Lễ hội Tây Thiên Xuân Kỷ Hợi 2019 sẽ chính thức khai mạc ngày 15-2 âm lịch (20-3 dương lịch) và diễn ra trong ba ngày với nhiều hoạt động mang đậm yếu tố văn hóa, tâm linh, thu hút hàng nghìn khách du lịch và những người hành hương về "đất Phật”.


Khu danh thắng Tây Thiên luôn thu hút đông đảo người dân và du khách vào dịp lễ hội đầu Xuân.

Công tác chuẩn bị hiện đã hoàn tất với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và nhân dân huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, bảo đảm một mùa lễ hội an toàn, lành mạnh.

Lễ hội Tây Thiên diễn ra hằng năm tại Khu danh thắng Tây Thiên thuộc xã Ðại Ðình, huyện Tam Ðảo, tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm giáo dục truyền thống đạo lý, tri ân các bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc. Nhiều nghi lễ truyền thống sẽ được tổ chức trong thời gian lễ hội như: lễ cáo, rước kiệu, dâng hương Quốc Mẫu Tây Thiên, lễ Phật tại đền Thỏng, đền Thượng - chùa Thượng và các đền trong quần thể khu danh thắng với sự tham gia của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương. Riêng lễ rước kiệu sẽ có đoàn rước kiệu văn đền Mẫu Sinh, kiệu rước nước đền Mẫu Hóa và kiệu bát cống đền Ngò do 277 người hành rước theo quy định từ đền Mẫu Sinh đến đền Thỏng với quãng đường gần 4.000 m.

Sôi động nhất là phần hội diễn ra trong ba ngày với các trò chơi dân gian, thi làm bánh chưng, bánh dày, bánh giò, thi nấu cơm, hội tung bông, hội trại văn hóa, biểu diễn nghệ thuật và các loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc của tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương vùng trung du Bắc Bộ cùng hội chợ thương mại, du lịch, trong đó điểm nhấn là hội thi hát chầu văn và liên hoan các câu lạc bộ hát soọng cô của người dân tộc Sán Dìu trên địa bàn huyện Tam Ðảo và các địa phương khác tham dự.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Ðảo Nguyễn Hồng Hiệp, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Tây Thiên Xuân Kỷ Hợi 2019, cho đến thời điểm hiện tại, từng khu vực trong khu danh thắng đều có những tổ, nhóm quản lý môi trường dọn dẹp thường xuyên và nhắc nhở người dân và du khách giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi. Năm nay, Ban tổ chức lễ hội thực hiện quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh tại khu chợ tạm, các khu ki-ốt, quán bán hàng tại đền Thỏng, đền Thượng, dọc tuyến đi bộ và toàn bộ các khu vực trong khu di tích; kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trong khu trung tâm văn hóa lễ hội. Ðiều đáng nói là từ nhiều năm qua, khu vực dịch vụ trong không gian đường lên các đền, chùa ở Tây Thiên đã không còn tình trạng bày bán các loại đồ ăn nhậu, thịt thú rừng.

Tuy nhiên, Phó Trưởng ban quản lý khu danh thắng Tây Thiên Ðinh Văn Tuấn cho biết: "Do khu trung tâm lễ hội và ở một số vùng lõi danh thắng vẫn còn người dân ở đan xen, mốc giới lại chưa được cắm, phân định rõ ràng, cụ thể, cho nên vẫn ảnh hưởng đến công tác tổ chức lễ hội, nhất là công tác bảo đảm an ninh trật tự, quản lý các loại hình dịch vụ và trông giữ phương tiện giao thông. Chúng tôi đang cùng các lực lượng chức năng rà soát và kiểm tra, giám sát thường xuyên, nhất là dịp lễ hội và sẽ kiên quyết xử lý các vi phạm nếu có".

UBND huyện Tam Ðảo đã giao nhiệm vụ cho Công an huyện chủ trì và chịu trách nhiệm toàn bộ các hoạt động của Tiểu ban an ninh trật tự; xây dựng kế hoạch bảo đảm công tác an ninh trật tự trước, trong và sau lễ hội; tổ chức triển khai các phương án hướng dẫn, phân luồng, điều tiết giao thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ tại các tuyến giao thông trọng điểm, khu vực diễn ra lễ hội. Lực lượng công an cũng là nòng cốt cùng các ngành chức năng tổ chức giải tỏa hành lang an toàn giao thông, các điểm họp chợ Hợp Châu, Hồ Sơn, Tam Quan, Ðại Ðình, Ðạo Trù và toàn bộ thị trấn Tam Ðảo trong thời gian lễ hội, cũng như bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường 2B (cả đường cũ, mới) và tỉnh lộ 302 từ Hồ Sơn đi Ðạo Trù...

Phó Trưởng Công an huyện Tam Ðảo Dương Văn Hiền cho biết: "Chúng tôi đã tăng cường phối hợp chính quyền địa phương để quản lý các đối tượng vi phạm, đấu tranh xử lý các đối tượng hành nghề mê tín dị đoan, kích động nhân dân, gây mất an ninh trật tự, đồng thời xử lý tình trạng người lang thang có hành vi ăn xin, bán hàng rong, hát rong, chèo kéo khách để xin tiền tại khu danh thắng Tây Thiên, tiến hành phân loại trả về địa phương nơi cư trú hoặc đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh để quản lý. Trên địa bàn, vừa qua đã xuất hiện hành vi lừa đảo mà công an huyện đang quyết tâm truy quét, không để tái diễn trong mùa lễ hội năm nay là việc các nhóm bán thuốc nam không rõ nguồn gốc, từ các địa phương khác đến hoạt động tại Tây Thiên. Chúng tôi đã phát động trong nhân dân và du khách đấu tranh, tố giác các nhóm đối tượng bán thuốc trái phép này để xử lý kịp thời".

Dự kiến lễ hội Tây Thiên năm nay sẽ đón khoảng 300 nghìn lượt khách, ngày cao điểm có thể đến hàng chục nghìn người về dự hội, thăm viếng. Chuẩn bị phục vụ lượng khách lớn như vậy, Ban quản lý cáp treo Tây Thiên (thuộc Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng) là đơn vị đầu tư và quản lý điều hành hoạt động hệ thống cáp treo cũng đã hoàn thành việc kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị kỹ thuật và 59 ca-bin; đầu tư thêm hệ thống xe điện lên 60 xe để vận chuyển kịp thời du khách từ cổng Tam quan đến sân đền Thỏng và từ sân đền Thỏng lên nhà ga cáp treo, không để xảy ra tình trạng dồn ứ, tắc nghẽn hoặc quá tải. Công ty cũng đã cho mở rộng sân chờ và phân luồng khách đi nhà ga cáp treo trên khu vực đền Thượng, bảo đảm an toàn và an ninh trật tự; lắp dựng các mái che ở hai sân nhà ga chờ cáp treo để du khách không bị ảnh hưởng do mưa nắng…

Với sự chuẩn bị kỹ và đồng bộ nêu trên, lễ hội sẽ diễn ra an toàn, lành mạnh, thu hút đông đảo người dân và khách du lịch đến với Tam Ðảo nói chung và Tây Thiên nói riêng.

 

                     TheoNhandan

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục