(HBĐT)- “Khoảng 6h ngày 30/4/1975, tôi cùng các đồng đội trong Tiểu đoàn 34, Trung đoàn 223 thuộc Bộ Chỉ huy Miền đánh vào khu vực Lăng Cha Cả (nay là ngã tư Bảy Hiền - quận Tân Bình - thành phố Hồ Chí Minh). Tại đây, tôi may mắn được gặp lại những người anh em đã lớn lên tại quê hương Địch Giáo (Tân Lạc) là ông Đinh Công Nhỏ, Đinh Xuân Sách.

 

CCB Đinh Đức Như (giữa) cùng cán bộ, hội viên Hội CCB xã Địch Giáo (Tân Lạc) ôn lại lịch sử chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. 

 

Chúng tôi ôm nhau khóc òa bởi niềm vui gặp lại đồng hương giữa bom đạn, bởi sự vui mừng khôn xiết vì đất nước giải phóng, sẽ sớm được trở về quê nhà đoàn tụ cùng gia đình. Kiên định với niềm tin chiến thắng ở ngay phía trước nên chúng tôi đã cùng đồng đội vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, bom đạn để tiến về Sài Gòn trong chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh”. Đó là những chia sẻ xúc động của CCB Đinh Đức Như (xóm Bậy, xã Địch Giáo, Tân Lạc) trong những ngày tháng tư lịch sử.

 

Trong căn nhà nhỏ đầy ắp kỷ vật thời chiến, ông Như bồi hồi kể lại: “Tháng 4/1968, tạm gác mọi công việc tại địa phương, tôi lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau 2 tháng huấn luyện, tôi được phân công tham gia chiến đấu ở Tiểu đoàn 26, Sư đoàn 5 thuộc Bộ Chỉ huy Miền với nhiệm vụ thông tin hữu tuyến. Tại chiến trường Miền Nam, tôi đã trực tiếp tham gia vào nhiều trận đánh lớn tại tỉnh Tây Ninh, Bình Long, Phước Long và nước bạn Campuchia. Năm 1973, tôi trở về căn cứ Căm Xe làm trợ lý chính trị tại Tiểu đoàn 34, Trung đoàn 223 thuộc Bộ Chỉ huy Miền chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.”

Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh, phương án chiến dịch được thông qua lần cuối.

 

ông Như xúc động nhớ lại: Cả miền Nam với trái tim là thành phố Sài Gòn sôi sục trong khí thế chuẩn bị cho ngày tổng tấn công. Hậu cần, quân lương được tích cực chuẩn bị; bộ đội, dân quân du kích, dân công và thanh niên xung phong đổ về… Những trận chiến đấu quyết liệt, những trận bão lửa dữ dội diễn ra trước hết ở hướng đông là hướng địch tập trung nhiều lực lượng và tổ chức chống cự điên cuồng. Nhưng với tinh thần quyết chiến, ta đã lần lượt chọc thủng các phòng tuyến của địch. Tin chiến thắng từ các mũi tiến công liên tiếp được báo về tạo nên sức mạnh và quyết tâm vô cùng lớn cho chiến sỹ. Chiến thắng đang ở ngay phía trước! Ngày giải phóng đất nước đã đến rồi! Niềm tin đó chính là sức mạnh để chúng tôi băng qua lửa đạn, tiến về Sài Gòn!”

 

Liên tiếp ngày 27/4, quân ta giải phóng Phước Tuy, chiếm và giữ các đầu cầu vào nội thành Sài Gòn. Ngày 28/4, quân ta tăng cường vây ép Sài Gòn trên các hướng; bao vây, ngăn chặn không cho các sư đoàn chủ lực của địch co cụm về vùng ven nội thành. Ngày 29/4, ta tổng tiến công trên toàn mặt trận, ngăn chặn và tiêu diệt các tập đoàn địch ở vòng ngoài, thọc sâu đánh chiếm các địa bàn quan trọng ở vùng ven, chuẩn bị đồng loạt đánh vào nội đô. Và ngày 30/4, tất cả các cánh quân nhận lệnh tổng tấn công vào Sài Gòn với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố.

 

Vào thời khắc lịch sử giải phóng dân tộc, mặc dù không tham gia trực tiếp tiến đánh vào Dinh Độc Lập, ông Như cùng các đồng đội ở Tiểu đoàn 34 thuộc Bộ Chỉ huy Miền làm nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Trường quân sự Quang Trung, chợ Long Hoa và nhiều địa điểm quan trọng khác. ông Như nhớ lại: Cảm giác được đứng giữa thành phố Sài Gòn trong phút giây đất nước hoàn toàn giải phóng. Xung quanh mình là máu, nước mắt, cờ hoa, tiếng reo hò… Đó là ký ức quý giá và hết sức đặc biệt, cảm giác tự hào mãi không bao giờ tôi quên được.

Đất nước hoàn toàn giải phóng, hành trang ông trở về quê hương là Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến công… và tinh thần của người lính. Vượt lên khó khăn do sức khỏe yếu (ông là bệnh binh, sức khỏe suy giảm 61%), ông Như luôn là người đảng viên gương mẫu, cán bộ Hội CCB năng nổ, nhiệt huyết. Trong những ngày tháng tư lịch sử, ký ức chiến dịch Hồ Chí Minh sống lại trong ông và được ông truyền lại, tiếp lửa tình yêu nước và niềm tự hào cho lớp lớp con cháu trên quê hương Mường Bi anh hùng.

 

                                                                             Đức Anh

 

Các tin khác


Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục