(HBĐT) - Tôi là Bùi Huy Vọng, một người con của dân tộc Mường, gần 20 năm tự nguyện, tự giác làm công việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Mường. Công việc tưởng như dã tràng xe cát trong trùng trùng cản trở và biến đổi của thời đại cũng như sự hoài nghi của một số chính những người Mường về văn hóa của dân tộc mình.

Nhiều người, nhất lại là người Mường lại chế giễu, quay lưng lại với chính văn hóa, ngôn ngữ của cha ông mình, khi mà đó là cái quyền sơ đẳng nhất, thiêng liêng nhất được quốc tế công nhận, được ghi trong Hiến pháp Việt Nam xuyên suốt từ 1946 đến Hiến pháp 2013.

Việt Nam là thành viên Liên Hợp quốc, đã có những hành động thiết thực trong việc bảo vệ quyền các dân tộc thiểu số trong Hiến pháp 2013, tại Điều 5 khoản 2, 3 ghi rõ: " 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.

Luật Di sản văn hóa đưa ra các biện pháp để Nhà nước bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam như: "(1) Nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ tiếng nói, chữ viết của cộng đồng các dân tộc; ban hành quy tắc phiên âm tiếng nói của những dân tộc chưa có chữ viết; có biện pháp bảo vệ đặc biệt đối với tiếng nói, chữ viết có nguy cơ mai một; (2) Dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo yêu cầu công việc; dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số cho học sinh người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Giáo dục; xuất bản sách, báo, thực hiện các chương trình phát thanh, truyền hình, sân khấu bằng tiếng dân tộc thiểu số”. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân cụ thể hóa thành các nhiệm vụ nhằm bảo tồn tốt hơn hình thức văn hóa phi vật thể này.

Luật Giáo dục năm 2005 quy định: "Nhà nước tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số được học tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giúp học sinh người dân tộc thiểu số dễ dàng tiếp thu kiến thức khi học tập trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác”.

Còn nhiều chính sách, chế định pháp luật của Đảng và Nhà nước về quyền được duy trì ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Ngày 8/9/2016, UBND tỉnh Hòa Bình đã công bố Quyết định số 2295/QĐ UBND Về việc phê chuẩn bộ chữ dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình nhằm có một bộ chữ viết chính thống ghi được tiếng Mường, là bộ công cụ đắc lực để ghi lại chính xác, góp phần bảo tồn tiếng nói dân tộc Mường.

Báo Hòa Bình điện tử được phát hành bằng tiếng Việt, có phiên bản tiếng Anh và đang chạy thử nghiệm trang phiên bản tiếng Mường.

Từ đó đến nay đã có nhiều lời bàn tán xung quanh việc người Mường có chữ viết, khen cũng có, nhưng chê cũng nhiều, thậm chí là chê, phủ nhận quyết liệt tới mức bài xích, cực đoan. Người dân tộc khác cũng có, chính người dân tộc Mường cũng có.

Việc có một bộ chữ để ghi lại tiếng Mường là bình thường như người Tày, người Thái, người êđê, Barna... dùng chữ viết của dân tộc mình. Hiện nay, trên các tạp chí văn học có rất nhiều tác phẩm được sáng tác bằng tiếng dân tộc thiểu số, sau mới dịch sang tiếng phổ thông như của các nhà thơ: Nông Quốc Chấn, Dương Thuấn, Mai Liễu...

Tôi không hiểu sao lại có một số người, trong đó có cả người Mường đang tâm quay lưng lại với ngôn ngữ dân tộc mình, tự muốn tước bỏ đi quyền sơ đẳng nhất của dân tộc Mường đó là quyền bảo tồn tiếng nói, sử dụng chữ viết để ghi lại tiếng nói của mình.

Trong dòng chê bai đó cũng có những người tỉnh táo, như bạn có tên nick name: Văn hóa ngôn ngữ Mường trong bài viết "Hãy yêu ngôn ngữ và văn hóa Mường bằng cả trái tim và trí óc!” đăng trên trang Facbook cá nhân của mình có viết: "Một số người cho rằng chữ Mường chính là chữ cải tiến của PGS Bùi Hiền. Thêm vào đó, việc gần đây PGS Bùi Hiền lên tiếng ủng hộ sách công nghệ giáo dục của GS. Đại càng làm cho người này bất bình, ngay lập tức họ mang PGS. Bùi Hiền ra để tiếp tục chỉ trích (Cá biệt, còn trường hợp cho rằng sách công nghệ giáo dục là của tác giả... Bùi Hiền) Trong khi chữ Mường với chữ của PGS Bùi Hiền là khác nhau. Chưa tìm hiểu kỹ 2 bộ chữ mà đã vội đưa ra phán xét đã là một khiếm khuyết về trí óc của một số người đọc đó. Vin vào kết quả nghiên cứu khoa học để thóa mạ về đạo đức của tác giả là khiếm khuyết về mặt nhân cách của người đánh giá. Sai về khoa học có thể sửa, nhưng vô phép về đạo đức thì...hỏng toàn tập!

Một số người Mường bập bẹ được vài câu thì kêu "khó”, "hoa mắt”, "đau đầu”,... Nhưng Mường ơi! Trên thế giới chả ai sinh ra mà tự biết đọc, biết viết đâu. Người Kinh sinh ra nếu không đi học hoặc không được người khác dạy lại cũng không thể viết và đọc chữ phổ thông. Chưa kể có người học đến cả 12 năm vẫn viết sai chữ phổ thông. Mường ta cũng thế! Đã ai dạy các bạn viết, đọc đâu mà các bạn đòi đọc được, viết được?! Tóm lại, muốn biết thì phải học. Khi chưa học thì đừng nghe theo người khác mà a dua, quay lưng với ngôn ngữ tộc người Mình! Chữ Mường không phải là thứ có thể rót vào bát mà nốc từng ngụm được!”.

Đúng, sinh ra trên thế giới không ai có thể tự biết đọc, biết viết chữ mà phải học.

Riêng với cá nhân tôi, gần 20 năm sưu tầm và nghiên cứu về văn hóa Mường, cũng như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Mường khác như: Quách Giao, Bùi Thiện, Bùi Chỉ, Bùi Nợi... đều sử dụng chữ Quốc ngữ để ghi lại tiếng Mường. Nhìn chung là rất bất cập, chữ Quốc ngữ chỉ ghi được khoảng 50% tiếng Mường, còn lại đều do mỗi người dùng chữ Việt để "tự chế” ghi lại tiếng Mường, song không ghi chính xác được tiếng và thanh điệu. Các ấn phẩm sưu tầm Mo Mường của các nhà nghiên cứu được xuất bản mỗi vị ghi theo một cách khác nhau, rất khó đọc. Thứ nữa dùng chữ Quốc ngữ ghi âm tiếng Mường hoặc dịch từ tiếng Mường ra tiếng Việt sẽ không bao giờ lột tả được cái thần Mường, tư tưởng, tình cảm, tinh thần của người Mường.

Việc có bộ chữ thống nhất ghi lại tiếng Mường là chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình. Cá nhân tôi đã sử dụng trong công việc thấy việc ghi lại tiếng Mường rất dễ dàng, ghi được tất cả tiếng Mường với những đặc điểm ưu việt nhất. Hiện nay và mãi sau này, tôi chỉ sử dụng bộ chữ Mường do UBND tỉnh công bố để ghi lại tiếng Mường phục vụ cho công việc sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Mường. Tôi rất mong các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh triển khai đồng bộ, sớm soạn thảo tài liệu dạy tiếng Mường cho người Mường nhất là trẻ em, học sinh Mường trong toàn tỉnh. Nhanh chóng biên soạn bộ Từ điển tiếng Mường, Từ điển Việt - Mường... để cố định ngôn ngữ Mường, làm chuẩn cho việc dạy và học chữ Mường trong người Mường ở Hòa Bình. Chỉ có như thế mới mong bảo tồn và phát huy tiếng Mường lâu dài.

Bùi Huy Vọng

(Xóm Bưng, xã Hương Nhượng, Lạc Sơn)


Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục