Ngày 3-5, UBND tỉnh Hà Nam long trọng tổ chức Lễ đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và khai hội chùa Đọi Sơn năm 2018.


Ngôi chùa Đọi Sơn và ngọn tháp cổ được xây dựng dưới triều vua Lý Nhân Tông tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam), từ lâu được nhiều người biết đến. Chùa Đọi Sơn thờ Phật, Bồ tát và các nhân vật có liên quan Phật giáo và các nhân vật lịch sử: Vua Lý Nhân Tông; Nguyên phi Ỷ Lan - người có công xây dựng chùa; Lê Đại Hành Hoàng đế - nhân vật lịch sử khai sinh lễ cày Tịch điền.

Chùa Đọi là một trong những di tích tiêu biểu của tỉnh Hà Nam và cả nước, hội tụ nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ và tâm linh du lịch. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa vẫn còn giữ được nét cổ kính, linh thiêng, mang đậm phong cách kiến trúc, mỹ thuật thời Lý. Đây là ngôi chùa có lịch sử lâu đời, phản ánh một thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo trong lịch sử dân tộc và là niềm tự hào của người dân từ bao đời nay.

Thời Lý, chùa Đọi Sơn được xếp hạng là "Đại danh lam” kiêm hành cung; đến thời Pháp, được Viễn Đông Bác Cổ liệt vào hạng cổ tích danh thắng để bảo vệ. Một trong những hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa nổi bật được lưu giữ tại chùa Đọi Sơn hiện nay chính là tấm bia Sùng Thiện Diên Linh được dựng khi khánh thành ngôi chùa vào thời Lý. Là tấm bia duy nhất của tỉnh Hà Nam với nghệ thuật chạm khắc độc đáo, chứa đựng nhiều thông tin quý cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa thời Lý. Đặc biệt, đây là tấm bia duy nhất cung cấp thông tin về hội đèn Quảng Chiếu ở Kinh thành Thăng Long, nghệ thuật múa rối nước, nghi lễ Phật giáo, việc tu sửa chùa Một Cột, quá trình xây dựng tháp Sùng Thiện Diên Linh...

Cùng các hạng mục kiến trúc và hệ thống hiện vật, đồ thờ tự, chùa Đọi Sơn còn lưu giữ kho tàng di sản Hán, Nôm phong phú, đa dạng và rất có giá trị. Đây là nguồn tư liệu quý giá, đúc kết tinh hoa văn hóa nhiều triều đại, từ tri thức dân gian đến tri thức bác học, bao gồm các tập kinh, kệ, văn tế, văn khấn, văn chầu; hoành phi câu đối... là tài sản vô giá, hết sức độc đáo mà ít nơi có được.

Về kiến trúc nghệ thuật, chùa Đọi Sơn là một công trình kiến trúc tiêu biểu cho phong cách mỹ thuật thời Lý. Trước đây, quy mô chùa được thiết kế kiểu nội công ngoại quốc. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, hiện nay chùa còn 17 đơn nguyên kiến trúc lớn nhỏ trong khuôn viên diện tích khoảng 2ha.

Công trình chính của chùa được xây dựng theo kiểu chữ "đinh”, bao gồm bảy gian Tiền đường và ba gian Thượng điện. Chùa Đọi Sơn là một trong số ít những ngôi chùa hiện nay còn lưu giữ được nhiều hiện vật mỹ thuật thời Lý có giá trị, như: tượng Đa Bảo Như Lai; tượng Kim Cương; tượng đầu người hình chim - thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa hai nền kiến trúc nghệ thuật Chămpa và Đại Việt thời Lý; bia Sùng Thiện Diên Linh - tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hoàn hảo, ghi dấu nhiều tư liệu mỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật thời Lý, một bảo vật quốc gia.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, tiêu biểu, ngày 25-12-2017, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam, thể hiện sự tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc các tiền nhân để lại. Đồng thời, là sự ghi nhận sự đóng góp của tỉnh Hà Nam trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Văn hóa, thể thao và Du lịch đề nghị, tỉnh Hà Nam triển khai quy hoạch tổng thể làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy di tích được bền vững; Ban Quản lý di tích cần triển khai việc cắm mốc giới di tích bảo toàn di tích, bảo vệ hiện vật một cách tuyệt đối an toàn; tổ chức tuyên truyền sâu rộng về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ của di tích đến các tầng lớp nhân dân.

Tiếp tục xây dựng kế hoạch hàng năm tu bổ, tôn tạo di tích, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đóng góp xây dựng chùa. Về lễ hội, cần duy trì nghi thức, nghi lễ truyền thống, lễ hội do cộng đồng đảm nhận và thực hành. Kiên quyết ngăn chặn các hành vi phản cảm lợi dụng lễ hội để thực hiện mê tín dị đoan làm biến dạng lễ hội truyền thống...

TheoNhanDan

Các tin khác


Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục