhũ muôn hình vạn trạng kỳ lạ và bí ẩn tựa như một dàn đàn đá, chiêng Mường tuyệt mỹ thánh thót, trầm hùng mê hoặc lòng người.

 

Hồ Hòa Bình có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố. Trong khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích gần 160 ha. Đây là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam á, phong cảnh sơn thủy hữu tình, có rừng, có đảo, khí hậu thanh mát quanh năm. Đặc biệt, đây là nơi quần tụ của các bản làng dân tộc truyền thống. Hai bên lòng sông có nhiều di tích lịch sử như đền Bờ, đền Cô, đền Cậu, bia Vua Lê... có giá trị văn hóa - tâm linh sâu sắc, được đánh giá là tiềm năng lớn để phát triển du lịch.

          Món cá nướng sông Đà đem lại dư vị khó quên cho du khách.

 

Ngày 1/8/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1528/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030 có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển du lịch của tỉnh. Quy hoạch đồng thời khẳng định tiềm năng du lịch hồ Hòa Bình cũng như xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế đặc  thù, phát triển du lịch hồ Hòa Bình. Theo đó:  Khu du lịch hồ Hòa Bình được quy hoạch trên địa bàn 17 xã thuộc các huyện Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu và thành phố Hòa Bình. Diện tích vùng trung tâm được xác định khoảng 1.200 ha thuộc các xã nằm trong khu vực từ đảo Sung - Thung Nai - Ngòi Hoa. Quy hoạch xác định ưu tiên phát triển loại hình lưu trú homestay tại các bản du lịch cộng đồng; phát triển loại hình nghỉ dưỡng cao cấp tại phân khu Ngòi Hoa, đảo Sung; khách sạn 3 - 5 sao tại phân khu Thái Bình, Thái Thịnh; nghỉ dưỡng nổi tại phân khu Bình Thanh - Vầy Nưa, Hiền Lương. Phát triển các loại hình dịch vụ ẩm thực, khai thác món ăn truyền thống, đặc sản của dân tộc Mường và các dân tộc thiểu số trong vùng; phát triển các cơ sở dịch vụ ẩm thực theo mô hình nhà hàng cao cấp tại phân khu Ngòi Hoa, Thung Nai, Thái Bình, Thái Thịnh, Hiền Lương, Bình Thanh, Vầy Nưa; xây dựng mô hình phố ẩm thực, chợ văn hóa du lịch ven sông dọc hai bờ sông Đà, thành phố Hòa Bình… Hồ Hòa Bình được xác định là bước đột phá trong  phát triển ngành công nghiệp không khói của tỉnh đang được đánh thức và đứng trước những cơ hội rộng mở.

 

                                                                       Lê Chung

 

Các tin khác


Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục