Một trong những phát hiện quan trọng của đợt khai quật khảo cổ học năm 2017 tại khu vực chính điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long) là một dải nền lát gạch họa tiết hoa chanh tiêu biểu của thời Trần, có kích thước lớn nhất trong số các dải nền đã được phát hiện từ trước đến nay (khoảng 1,15m).



Kết quả khai quật trong năm 2017 đã đưa đến nhiều phát hiện quan trọng, cho thấy sự phong phú, phức tạp của các di tích thuộc khu vực điện Kính Thiên. (Ảnh: TTXVN)

Thông tin trên được phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín (Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam) cho biết tại hội thảo khoa học "Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2017” diễn ra ngày 17/4 tại Hà Nội.

Ngói rồng lợp cung điện 

Trong thời gian từ 15/4-30/12/2017, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tiến hành khai quật thăm dò khu vực phía Đông nền điện Kính Thiên (phía giáp đường Nguyễn Tri Phương) với tổng diện tích gần 1.000m2.

Theo giáo sư-nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê (Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), về nguyên tắc, các dải nền gạch họa tiết hình hoa chanh thường được sử dụng trong việc trang trí xung quanh những bức tượng của các công trình kiến trúc có quy mô lớn.

Bên cạnh đó, kết quả khai quật đã đưa đến nhiều phát hiện quan trọng, cho thấy sự phong phú, phức tạp của các di tích thuộc khu vực điện Kính Thiên. Cụ thể, cuộc khai quật đã làm xuất lộ các địa tầng với các lớp văn hóa có niên đại từ thời Đại La, trải qua các thời Lý-Trần-Lê-Nguyễn và kéo dài tới thời Pháp thuộc.

Một số dấu tích kiến trúc có niên đại từ thời Lý-Trần-Lê đã được phát lộ trong cuộc khai quật lần này gồm: các hàng cột, kết cấu móng, đường bó nền, sân nền… 

Đặc biệt, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều loại hình di vật có niên đại từ thế kỷ 10 đến đầu thế kỷ 20: vật liệu kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất…được làm từ nhiều loại chất liệu khác nhau (gốm, gỗ, sành, sứ, kim loại, đất nung…).

"Trong số đó, ấn tượng nhất là các loại di vật thời Lê Sơ (thế kỷ 15-đầu thế kỷ 17). Những mảnh ngói tráng men xanh (thanh lưu ly), men vàng (hoàng lưu ly), có họa tiết hình rồng cho phép hình dung rõ hơn về loại ‘ngói rồng’ (đầu rồng phía diềm mái, đuôi rồng phía góc mái) được dùng để lợp cung điện; thậm chí có thể đặt ra giả thiết, đây chính là loại ngói dùng để lợp điện Kính Thiên thời Lê Sơ,” phó giáo sư-tiến sỹ Tống Trung Tín cho biết.

Cứ liệu phục dựng không gian điện Kính Thiên

Theo giáo sư Phan Huy Lê, kết quả lần này kết hợp cùng những thông tin thu được từ các đợt khai quật trước đây (đặc biệt là kết quả của đợt khai quật năm 2016) cho thấy, vào thời Lý-Trần, có những công trình kiến trúc quy mô rất lớn ở khu vực này. Đây cũng là những tư liệu quan trọng để hiện thực hóa việc phục dựng không gian điện Kính Thiên.


Nhiều di vật quan trọng thu được sau đợt khai quật. (Ảnh: TTXVN)


"Đợt khai quật năm 2017 tiếp tục xác định tầng văn hóa dày, có niên đại kéo dài từ thế kỷ 8-20 ở trục trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Qua đó, có thể thấy, dấu tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long với các tiêu chí nổi bật toàn cầu tiếp tục được chứng minh rõ thêm. Tuy nhiên, nhiều bí ẩn vẫn còn nguyên dưới lòng đất, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu lâu dài,” giáo sư Phan Huy Lê nhấn mạnh.

Các nhà khoa học cũng đề nghị nghiên cứu rõ hơn về hồ nước mới phát hiện thấy trong lòng hố khai quật, để thấy được sự kết nối của dấu tích này trong tổng thể kiến trúc chung của Hoàng thành Thăng Long; đồng thời, cần làm rõ những dấu tích của nhà Mạc qua các tầng văn hóa và các di vật tìm thấy trong quá trình khai quật.

Bên cạnh đó, tại hội thảo, các nhà khoa học cũng cho rằng, cần lập được bản đồ tổng thể, kết nối các kết quả khảo cổ học từ trước đến nay để có cái nhìn tổng thể về di tích và tìm ra trục trung tâm của điện Kính Thiên.

"Việc khai quật phải gắn liền với nghiên cứu và bảo tồn. Bởi vậy, tôi cho rằng, sau mỗi đợt khai quật, cần có phương án bảo quản hiện vật cụ thể và xác định lộ trình nghiên cứu tổng thể. Việc số hóa các tài liệu, hiện vật thu thập được cũng cần được đẩy nhanh tiến độ hơn nữa, đồng thời với việc mở cho khách tham quan, quảng bá những giá trị của di sản,” Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bày tỏ./.


Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội được công nhận là Di sản văn hóa thế giới tại kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Braxin (ngày 31/7/2010) với các tiêu chí:

- Minh chứng cho sự giao lưu giữa các ảnh hưởng đến chủ yếu từ Trung Quốc ở phía Bắc và Vương quốc Champa ở phía Nam.

- Minh chứng cho truyền thống văn hóa lâu dài của người dân Việt được thành lập ở đồng bằng sông Hồng. Đó là một trung tâm quyền lực liên tục từ thế kỷ 7 cho đến tận ngày nay.

- Liên quan trực tiếp tới nhiều sự kiện văn hóa-lịch sử quan trọng.

                                TheoVietnamnet

Các tin khác


Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục