(HBĐT) - Những ngày cuối năm, Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam ngập tràn sắc hoa dã quỳ, trạng nguyên, tam giác mạch... Trong những ngày mùa đông lạnh giá, dường như nơi đây mùa xuân đến sớm, không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn là hàng loạt hoạt động văn hóa với chủ đề "Sắc hoa”, chương trình của mỗi tuần được nghệ nhân các làng tổ chức và những hoạt động trải nghiệm rộn ràng, ý nghĩa của khách thăm quan.

 


 Bước vào khu các làng dân tộc là hình ảnh 54 dân tộc Việt Nam.

Những năm qua, nơi đây đã thực hiện tốt mục tiêu: "Xây dựng Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam thành một trung tâm hoạt động văn hóa mang tính quốc gia, tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em, giới thiệu với nhân dân trong nước và quốc tế...”.

Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng trên tổng diện tích 1.544 ha, thuộc thôn Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Điểm nhấn là khu các làng dân tộc với diện tích gần 200 ha. Khu các làng có địa hình đồi, núi, thung lũng, hồ nước đan xen, mô hình bản làng truyền thống của đồng bào các dân tộc nhằm tái hiện khung cảnh thiên nhiên, văn hóa 4 cụm làng trên khắp mọi miền đất nước.

Theo thông tin từ Ban quản lý, để chào đón năm 2019, trong tháng 12 này, tại Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường cảnh sắc thiên nhiên gắn với không gian văn hóa và hoạt động của đồng bào các dân tộc. Đồng thời, giới thiệu các hoạt động dân ca, dân vũ, ẩm thực, sản vật phong phú của các dân tộc. Các hoạt động có sự tham gia khoảng 200 đồng bào, nghệ sĩ, diễn viên, sinh viên, gồm 13 dân tộc đang hoạt động hàng ngày là dân tộc Mông (Hà Giang), dân tộc Khơ Mú (Điện Biên), dân tộc Thái (Sơn La), dân tộc Tày (Thái Nguyên), dân tộc Mường (Hòa Bình), dân tộc Dao (TP Hà Nội), dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), dân tộc Xơ Đăng (Kon Tum), dân tộc Raglai (Ninh Thuận), dân tộc Ê Đê (Đắk Lắk), dân tộc Ba Na (Gia Lai), dân tộc Khmer (Sóc Trăng)...

Các chương trình: Chợ phiên vùng cao chào năm mới 2019; Tinh hoa nghề thủ công truyền thống của dân tộc Mông, dân tộc Lào tỉnh Điện Biên; Giới thiệu "Mâm cơm sum họp ngày cuối năm”; Tái hiện Lễ hội rượu cần dân tộc Kháng tỉnh Sơn La; Chương trình dân ca, dân vũ "Vui chợ phiên chào đón năm mới”; biểu diễn nghệ thuật múa rối. Ngoài ra còn có cáchoạt động cuối tuần như: chương trình "Bến nước làng chúng tôi”, "Em là hoa Pơ Lang”; "Hoa của đá”... đã, đang và sẽ hứa hẹn nhiều trải nghiệm thú vị cho khách du lịch.

Được hòa mình vào chương trình "Em là hoa Pơ Lang” tổ chức vào 2ngày 08, 09/12 tại bãi cỏ làng Ê Đê, chúng tôi bị cuốn hút với các bài hát ca ngợi cảnh sắc, con người Tây Nguyên. Không có sân khấu hoành tráng, không có đèn, hoa lộng lẫy, chỉ biểu diễn trong khuôn viên nhỏ nhưng chương trình đã thu hút hàng trăm du khách say sưa thưởng thức các bài hát, điệu nhảy đầy nội lực, vang vọng âm hưởng núi rừng của đồng bào Tây Nguyên cùng tiếng trống, chiêng rộn ràng, thúc giục.

Sau điệu múa sôi nổi, uyển chuyển, chị H Hoa Niê KSơr, nghệ nhân tại làng dân tộc Ê Đê, tỉnh Đắk Lắk rạng ngời trò chuyện: Tôi ra làng từ tháng 8/2018. Làng Ê Đê hiện có 10 thành viên. Chúng tôi vui lắm, tự hào lắm khi được góp sức giới thiệu đến bạn bè gần xa nét văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên qua các lễ hội, lời ca, điệu múa, những sản vật núi rừng. Ở đây, nghệ nhân các làng thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm giới thiệu, bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc. Tại chương trình "Em là hoa Pơ Lang”, bằng lời ca, điệu múa nguyên sơ, nội lực, chúng tôi rất vui khi giới thiệu về những nốt nhạc được chế tác từ cây Lồ ô; được ca ngợi hoa Pơ Lang, loài hoa độc đáo của núi rừng Tây Nguyên, tựa như cô gái đẹp rực rỡ, tươi thắm. Chúng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước, Ban quản lý Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sỹ có sân chơi bổ ích, ý nghĩa, cùng chung sức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Một ngày ở làng văn hóa các dân tộc là quá ít cho du khách muốn tìm hiểu, khám phá. Từ làng Thái, làng Mường, làng Mông, làng Tày và làng của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, đến làng các dân tộc miền Trung, Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ... nơi nào cũng đặc tả dấu ấn văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc. Do vậy không ngạc nhiên khi chúng tôi được gặp hình ảnh những tốp học sinh trường THPT Giao Thủy (tỉnh Nam Định) say sưa tìm hiểu về văn hóa nhà ở, ẩm thực, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội... tại các làng. Các em chia sẻ rằng, ở trường và qua sách, báo, các em được biết đến lời dạy của Bác Hồ: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau". Hôm nay, ở ngôi nhà chung này, các em càng cảm nhận sâu sắc, trân quý hơn lời dạy của Người.

Sức hút của Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam là vậy. Chẳng thế mà du khách đến thăm làng ngày càng đông. Theo Ban quản lý, ngày 1/12 vừa qua, Làng Văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam đã đón chào vị khách 500.000 của năm 2018, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2017. Trong năm, với 12 chuyên đề, chủ đề theo tháng, đã có trên 560 lượt đồng bào dân tộc của 39 địa phương, 14 nhóm cộng đồng dân tộc hoạt động hàng ngày đã tái hiện trên 20 lễ hội truyền thống, góp phần khắc họa bức tranh đa sắc màu của văn hóa các dân tộc.


Không gian văn hóa dân tộc Mường tại Làng Văn hóa – du lịch các dân tộc Việt Nam.


Các nghệ nhân, diễn viên làng Ê Đê tham gia chương trình "Em là hoa Pơ Lang”.


                                                                        Bình Giang

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục