(HBĐT) - Những tưởng, “voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao” chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng ra đời với mụ đích làm nổi bật tài năng của vị thần đại diện cho chính nghĩa, ý trí và khả năng trị thủy của dân tộc Việt thì thật bất ngờ khi ở một vùng “sơn cùng thủy tận” trên đất Tổ Phú Thọ vẫn hiện hữu một giống gà mang đầy đủ những nét đặc trưng của “gà 9 cựa” mà truyền thuyết Sơn Tinh- Thủy Tinh đã mô tả.

 

Con của thần núi, thần rừng

 

Với mong muốn được “thực mục sở thị” giống gà trong truyền thuyết, theo chỉ dẫn của anh bạn đồng nghiệp, chúng tôi về vùng đất Tổ - Phú Thọ rồi ngược lên huyện vùng cao Tân Sơn trong cái tê lạnh của miền sơn cước chớm bước vào xuân. Đường về Vườn Quốc gia Xuân Sơn (thuộc huyện Tân Sơn - Phú Thọ) giờ không khó đi như sự miêu tả còn in hằn trong tâm thức của những người bạn đã từng đặt chân lên vùng đất này từ nhiều năm trước. Bỏ lại phía sau vùng trung du xanh mướt những đồi chè, rừng cọ lẩn khuất trong màn sương giăng bảng lảng, chúng tôi hướng về đại ngàn Xuân Sơn với những dãy núi đá vôi cao ngất. Nơi vẫn giữ nguyên cái dáng vẻ hoang sơ như từ ngàn xưa còn hiện hữu. Theo chỉ dẫn của những người dân bản địa thì đến bản Cỏi, xã Xuân Sơn (huyện Tân Sơn - Phú Thọ) - là nơi cội nguồn của giống gà 9 cựa trong truyền thuyết.

Ở bản Cỏi hiện rất hiếm gà có đủ 9 cựa, con gà của nhà trưởng bản Đặng Văn Thu nhiều nhất cũng chỉ có 8 cựa.

 

Bản Cỏi ở không quá xa trung tâm xã, nhưng đến được cũng không phải dễ. Sau một chặng đường dài mệt mỏi, cuối cùng chúng tôi cũng chạm đích khi kim đồng hồ nhích dần về con số 12h trưa. Bản Cỏi chỉ có vài chục nóc nhà, thế nên tìm trưởng bản cũng không khó. Trò chuyện với chúng tôi, trưởng bản Đặng Văn Thu chia sẻ: Bản Cỏi có 89 hộ với khoảng trên 400 nhân khẩu. Trong đó, chủ yếu là người Dao thuộc nhóm Dao tiền. Bản ở phía Đông Nam dãy núi Ten - một trong 3 dãy núi đá vôi cao hơn 1.000m trong địa phận Vườn Quốc gia Xuân Sơn. Người dân bản Cỏi vẫn giữ được nét bản sắc văn hóa, họ ở nhà đất là chủ yếu. Sống dựa vào sản xuất nông nghiệp và thiên nhiên. Chăn nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên. Tuy nằm ở nơi “sơn cùng, thủy tận” nhưng bản Cỏi được nhiều người biết đến, bởi lẽ đây chính là nơi còn lưu giữ giống gà 9 cựa tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết lưu truyền từ thời Hùng Vương, nhà nước Văn Lang cách đây 4.000 năm.

 

Đến với bản Cỏi không khó để nhận ra những con gà 9 cựa được đồng bào Dao trân trọng và nuôi dưỡng cẩn thận. Tuy vậy, khi được hỏi về nguồn gốc giống gà 9 cựa nổi tiếng này thì ngay cả người cao tuổi nhất bản là cụ Đặng Thị Chung cũng không biết. Họ chỉ biết, từ khi sinh ra, lớn lên đã thấy giống gà này rồi. Nó được người dân ở đây nuôi dưỡng, bảo tồn từ đời nay sang đời khác. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt mà nói như cụ Đặng Thị Chung, ngoài bản Cỏi thì không ở đâu nuôi được giống gà đặc biệt này. Chuyện này cũng đã được nhiều người minh chứng. Anh Bàn Văn Hoàng là người có kinh nghiệm nuôi nhiều gà 9 cựa nhất xã Xuân Sơn cho biết: Chỉ cần đưa giống gà này ra khỏi khu vực rừng núi Xuân Sơn, cho dù là những con gà khỏe mạnh chỉ sau một thời gian nó cũng không tồn tại được. Nếu có sống thì chúng cũng không thể khỏe mạnh và mang cái dáng vóc uy dũng như khi được chăn nuôi ở vùng đất Xuân Sơn này. Cụ Đặng Thị Chung móm mém bảo: Vùng đất Xuân Sơn là nơi nuôi dưỡng những chú gà 9 cựa đặc biệt. Cũng chỉ có ở đây mới có giống gà 9 cựa thuần chủng, bởi ở đây, chúng là con của thần núi, thần rừng.

 

Gà 9 cựa trong văn hóa, tâm linh  của người Dao ở Xuân Sơn

 

“Gà 9 cựa hiếm lắm. Bây giờ ở bản Cỏi con nào nhiều nhất cũng chỉ có 8 cựa thôi, loại 5, 6 cựa thì nhiều”, trưởng bản Đặng Văn Thu cho biết. Theo những người cao tuổi trong bản thì kể từ xưa cho đến nay, bản Cỏi rất hiếm khi thấy gà chín cựa. Nếu nhà ai có con gà đủ 9 cựa thì gia đình đó sẽ gặp nhiều may mắn và được bà con dân bản đến chúc mừng.

Giống gà 9 cựa nơi bản Cỏi, xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) luôn có hình thể uy dũng.

 

Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là trong tâm thức của đồng bào Dao ở Xuân Sơn, gà 9 cựa có một vị trí khá đặc biệt. Họ gọi những con gà 9  cựa là vua gà. Coi nó là chúa tể của các loại gà. Trong đời sống văn hóa tâm linh, người Dao coi trọng nhất ngày Lập tĩnh hay còn gọi là Lễ cấp sắc. Đây là lễ công nhận trưởng thành của người con trai. Vào ngày này, mọi gia đình ở bản Cỏi dù giàu hay nghèo cũng nhất thiết phải chuẩn bị 20 con gà nhiều cựa để cho những chàng trai ôm, nhảy vũ điệu “chào chèo” để chứng thực với tổ tiên là mình đã trưởng thành. Kết thúc nghi lễ này, họ sẽ mang những con gà nhiều cựa làm thịt để dâng cúng tổ tiên nhằm thể hiện sự trân trọng và biết ơn. Ngoài ra, trong các ngày lễ quan trọng khác người Dao ở Xuân Sơn đều phải có loại gà 9 cựa này để cúng tế tổ tiên. Dẫu thế, con gà 9 cựa xuất hiện trong đời sống văn hóa tâm linh của người Dao từ bao giờ thì chẳng ai rõ. Khi được hỏi thì người ta bảo cũng chỉ biết từ đời cha ông đã làm như vậy. Điều đó có nghĩa là gà 9 cựa đã xuất hiện trong đời sống người Dao ở Xuân Sơn từ rất lâu rồi và mặc nhiên nó chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa, đời sống tâm linh của đồng bào nơi đây.

 

Có một điều đặc biệt nhiều người vẫn chưa lý giải được đối với giống gà 9 cựa, đó là không chỉ gà trống có cựa mà gà mái cũng có cựa. Điều này không thấy ở các giống gà khác. Cùng với đó, theo ông Đặng Vĩnh Phúc - một người dân bản Cỏi thì: Trong một lứa do cùng một mẹ không phải con nào cũng có nhiều cựa mà vẫn có những con có nhiều cựa và có những con gà không có cựa. Gà nhiều cựa thân mình mảnh dẻ, bình thường. Loài gà này thường đi kiếm ăn từ sáng đến chiều tối về chuồng. Khả năng bay nhảy của gà nhiều cựa rất giỏi nên việc bắt chúng khi đã thả ra khỏi chuồng vào ban ngày hầu như không thể. Gà nhiều cựa thường rất hiếu chiến, nhất là khi có những con gà lạ đi vào vùng thả của gà nhiều cựa sẽ bị đánh đến rụng lông, rách mào. Giống gà này ít chịu phối giống với các giống gà khác. Đây là giống gà khỏe mạnh, bộ lông rất đẹp, nói chung hình thể hùng dũng. Nó khác với những con gà trống của giống gà khác ở chỗ nó có uy dũng của một bậc “thần” kê với các đặc trưng mào đỏ như máu, mắt sáng tinh anh, ngực nở, đuôi cong vút tựa cầu vồng, tiếng gáy vang. Loài này có đôi chân to, chắc và đều 3, 4 cựa mỗi bên, mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, cựa trên cùng hoàn toàn là sừng, cong vút như lưỡi câu liêm sắc lẹm. Một đặc điểm nữa ở gà nhiều cựa là chúng rất hiếu chiến và hung dữ. Chúng không bao giờ có vẻ sợ hãi khi bị trói hoặc buộc, chúng có khả năng đánh bại những chú gà chọi tưởng chừng bất khả chiến bại. Người dân bản Cỏi luôn coi gà nhiều cựa là một phần trong tâm linh của mình nên họ luôn coi trọng việc nuôi dưỡng và bảo vệ loài gà này.

 

Có thể nói, giống gà 9 cựa tồn tại không chỉ khẳng định sự đa dạng sinh học ở nước ta mà còn có những ý nghĩa xã hội khác sâu sắc hơn. Đầu tiên, sự tồn tại của giống gà 9 cựa đã thêm một lần nữa chứng minh được vị thế, sức mạnh của nước Văn Lang thời Hùng Vương. Tiếp đó, nó cũng đã chứng minh một phần nào đó câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh là có thật. Dưới một góc nhìn văn hóa thì nó đã giúp cho chúng ta thấy được một phần câu truyện thần thoại hiển hiện bằng xương, bằng thịt trong cuộc sống, trước mắt chúng ta. Từ đó, từng thế hệ người Việt khi nghe câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, khi nghe về giống gà 9 cựa trong truyền thuyết sẽ thêm yêu mảnh đất quê hương mình.  

 

                                                                            

                                                                          Vũ Phong

 

Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục