Ngày 14-8, Báo Nông thông Ngày nay phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ giới thiệu đêm thơ nhạc kịch "Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại” nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của gia đình cặp thi sĩ tài hoa này.

Tài hoa và định mệnh

30 năm trước, ngày 29-8-1988, một tin chấn động với giới nghệ sĩ sân khấu và văn học nghệ thuật nước nhà: Gia đình nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cùng con trai út Lưu Quỳnh Thơ ra đi trong một tai nạn giao thông khi đang trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội.
 

Gia đình của cố nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh (ảnh tư liệu).


Khi ấy, nhà thơ Lưu Quang Vũ mới chỉ 40 tuổi, nhà thơ Xuân Quỳnh 46 tuổi, con trai út Lưu Quỳnh Thơ 13 tuổi. 30 năm đã qua đi. Hình ảnh yêu thương của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và cậu bé Quỳnh Thơ vẫn sống mãi trong trái tim người thân, bạn bè.

Trong buổi giới thiệu đêm nhạc, NSƯT Lê Chức xúc động kể, 30 năm trước, khi nghe tin "động trời” ấy, giới văn nghệ sĩ cả nước bàng hoàng, xót xa cho cặp nghệ sĩ tài năng. Một định mệnh quá đau đớn cho cả gia đình nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.

"Đó là một buổi chiều ảm đạm, đau buồn. Tất cả chúng tôi đều không thể kìm được nước mắt. Họ là cặp trời sinh, sống để cho nhau và khi ra đi cũng đi cùng nhau”, NSƯT Lê Chức bày bỏ.

Cặp thi sĩ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh nổi tiếng không chỉ với những tác phẩm kịch, thơ "sống” mãi với thời gian mà tình yêu của họ dành cho nhau cũng trở thành một huyền thoại đẹp trong giới văn nghệ sĩ. Sự ra đi đột ngột của cặp thi sĩ tài hoa vào đúng thời điểm sung sức nhất về sáng tác và viên mãn trong hạnh phúc, tình yêu là lý do mà đến nay, khi nghĩ về họ nhiều người thân và người hâm mộ vẫn không khỏi nghẹn ngào, tiếc nhớ. Di sản thơ ca, kịch của hai thi sĩ để lại đến nay vẫn còn nguyên giá trị cho văn học nghệ thuật nước nhà.

Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh cũng là cặp vợ chồng nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam cùng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

"Tình yêu ở lại”

Kỷ niệm 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, Báo Nông thôn Ngày nay phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức đêm thơ nhạc kịch "Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại” vào tối 20h ngày 26-8-2018 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
 

 

Đêm nhạc thơ kịch "Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại" tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất.


Chương trình có 3 phần. Phần 1 là những bài thơ, ca khúc được phổ nhạc của 2 tác giả, trong đó sẽ có những bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc như: "Tiếng Việt”, "Thuyền và biển”, "Thơ tình cuối mùa thu”... Phần thứ 2 là những hồi ức đẹp nhất, những kỷ niệm lần đầu được kể về hình ảnh của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh trong trí nhớ và tình yêu bè bạn. Phần 3 là trích đoạn vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ - "Hoa cúc xanh trên đầm lầy” do các nghệ sĩ Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn.

Đêm nghệ thuật có sự tham gia của đạo diễn NSND Phạm Thị Thành, NSND Doãn Châu, NSND Lê Khanh, NSND Vương Hà, NSƯT Lê Chức, nhà thơ Anh Ngọc, nhà văn Lê Minh Khuê, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Lê Tâm, ca sĩ Tùng Dương, ca sĩ Ánh Tuyết, các nghệ sĩ đoàn kịch và đoàn ca nhạc Nhà hát Tuổi trẻ… 

 


Ông Lưu Quang Định, em trai nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, TBT Báo Nông thôn Ngày nay chia sẻ, đêm nghệ thuật với mong muốn đem lại những ký ức đẹp nhất về 2 nghệ sĩ tài năng trong lòng bạn bè và khán giả. Đó sẽ là một đêm nghệ thuật đáng nhớ để không chỉ bạn bè, giới văn nghệ sĩ được ôn lại kỷ niệm về Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh mà còn là dịp để khán giả được sống trong không gian nghệ thuật ăm ắp tình yêu, thể hiện qua những tác phẩm của hai thi sĩ.

Đêm diễn sẽ được ghi hình và phát sóng trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam vào ngày 29-8-2018. Trước đó, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo về những cống hiến của Lưu Quang Vũ -Xuân Quỳnh.
 

 

Nhà thơ Lưu Quang Vũ sinh năm 1948 tại xã Thiệu Cơ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, quê gốc ở phường Hải Châu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Năm 20 tuổi đã có thơ in chung với nhà thơ Bằng Việt trong tập "Hương cây- Bếp lửa” (1968) và các tập thơ tiếp sau này như "Mây trắng của đời tôi" (1989), "Bầy ong trong đêm sâu" (1993)..

Từ 1978 đến 1988, giai đoạn này nhà thơ Lưu Quang Vũ làm biên tập viên Tạp chí Sân khấu, bắt đầu sáng tác kịch nói với vở kịch đầu tay "Sống mãi tuổi 17” viết lại theo kịch bản của Vũ Duy Kỳ. Tiếp sau đó, hàng loạt vở kịch của ông đã gây nên một hiện tượng chấn động sân khấu kịch nói cả nước như: "Nàng Sita”, "Hẹn ngày trở lại”, "Nếu anh không đốt lửa”, "Hồn Trương Ba da hàng thịt”, "Lời thề thứ 9”, "Khoảnh khắc và vô tận”, "Bệnh sĩ”, "Tôi và chúng ta”, "Người tốt nhà số 5”, "Ngọc Hân công chúa”, "Linh hồn của đá”, "Ông vua hóa hổ”, "Chiếc ô công lý”, "Ông không phải là bố tôi”, "Điều không thể mất”, "Ai là thủ phạm”, "Tin ở hoa hồng”, "Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, "Lời nói dối cuối cùng” …

Nhà thơ Lưu Quang Vũ vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000.

Nhà thơ Xuân Quỳnh - người vợ đã gắn bó với nhà thơ Lưu Quang Vũ trong 15 năm đỉnh cao của sự nghiệp cho đến cuối đời. Bà sinh năm 1942 tại làng La Khê, xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, Hà Nội). Xuất thân trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa gia đình, bà được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành.


Nhà thơ Xuân Quỳnh bước chân vào nghệ thuật với nghề nghiệp là diễn viên múa ở Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa. Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài. Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, bà làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt nam.

Nhà thơ Xuân Quỳnh đã in các tập thơ: "Tơ tằm - chồi biếc” (thơ, in chung, Nhà xuất bản Văn học, 1963); "Hoa dọc chiến hào” (thơ, in chung, 1968); "Gió Lào, cát trắng” (thơ, 1974); "Lời ru trên mặt đất” (thơ, 1978); "Sân ga chiều em đi” (thơ, 1984); "Tự hát” (thơ, 1984); "Hoa cỏ may” (thơ, 1989); "Thơ Xuân Quỳnh” (1992, 1994); "Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ” (1994); "Hát với con tàu”; "Cây trong phố - Chờ trăng” (thơ, in chung)… 

Ngoài ra, bà còn có nhiều tập thơ, sách viết cho thiếu nhi như: "Bầu trời trong quả trứng” (thơ thiếu nhi, 1982); "Truyện Lưu Nguyễn” (truyện thơ, 1985); "Mùa xuân trên cánh đồng” (truyện thiếu nhi - 1981); "Bến tàu trong thành phố” (truyện thiếu nhi, 1984); "Vẫn có ông trăng khác” (truyện thiếu nhi, 1986); Tuyển tập truyện thiếu nhi (1995); "Chú gấu trong vòng đu quay” (tập truyện)…

Nhiều bài thơ của Xuân Quỳnh đã được phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng, điển hình là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã phổ nhạc rất thành công các bài thơ "Thuyền và biển” (4-1963), "Thơ tình cuối mùa thu” của Xuân Quỳnh.

Nhà thơ Xuân Quỳnh được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2017.

 

 

                      Theo Hanoimoi

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục