(HBĐT) - Từ năm 2012, lễ hội đình Cổi, xã Bình Chân (Lạc Sơn) được phục dựng. Phần lễ tổ chức theo nghi thức truyền thống của người Mường cổ là rước kiệu và sắc phong. Phần hội tổ chức múa chèo đình truyền thống kết hợp với hoạt động văn hóa, văn nghệ, TD-TT, các trò chơi dân gian dân tộc Mường vùng Lạc Sơn. Từ đó đến nay, lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của bà con trong vùng.

 

Hòa cùng dòng người đi rước kiệu, bà Bùi Thị Nẻo ở xóm Cài, xã Vũ Lâm (Lạc Sơn) cho biết: Từ ngày khôi phục lễ hội đình Cổi năm nào tôi cũng tham gia. Lễ hội đã tái tạo được những nét văn hóa, sinh hoạt từ thuở sơ khai của người Mường Lạc Sơn. Không chỉ giúp chúng tôi nhớ lại thời cha ông mình mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu hơn những nét văn hóa của người Mường cổ.

 

Trò chơi ném còn tại lễ hội đình Cổi.

 

Mê mẩn với những chiếc cù quay trong lễ hội, Bùi Văn Tuấn ở xã Bình Chân cho hay: Nếu không có lễ hội mở ra trò chơi dân gian như chơi cù, ném còn thì chúng cháu không biết đến những trò chơi dân gian này.

 

Theo truyền thuyết dân gian của dân tộc Mường và lời kể của các cụ cao niên trong làng, đình Cổi xưa còn có tên gọi là đình Chung Điếm. Được khởi dựng vào đầu thế kỷ XIX, tọa lạc trên khu ruộng Cọi Khưa, gần chân núi Khụ Bậy. Đình làm theo kiến trúc nhà sàn của người Mường gồm có 3 gian, 2 chái với 6 hàng chân cột được kê trên đá  tảng, mái lợp tranh dài khoảng 8 m, rộng khoảng 5 m, cao 7 m, gồm cửa chính, 1 cửa phụ và 7 cửa voóng, gầm sàn cao 1,4 m, mặt quay hướng nam. Vật dụng để dựng đình chủ yếu làm bằng gỗ. Các vị thần được thờ chính tại đình Cổi là Quốc Mẫu Hoàng Bà, Vua Cả (Thánh Tản), Vua Cun, Vua Hai (Cao Sơn và Quý Minh Đại Vương), thành hoàng, ông bà nhất huyệt, kem, cai.

 

 Tương truyền vào một ngày đẹp trời, Quốc Mẫu đang dạy các cung nữ dệt vải trên cung đình chợt bà nghe thấy tiếng chim hót líu lo, tiếng suối chảy róc rách hòa quyện vào nhau làm trong người cảm thấy thư thái. Bà đưa tay vén bức màn dệt bằng những dải mây hồng nhìn xuống hạ giới thấy đất đai phì nhiêu, màu mỡ nhưng cuộc sống người dân ở đó vô cùng cực khổ. Thấy vậy bà liền cho gọi những người hầu cận xuống hạ giới để dạy dân cách làm ăn, sinh sống. Khi xuống hạ giới, Quốc Mẫu liền cải trang thành dân thường để tìm hiểu cuộc sống của người dân. Quốc Mẫu cùng các vua đi từ Ba Vì đến đồng Khậm Mu, xóm Cổi thì trời mưa. Bà dừng chân nơi đây tận mắt nhìn thấy cuộc sống cực khổ của nhân dân. Quốc Mẫu Hoàng Bà cùng các vua dạy dân cách trồng trọt, khai phá ruộng nương. Vua út, Vua ả dạy cách trồng bông, dệt vải. Vua Cun, Vua Hai hướng dẫn cách khai phá làm ruộng nương. Vua Cả là người trị thủy cho nước lũ khỏi ngập mùa màng, khi hạn hán thì đảo vũ để có nước cho hoa màu. Quốc Mẫu là người chỉ dạy những điều hay, lẽ phải ở đời.

 

Nhớ ơn công đức, lời dạy của Quốc Mẫu và các vua, người dân trong vùng đã lập đình thờ. Cứ mỗi độ xuân về, nhân dân trong vùng lại về đình Cổi thực hiện các nghi lễ bày tỏ lòng tôn kính, cảm ơn tới Quốc Mẫu và vua, dâng lên đấng thần linh các thành quả đã đạt được trong năm cũ và cầu mong năm mới gặp nhiều may mắn.

 

Lễ hội đình Cổi bắt đầu từ đó và được duy trì qua nhiều thế hệ, giờ đây đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt tâm linh của người Mường.

 

Theo các cụ cao niên kể lại, đình Cổi đã được nhận 2 sắc phong một do Vua Khải Định và một do Vua Bảo Đại cấp. Hiện nay, đình còn giữ được một ống đựng sắc phong, một hộp đựng sắc phong và một đòn kiệu. Qua nhiều biến cố của lịch sử, nhiều hiện vật cổ, quý giá của đình không còn. Nhiều năm lễ hội đã không diễn ra. Đến năm 2001, trên khu đất dựng đình năm xưa, nhân dân xã Bình Chân đã dựng tạm một lán nhỏ để đặt bàn thờ. Thời gian qua, di tích đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, du khách thập phương và nhân dân trong huyện. Di tích từng bước được trùng tu, tôn tạo để phát huy những giá trị văn hoá lịch sử và du lịch tâm linh. Năm 2012, UBND huyện Lạc Sơn quyết định phục dựng lại lễ hội đình Cổi và đình đã được xây dựng lại. Năm 2014, UBND tỉnh công nhận di tích đình Cổi là “Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh”.

 

Đồng chí Bùi Văn Tặng, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chân cho biết: Đến nay, nhân dân huyện Lạc Sơn và khách thập phương đều nhớ ngày mồng 7- 8 tháng giêng hàng năm là ngày khai hội đình Cổi. Họ đến đây để trẩy hội cầu may, tài lộc đầu năm, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, xóm làng bình yên, người người được khỏe mạnh, nhà nhà hạnh phúc, quê hương đổi mới, đất nước phồn thịnh.

 

                                                                             Việt Lâm

 

Các tin khác


Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục