(HBĐT) - Sắp Tết, nhận được tin nhắn của người bạn hiện đang công tác ở Bà Rịa - Vũng Tàu: “Gửi cho vài đĩa ca nhạc các bài hát về Hòa Bình xuân”. Một kỹ sư dầu khí mắc mớ gì với âm nhạc vậy. Nhắn đi nhắn lại hóa ra bạn nhớ quê nhà. Mùa xuân, lòng bỗng nhớ về cố hương, biết đâu câu hát xưa làm vợi đi nỗi nhớ chăng? Đĩa bài hát về Hòa Bình mùa xuân ư, tìm đâu cho thấy bây giờ. Đành lần tìm qua những người bạn, những nhạc sĩ của tỉnh ta vậy…

 

Đã có nhiều bài hát hay về mùa xuân Hòa Bình. Về quê Lương Sơn dự đám cưới. Vẫn thuần chất xưa, không khí đầm ấm sôi động. Vui tươi hơn khi 3 thiếu nữ, bạn của cô dâu tha thiết trong trang phục dân tộc hát bài “Mùa xuân Hòa Bình” của nhạc sĩ Huy Tâm… Câu hát dẫn dắt thực khách đến với mùa xuân của Hòa Bình trong lãng đãng sương khói của miền cổ tích nhưng lại thấm đẫm hơi thở cuộc sống hôm nay. “Đường mùa xuân đưa anh lên trời / Vào hang Tiên mờ ảo giữa mây trôi… Mùa xuân Hòa Bình ơi /Xanh xanh núi Đúng, sông Đà… Hồ xanh bóng núi /Điện vui phố phường Hòa Bình ơi…”… Lại một bài hát về mùa xuân được vang lên khi mật ngọt mùa vui, mùa yêu thương đang ngập tràn xóm, phố. Đem dư vị của không gian “Mùa xuân Hòa Bình” trò chuyện cùng tác giả thì được biết khá nhiều điều bất ngờ. Dù nghe bài hát này đã lâu nhưng không ngờ nhạc phẩm này lại ra đời từ thời Hà Sơn Bình có “tuổi” trên 25 năm rồi. Nhạc sĩ Huy Tâm tâm sự: Mùng 3 Tết năm đó, cùng đội văn nghệ xã Hòa Bình lên thăm quan động Thăng. Hương vị xuân vẫn còn tràn ngập, nên dù đường khá gập ghềnh, nhưng bước chân của mọi người vẫn hăm hở tiến lên phía đỉnh cao. Điều thú vị nhất là khi tác giả còn đang lâng lâng cảm giác giữa sương mây cùng không gian huyền ảo trước mắt thì bắt gặp phiến đá rất giống khung dệt vải. Và một câu chuyện đã được kể lại, theo truyền thuyết, vì thương người dân nên vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, các nàng tiên đã gom những áng mây dệt áo mới cho những người nghèo khó. Câu chuyện đó, khiến tác giả liên tưởng đến mùa xuân và cuộc sống hôm nay. Thế là những ca từ mộc mạc và dung dị cất lên được “nâng” thêm bằng chất liệu dân ca Mường cùng tiết tấu của nhạc trẻ đương đại. Cũng chính Thanh Chiến, cô ca sĩ trưởng thành từ phong trào văn nghệ xóm Gai, người có mặt cùng nhạc sĩ Huy Tâm trong chuyến du xuân đó (sau này bước thẳng lên sân khấu chuyên nghiệp thuộc Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh) là người đầu tiên hát ca khúc này. Ca khúc được đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, nghiệp dư của tỉnh dàn dựng và biểu diễn nhiều nơi. Mỗi cuộc họp khu dân cư hay hội diễn nơi xóm bản, bài hát lại được mọi người lựa chọn. Tác giả Huy Tâm chia sẻ: Bản thân tác giả cũng bất ngờ vì sức sống của ca khúc xuân này. Hạnh phúc khi nó được cất lên mỗi khi lòng người xuân sắc; khi hoa đào, hoa mai rợp phố, phường, xóm, bản và màu của quả còn bay trong chiều nắng hanh vàng… Cùng với bài này, nhạc sĩ Huy Tâm còn có “duyên” với nhiều bài hát về mùa xuân được người hâm mộ yêu thích như “Mưa xuân”, “Mùa xuân anh chưa về với bản”…

 

 

Tại Liên hoan âm nhạc khu vực Tây Bắc năm 2016, những lời ca ngợi

quê hương, con người và mùa xuân Hòa Bình được cất lên, ngân vang làm say đắm lòng người.

 

Dịp kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh mới đây, khắp 4 Mường “Bi, Vang, Thàng, Động” vang vọng những ca khúc về Hòa Bình. Trong đó, nhiều ca khúc về mùa xuân đã khiến mỗi người Hòa Bình thêm vui vì những cảm xúc tuyệt vời mà mỗi nhạc sĩ, ca sĩ, lời ca đem lại cho họ. Bài “Quả còn mùa xuân” là một trường hợp thật thú vị. Từ bài thơ của tác giả Trần Quốc Dũng, nhạc sĩ Kim Ngọc (hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam) đã chinh phục người nghe bằng những giai điệu tha thiết, ấm tình. Bằng sự trải nghiệm và tình cảm của người trong cuộc (nhạc sĩ Kim Ngọc từng có nhiều năm dạy học ở Hòa Bình), nhạc sĩ đã đem đến cho người nghe một không gian mùa xuân ở các bản làng vùng cao thật độc đáo: “Hoa đào khoe sắc thắm / Hoa mận xòe cánh bay /Chim hót mừng gọi nắng / Em cười xua tan mùa đông / Quả còn bay trên cao / Bên nhịp khèn êm ái / Trái còn bồi hồi…”. Tác giả của phần lời bài hát bộc bạch: Trước tết, nhiều lần đi thực tế ở Kim Bôi, Kỳ Sơn, Cao Phong… bắt gặp hình ảnh trai gái đất Mường tung còn, ca hát trên những thửa ruộng khô sát bờ sông, bờ suối. Cảnh sắc thanh bình và khơi gợi nhiều cảm xúc, vì thế lời thơ cứ thế cất lên. Rất vui là bài thơ này được nhạc sĩ Kim Ngọc “chắp cánh”. Quả còn mùa xuân chỉ là cái cớ để cho đôi trai gái đất Mường giận hờn nhau. Nhưng qua đó, tình yêu càng được nhân lên, chắp cánh bay xa để cùng tin vào hạnh phúc đã trao, nhận. Cũng vì ca từ, cùng độ tình tứ trong nhạc, trong lời có đất diễn, nên các diễn viên nghiệp dư ở Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong… thường tập luyện, biểu diễn và tham gia các liên hoan âm nhạc. Có lần ngồi bên cửa voóng nhà sàn ở xã vùng cao Quý Hòa, nhìn ra dòng người đi hội xuân và nghe bài hát “Quả còn mùa xuân”, bỗng thấy lâng lâng những cảm xúc xuân thì: “Quả còn bay ngỡ ngàng / Sao mà anh không bắt /Để còn bay đi mất… Còn đã vào tay em /Còn đã vào tay em / Hạnh phúc trong tay em…” Cùng với các bài hát được người nghe đồng cảm như “Hoa đất Mường” (Trần Hoàng), “Bài ca trên làng núi”, (Nhạc Quách Vin), “Đu xuân” (nhạc Bùi Hữu Trí), “Xuống chợ ngày xuân” (nhạc Tống Hoàng Long), “Mùa xuân về” (Tống Đức Cửu), “Sắc chợ rẻo cao”, “Hòa Bình một tình yêu” (Nhạc Đinh Tùng Bách) … đã dệt nên một mùa xuân Hòa Bình rực rỡ nhưng không kém phần sâu lắng, trữ tình nên thơ. Nhiều bài khác, dù không có chữ “xuân”, “hoa đào, hoa mai” trong lời, nhưng mỗi khi giai điệu được cất lên, vẫn dâng cho người, cho đời những cảm xúc ngọt ngào về mùa xuân, về tình người Hòa Bình trên đường đổi mới. Cuộc sống mà mùa xuân cần có bánh chưng, mứt Tết cùng các sản vật, ẩm thực của núi rừng Hòa Bình, nhưng không thể thiếu những bài ca mùa xuân nồng ấm, da diết trong đêm giao thừa chào xuân…

 

                                                                 Văn Tưởng

 

Các tin khác


Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục