(HBĐT) - Vì sao người Mường có thể hát đối đáp với nhau thâu đêm, suốt sáng, ngày này qua ngày nọ? Trong những câu hát rất đỗi đời thường, dung dị đó có điều gì mà trong các ngày hội, lễ Tết lại thu hút hàng nghìn người dân chăm chú lắng nghe, tán thưởng? Đã không ít lần chúng tôi đặt câu hỏi đó với những nghệ nhân hay bà con dân tộc Mường về sự hấp dẫn trong những câu hát đối (hay còn gọi là hát đúm, hát đúp, hát ví) và nhận được những lý giải hết sức đơn giản, đó là vì giọng hát hay, vì cách đối đáp quá đỗi thông minh, linh hoạt.


 

Cách gieo vần theo thể thơ lục bát

Phải thừa nhận rằng, không dễ để tìm gặp được những người hát giỏi và am hiểu về hát Mường, khi mà những buổi hát thâu đêm với khán giả chật kín ngôi nhà sàn đã trở thành những miền ký ức. Dù vậy, ít nhất trong 1 năm, những người yêu câu hát Mường có dịp hoài niệm khi hát đối vẫn là một trong những sinh hoạt văn hóa nổi bật ở các lễ hội Khai hạ vào ngày mùng 6, 7, 8 Tết ở bốn Mường rộng lớn trong tỉnh. Ở Mường Vang (Lạc Sơn) có không ít cây hát (cách gọi những người hát giỏi - PV), nhưng "cái nôi” sản sinh ra nhiều giọng ca nổi tiếng nhất có lẽ là ở xã Liên Vũ và các xã vùng cao như: Ngọc Lâu, Tự Do, Ngọc Sơn.

Chúng tôi được đồng chí Bùi Văn Tú, cán bộ văn hóa xã Liên Vũ dẫn đến gặp ông Quách Văn Trận, một cây hát có tiếng ở đất này. Vốn yêu thích những câu hát Mường, cùng với đó là năng khiếu trời cho nên từ khi lên mười tuổi, đã không ít lần ông Trận quên ăn, quên ngủ vì đi nghe các anh, các chị hát đối giao duyên. "Hát đối luôn hấp dẫn người nghe vì nó như một cuộc nói chuyện, lời thủ thỉ giữa nam với nữ. Trong cuộc hát, hai người thể hiện tài năng, sự khéo léo của mình qua những câu hát. Đó là điều khác biệt lớn nhất giữa hát đối với hát thường đang”, ông Trận cho biết.

Theo ông Trận, để cuộc hát hấp dẫn, người hát không được để cuộc hát ngắt quãng, nghĩa là người nam hát xong thì người nữ phải đáp lời ngay và ngược lại. Như vậy, yếu tố "nhanh” là quan trọng nhất. Bà Quách Thị Tình, xóm Hầu 3, xã Ngọc Lâu - một cây hát nổi tiếng ở vùng cao huyện Lạc Sơn cũng chung nhận định với ông Trận. Bà Tình cho biết: Để hát đối được, ngoài giọng hát hay, người hát phải có vốn từ vựng phong phú, đặc biệt là sự thông minh, nhanh trí và khéo léo trong giao tiếp. Câu hát đối phải đúng với câu hỏi, vế đối mà người kia đưa ra, có vần, có điệu, nghe xuôi tai.


 

Ông Bùi Văn Trận (bên trái), một trong những cây hát nổi tiếng ở xóm Chiềng, xã Liên Vũ (Lạc Sơn) chia sẻ về hát đối của người Mường.

Qua nghe những câu hát ông Trận, bà Tình thể hiện, có thể thấy, cách gieo vần hết sức khéo léo, được vận dụng theo cách gieo vần của thể thơ lục bát. Nghĩa là tiếng thứ 6 của câu sáu vần với tiếng thứ 6 của câu tám. Có thể dẫn chứng ra một số câu hát trong hát đối giao duyên như: Khi cuộc hát giao duyên gần đến hồi kết, giữa nam và nữ đã nảy sinh những tình cảm thì người nữ hát rằng: "Eng (anh) về hỏi mẹ, hỏi cha/ Có cho lấy vợ nơi xa, ún (em) chờ”, còn nam đáp lại: "Gia đình đồng ý ún ơi/ Để ta xây dựng sánh đôi vợ chồng”.

Là người sáng tác các bài hát Mường, bà Bùi Thị Xuân, xóm Vôi, xã Liên Vũ cũng khẳng định, cách gieo vần theo thể thơ lục bát là yếu tố tạo nên sự mềm mại trong những câu hát Mường. Trong cuốn sổ ghi chép những bài hát bà Xuân đã sáng tác, có thể thấy đó đều là những bài thơ lục bát được phổ nhạc theo giai điệu, làn điệu của dân ca Mường. Trong bài Hội đu Mường Vôi, bà Xuân viết: "Cổ truyền đu hội dân gian/ Vọng vang khúc hát với làn điệu xưa/ Xuống đồng cầu nắng, cầu mưa/ Dân làng sung túc, chiêm mùa bội thu”.

Say tiếng hát, ta về chung một nhà

 

Để sáng tác một bài thơ theo thể thơ lục bát là điều không dễ dàng. Ấy thế mà khi xưa những đôi trai tài, gái sắc của bản Mường hát thâu đêm, suốt sáng với nhau, có lẽ phải đến cả nghìn "bài thơ” ra đời sau mỗi buổi hát như vậy. "Có lần gặp mấy chị em ở trên xã Tự Do xuống dưới này đi chợ, chúng tôi hát mấy đêm liền. Trời sáng thì về đi làm đồng, tối lại hẹn nhau hát, càng hát càng hăng say. Nhiều khi nghĩ lại, không biết tại sao lúc đấy lại nhanh trí như vậy, có khi đối phương chưa hát xong thì trong đầu mình đã có sẵn câu hát đối lại”, ông Trận hóm hỉnh chia sẻ.

Câu chuyện đôi trai gái nên duyên vợ chồng nhờ hát đối không hiếm ở các bản làng của người Mường. Thật thú vị khi ông Trận là trường hợp như vậy. Theo ông Trận kể lại, năm ấy, ông là chàng thanh niên 21 tuổi cùng đám bạn ra chơi ở xã Bình Cảng. Trong cuộc hát đối đó, ông đã gặp và hát đối với vợ của mình suốt hơn bốn tiếng đồng hồ. Sau lần ấy, đôi trai gái đã tìm thấy một nửa của mình. Một thời gian sau đó, ông Trận được cha mẹ đem trầu cau ra hỏi cưới cô gái Bình Cảng xinh đẹp, hát hay về làm vợ.
Xưa kia, người hát giỏi được dân Mường trọng vọng không kém gì thầy mo. Có khách xa đến chơi, có đám cưới, đám hỏi, nhà mới hay lễ, Tết thì những cây hát luôn được chủ nhà, dân làng mời hát. Ngày nay, những cuộc hát thâu đêm như vậy đã trở thành thứ hiếm có, khó tìm ở các bản Mường. Những cây hát như ông Trận, bà Tình thi thoảng mới có dịp thể hiện tài năng của mình ở các hội làng, hội xã. Không quá khi nói rằng, những câu hát đối không chỉ thể hiện tài năng của người hát, mà còn là biểu hiện sinh động cho kho tàng dân ca truyền miệng phong phú của người Mường. Kho tàng ấy, giá trị văn hóa ấy cần có chỗ đứng vững chắc hơn nữa trong đời sống hiện đại.

 

Viết Đào


Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục