(HBĐT) - Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hà Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Mai Châu (Mai Châu) cho biết: Ngày nay, xã hội phát triển, văn hóa giao thoa, bên cạnh tiếp thu những tinh hoa văn hóa thì một bộ phận thế hệ trẻ thờ ơ với bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Giới trẻ có xu hướng yêu thích những bài hát nhạc trẻ, nét văn hóa kiểu phương Tây… đã làm bản sắc văn hóa truyền thống ngày càng mai một. Trước thực tế đó, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền thị trấn Mai Châu không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm giữ gìn và phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái.


Hàng năm, để giữ gìn bản sắc văn hóa, Đảng ủy, UBND thị trấn đưa những yếu tố văn hóa của người Thái vào chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân thành lập các đội văn nghệ; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các bản trong ngày lễ, tết; đăng ký tham gia nhiều hội thi, hội diễn văn nghệ trong huyện, tỉnh nhân các ngày lễ lớn. Thị trấn Mai Châu có 12 đội văn nghệ tại các xóm. Phong trào văn nghệ quần chúng diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo người dân tham gia. Những làn điệu dân ca Thái mượt mà ca ngợi quê hương bằng tiếng Thái được những chàng trai, cô gái thể hiện đầy cảm xúc đi tham gia tại các hội thi, hội diễn do huyện tổ chức. Kết quả, đội văn nghệ thị trấn Mai Châu đều đoạt giải nhất. Thị trấn phối hợp với các trường học thành lập đội văn nghệ, khuyến khích học sinh biểu diễn, hát các ca khúc ca ngợi quê hương bằng tiếng Thái. Qua đó, giúp học sinh nhận thức và hiểu rõ hơn giá trị tiếng Thái, khơi dậy sự sáng tạo trong các chương trình văn nghệ thể hiện bản sắc văn hóa đa dạng và nâng cao ý thức giữ gìn những giá trị đó. Giờ ngoại khóa các nhà trường lồng ghép các trò chơi dân gian của dân tộc Thái. Tiếng Thái được giao tiếp hàng ngày trong các gia đình.


Nghề dệt thổ cẩm được người dân thị trấn Mai Châu (Mai Châu) giữ gìn và phát triển theo thời gian.

Người Thái còn giữ gìn truyền thống qua các lễ hội như Xên bản, Xên Mường, cơm mới… Tại các lễ hội, thông qua việc chuẩn bị mâm cỗ cúng, chế biến các món ăn truyền thống, mời thầy cúng thực hiện các nghi lễ đã thể hiện sự tôn trọng giá trị truyền thống. ông Hà Văn Thiết, bản Pom Coọng chia sẻ: Từ đời cha ông tôi đã thực hiện các nghi lễ truyền thống của người Thái, bây giờ chúng tôi phải tuân thủ theo đúng phong tục cho con cháu biết cách làm. Điển hình người Thái có lễ cơm mới được hầu hết các gia đình duy trì. Tại mỗi gia đình người Thái, sau tháng 8 âm lịch, khi thu hoạch lúa xong là các hộ làm lễ cơm mới có ý nghĩa báo cáo với ông bà, tổ tiên mùa màng đã thu hoạch xong, xin tổ tiên cho ăn cơm mới. Lễ cơm mới mang ý nghĩa giáo dục con cháu về sự biết ơn, báo hiếu, kính trọng của con cháu đối với những người có công sinh thành. Qua lễ cơm mới, cha mẹ dạy cho con về cách sống phải biết kính trên nhường dưới.

Hình ảnh người phụ nữ ngồi bên khung cửi dưới nếp nhà sàn đã trở thành nét đẹp truyền thống được lưu giữ bao đời nay của người Thái Mai Châu. Hiện nay, toàn thị trấn có 18 cơ sở dệt thổ cẩm. Những chiếc khăn, chiếc túi, chiếc áo được các bà, các mẹ miệt mài, khéo léo xe tơ, dệt vải nhằm giáo dục con cháu bổn phận chăm sóc gia đình, dù cuộc sống muôn vàn khó khăn vất vả nhưng không được nản lòng. Tại thị trấn Mai châu vào các ngày họp; lễ, Tết tất cả phụ nữ từ người già đến trẻ nhỏ đều mặc váy Thái. Đặc biệt, tại 2 bản làm du lịch là bản Văn và bản Pom Coọng yêu cầu người con gái Thái phải mặc trang phục truyền thống đón khách du lịch. Nếp nhà sàn của người Thái vẫn được địa phương lưu giữ qua thời gian. Tại bản Pom Coọng có 79 hộ thì có tới 40 hộ giữ được nhà sàn truyền thống của người Thái. Đời trước truyền lại cho đời sau những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cứ thế những giá trị đạo đức, văn hóa của người Thái Mai Châu được giữ gìn trước sự hội nhập.


Thu Thủy

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục