(HBĐT) - Là một trong những vùng đất mà các nhà khảo cổ học chứng minh đã có người Việt cổ sinh sống cách đây hàng vạn năm, cho đến nay, người ta đã phát hiện tại Hòa Bình 72 di tích, khai quật được một khối lượng lớn các di vật thể hiện sinh động những giá trị đặc sắc của nền Văn hóa Hòa Bình. Trong đó, Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý. Đó thực sự là những dấu ấn đậm đặc đã trường tồn với thời gian để khẳng định sức sống của một nền văn hóa cổ đại rực rỡ.

 

Khu mộ cổ Đống Thếch (xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi) - một trong những di tích lịch sử có giá trị khảo cổ cao, nơi tìm thấy nhiều hiện vật mang đậm dấu ấn văn hóa đất Mường Động.

 

 “Văn hóa Hòa Bình” là thuật ngữ để chỉ một nền văn hóa cổ đại đã xuất hiện và tồn tại trên địa phận nước Việt tiền sỷ, có niên đại khoảng 18.000 năm kéo dài đến 7.500 năm cách ngày nay, thuộc thời kỳ đồ đá cũ. Đây là nền văn hóa có phạm vi phân bố rất rộng, không chỉ trên địa bàn các tỉnh thuộc Việt Nam mà còn xuất hiện và tồn tại ở các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam á. ở Việt Nam, cho đến nay, chúng ta đã tìm được trên 130 địa điểm Văn hóa Hòa Bình và thu thập một khối lượng lớn di vật, xương động vật và di cốt người. Trong khoảng 30.120 di vật thống kê ở 65 địa điểm đã khai quật, đồ đá chiếm gần 28.000 tiêu bản, là dấu ấn nổi bật nhất trong Văn hóa Hòa Bình.

 

Được biết, tại Việt Nam, các điểm di tích Văn hóa Hòa Bình được phát hiện tập trung nhiều nhất tại 2 tỉnh Hòa Bình (72 điểm) và Thanh Hóa (32 điểm). Riêng tại tỉnh Hòa Bình - nơi được coi là “cái nôi” của Văn hóa Hòa Bình với mức độ đậm đặc các di chỉ của tầng văn hóa này, người ta đã khai quật khối lượng lớn các di vật, chủ yếu nằm trong các hang động và mái đá. Các di chỉ được xác định có khung niên đại cách ngày nay từ 11.000 - 12.000 năm, là minh chứng sống động và đầy thuyết phục cho dấu tích của nền Văn hóa Hòa Bình.

 

Gắn bó với mảnh đất này đã hơn 20 năm, chị Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng tỉnh chưa bao giờ cảm thấy vơi bớt đam mê khi nghiên cứu, tìm hiểu những giá trị cổ của nền Văn hóa Hòa Bình thông qua các hiện vật lịch sử. Môi trường làm việc giúp chị có nhiều cơ hội để tiếp cận với các di tích, di chỉ, hiện vật khảo cổ, từ đó say sưa bóc tách những tầng lớp văn hóa còn ẩn sâu, khiến từng hiện vật phải “cất lên tiếng nói” sau một thời gian quá dài chìm sâu vào quên lãng. Chị Thi cho biết: Giờ đây tại Hòa Bình, những giá trị đặc sắc của nền Văn hóa Hòa Bình vẫn còn in đậm trong các quần thể di tích có giá trị khảo cổ cao, ví dụ như hang Chổ (Lương Sơn), hang Ma (Tân Lạc), hang Giỗ (Lạc Sơn), động Can (thành phố Hòa Bình), mái đá làng Vành (Lạc Sơn), mái đá Tôm (Lạc Thủy), mái đá Chiềng Khến (Tân Lạc), hang làng Đồi (Lạc Thủy), hang Muối (Tân Lạc) và đặc biệt gần nhất là những phát hiện kỳ thú gây xôn xao dư luận về một lối mòn cổ có niên đại khoảng 21.000 - 22.000 năm tại hang xóm Trại (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tức Mường Vang xưa)…

 

Theo thống kê, Hòa Bình hiện nay là nơi quy tụ gần 200 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, trong đó có 64 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Trong số 11.100 hiện vật được sưu tầm và đang lưu giữ tập trung tại Bảo tàng tỉnh, có khoảng 8.800 hiện vật đá minh chứng cho sức sống bền bỉ của Văn hóa Hòa Bình. Ngoài ra còn có nhiều hiện vật quý hiếm như 69 hiện vật trống đồng, 95 hiện vật đồ đồng khác (cồng chiêng, xanh, rìu…), 997 hiện vật gốm cổ… Tại Phòng trưng bày di sản văn hóa tỉnh Hòa Bình, phần trưng bày hiện vật thuộc Văn hóa Hòa Bình chiếm vị trí quan trọng. Đặc trưng nhất là bộ sưu tập công cụ làm từ đá cuội như nạo lưỡi dài, nạo lưỡi ngắn, rìu dài, rìu ngắn, rìu mài lưỡi, bôn. Các công cụ này có hình dạng và kích thước khác nhau, được chế tác thủ công bằng cách bổ, đập, bẻ, ghè, đẽo…

 

Nếu coi nền Văn hóa Hòa Bình là cuốn sách quý vốn bị phủ mờ bởi lớp bụi thời gian thì mỗi hiện vật được tìm thấy nơi đây là một trang tư liệu lịch sử khơi gợi những giá trị đặc trưng nhất làm nên Văn hóa Hòa Bình. Những “sứ giả của thời gian” đó đã tồn tại qua hàng vạn năm, mang trong mình những dấu ấn đậm đặc của một nền văn hóa cổ đại rực rỡ để rồi ngày hôm nay, chúng tự hào kể cho chúng ta nghe câu chuyện cổ tưởng như đã chìm vào quên lãng - câu chuyện về một nền văn hóa mang cái tên đầy ý nghĩa của một mảnh đất giàu bản sắc: Hòa Bình.

 

                                                               Thu Trang

 

 

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục