(HBĐT) - Đã thành thông lệ, cứ đến mùng 8 tháng giêng hàng năm, nhân dân xóm Trại, tổ 16, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) cùng bạn bè, những người con từ khắp miền quê trở về với lễ hội đình Mường Trại. Tạm gác mọi bộn bề, lo toan của năm cũ để cùng thắp nén hương thơm, hướng sự thành kính và lòng biết ơn về chốn tâm linh nơi các vị tiền nhân tiên tổ.

 

Bà Nguyễn Thị Thanh, người dân tổ 16, phường Thái Bình cho biết: Hàng năm, vài ngày trước khi diễn ra lễ hội, tôi cùng người dân xung quanh đến quét dọn đình, chuẩn bị  cho buổi lễ. Mỗi gia đình trong tổ đều chuẩn bị một mâm lễ vật, có hoa, quả, bánh kẹo. Gia đình nào có điều kiện chuẩn bị một mâm xôi, con gà hoặc một con cá chép nướng.

        Tiết mục tấu Chiêng được biểu diễn tại lễ hội đình Mường Trại.

 

Năm nay, nhân dân tổ 16, phường Thái Bình vinh dự, tự hào khi được UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL trao bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đình Mường Trại. Đạt được kết quả trên là sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ cùng nhân dân tổ 16 trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa đình Mường Trại xưa và nay. ông Nguyễn Đức Thiện, chi hội trưởng chi Hội NCT, là người có uy tín trong tổ chia sẻ: Quyết định của UBND tỉnh trao bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là sự ghi nhận quá trình hàng trăm năm các thế hệ Mường Trại đã có công xây dựng, bảo tồn đình Mường Trại cùng những giá trị    văn hóa, tâm linh trong việc gìn giữ và phát huy bản   sắc văn hóa nhân văn, độc đáo. Đồng thời nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên, cội nguồn, nơi chôn nhau, cắt rốn.

 

Theo các cụ cao niên nơi đây kể lại, KDC thuộc tổ 16, phường Thái Bình (xưa kia được gọi là Mường Trại) có lịch sử hình thành cách đây khoảng 200 năm. Mường Trại xưa là một xóm nhỏ một trang trại trên khoảng đất khá cao ráo, trong vùng đồi thấp một bên là đầm Quỳnh Lâm, một bên là đồi núi cao. Những cư dân đầu tiên đến đây khai hoang từ Mường Bi (Tân Lạc), Mường Vang (Lạc Sơn), Mường Thàng (Cao Phong), Mường Động (Kim Bôi), Mông Hóa (Kỳ Sơn). Cuộc sống ban đầu còn vô cùng khó khăn, nhưng với bản tính chịu thương, chịu khó, sự ưu ái của thiên nhiên ban cho, họ dần cải tạo đất hoang hóa thành nương, ruộng. Lúa cấy 1 vụ mà vẫn đủ ăn quanh năm. Cá, tôm, cua, ốc... không cần nuôi mà vẫn tha hồ đánh bắt. Cảm kích trước sự ưu ái của trời đất, sự phù trợ của tổ tiên, dân Mường Trại bàn nhau dựng đình để thờ cúng các bậc tiền nhân đã có công khai hóa lập nên Mường Trại, suy tôn họ là thành hoàng của làng và lập đình thờ phụng bao gồm cụ Chu, cụ Chót, cụ Cơl; hai anh em cụ Đinh Thế Vân, Đinh Thế Giang, cụ Ruốt và cụ Dâm.

 

Đình Mường Trại xưa được xây dựng với hệ thống kiến trúc bằng vật liệu tranh, tre, nứa. Khi xây dựng xong một số thiết chế liên quan đến đình làng cũng được bổ sung như cây đa được trồng, giếng nước được đào, sân đình được san ủi bằng phẳng, rộng rãi, là nơi để dân làng tụ họp bàn việc làng, nơi tổ chức lễ hội vào tháng giêng âm lịch hàng năm. Đình có quy mô không lớn, tọa lạc trên tích khoảng 1.300 m2. Trải qua bao biến cố thăng trầm, thiên tai khắc nghiệt, chiến tranh tàn phá, đình được bổ tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc như ban đầu xây dựng.

 

Lễ hội đình Mường Trại được tổ chức hàng năm là nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của người dân tổ 16, phường Thái Bình. Lễ hội mong muốn khơi dậy niềm tự hào của người dân đối với quê hương, ý thức con cháu hôm nay phải bảo vệ, giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông ta từ xa để lại, thấu hiểu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

 

                                                                               Đồng Hương

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục