(HBĐT) - “Trước khi đến đây, chúng tôi đã từng nghe giới thiệu và tìm hiểu khá nhiều thông tin về hang xóm Trại. Đây là di tích khảo cổ cấp quốc gia được ví như “bảo tàng văn hóa” tiêu biểu và hiếm hoi sót lại của người Việt cổ, nơi minh chứng sinh động cho những giá trị trường tồn của nền văn hóa Hòa Bình” - bạn Hà Mỹ Hạnh, cựu sinh viên khoa lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết.

Cùng các bạn đồng niên vượt xe máy chừng 130 km từ Thủ đô Hà Nội tìm đến trung tâm Mường Vang để thăm quan hang xóm Trại (thuộc xóm Trại, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn), Hà Mỹ Hạnh cũng như nhóm bạn của mình cảm thấy chuyến đi thật ý nghĩa. Bù đắp cho những mệt mỏi mà quãng đường dài mang lại, những trải nghiệm khi vào hang xóm Trại đã khơi dậy trong các bạn trẻ khát khao khám phá và tìm hiểu cội nguồn. Vốn đã có trong mình niềm đam mê đặc biệt đối với lịch sử các nền văn hóa, đến với hang xóm Trại, những cựu sinh viên của Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có dịp mục sở thị các hiện vật tiêu biểu cho nền Văn hóa Hòa Bình. “Thực tế sinh động và hấp dẫn hơn nhiều so với những lý thuyết chúng tôi được tiếp thu trên giảng đường đại học” – một bạn trong nhóm phấn khởi cho biết.

 

Hang xóm Trại nằm ven phía đông sườn núi khụ Trại, thuộc xóm Trại, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tức trung tâm của vùng Mường Vang nức tiếng khi xưa. Hang được xếp hạng di tích khảo cổ cấp quốc gia năm 2001, ngày nay được tôn tạo trở thành địa điểm du lịch tâm linh và thám hiểm độc đáo, thu hút hàng ngàn lượt khách mỗi năm. Đến đây, du khách như đang thực hiện một cuộc hành trình ngược thời gian trở về khám phá cuộc sống của người Việt cổ sinh sống cách đây hàng vạn năm. Đi qua cửa hang rộng mở hơi chếch lên để đón ánh sáng mặt trời, càng đi sâu vào lòng hang, du khách càng thấy rõ cảm giác như đang đi sâu vào thế giới cổ đại. Hòa quyện trong bầu không khí lạnh và ẩm là thứ ánh sáng mờ ảo hắt ra từ các tầng nhũ đá. Du khách có thể chạm tay vào những hóa thạch của vỏ ốc - vốn là hiện vật đặc trưng minh chứng cho sự cư trú của người Việt cổ ngay tại nơi đây. Hang có chiều rộng trung bình 7 m, chiều dài từ miệng vào đáy khoảng 22 m, chiều sâu khoảng 7 - 10 m. Tại đây, qua các mùa điền dã, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy rất nhiều hoá thạch của vỏ ốc, bình quân 1 m3 có khoảng hơn 40.000 vỏ ốc, số lượng này tương đương với khoảng 300 kg thịt ốc. Căn cứ theo các tầng ốc hóa thạch có thể thấy phải qua hàng chục nghìn năm mới tích tụ được tầng vỏ ốc ken đặc như vậy. Cùng với hóa thạch ốc, quá trình khai quật hang xóm Trại đã phát hiện một khối lượng đồ sộ hiện vật thời kỳ đồ đá, trung bình 1 m2 phát hiện 202 hiện vật, đến nay đã khai quật khoảng trên 4.000 hiện vật bằng đá, xương, sừng, gốm cùng nhiều tàn tích các vỏ nhuyễn thể và thực vật. Với số lượng hiện vật đã được phát hiện, hang xóm Trại được đánh giá là di tích khảo cổ điển hình nhất của nền văn hóa Hòa Bình, xứng đáng là “bảo tàng văn hóa” của người Việt cổ với hiện vật phong phú nhất và các tầng văn hóa dầy đặc nhất trong khu vực Đông Nam á.

 

“Đối với bất cứ ai từng đến khám phá hang xóm Trại, có lẽ ấn tượng đặc biệt nhất chính là trải nghiệm đi vào lối mòn của người Việt cổ có niên đại cách đây khoảng 21 - 22 nghìn năm” - một du khách đến từ tỉnh Hà Nam chia sẻ. Được biết, lối đi này được phát hiện vào tháng 10/2008, trong quá trình nạo vét lòng hang phục vụ công tác tu tạo toàn bộ di tích hang xóm Trại, thực hiện bởi Bảo tàng tỉnh và Trung tâm Tiền sử Đông Nam á. Lối đi được phát hiện ở ngách phía bắc của hang được xác định có niên đại khoảng 21 - 22 nghìn năm, nằm sâu 4 m dưới các tầng văn hóa. Đây là một phát hiện quan trọng và hiếm có không chỉ ở khu vực Đông Nam á mà cả trên thế giới. Phát hiện này càng chứng tỏ hang xóm Trại trước kia vừa là nơi cư trú lâu dài vừa là xưởng chế tác công cụ trong hang động núi đá vôi của cư dân Văn hóa Hòa Bình. Với những giá trị đặc sắc có một không hai, hang xóm Trại đã và đang tiếp tục được đầu tư tôn tạo để trở thành điểm đến đầy sức hút dành cho du khách đam mê khám phá. Hiện nay, các dấu vết đường đi cổ đang được bảo tồn nguyên trạng, một phần tầng văn hoá hoá thạch bên vách hang được giữ nguyên, các tầng văn hóa trong hang được gia cố và bảo tồn theo hệ thống, trong đó, người ta đã vệ sinh làm xuất lộ dấu tích văn hoá thời kỳ đầu của hang, dựng cụm tượng tái tạo cảnh sinh hoạt bên bếp lửa trong hang... Đó là những nỗ lực nhằm xây dựng hang xóm Trại thực sự trở thành một “bảo tàng văn hóa” sống động giúp du khách có những trải nghiệm lý thú với Văn hoá Hoà Bình - niềm tự hào muôn năm của đất Mường Vang xưa.

 

                                                                   Thu Trang

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục