(HBĐT) - Trên con đường rợp hoa ban ở phố Bắc Sơn, Hoàng Diệu (Hà Nội), một đồng nghiệp ở vùng Tây Bắc bỗng thốt lên: "Tháng này ở vùng Tây Bắc thật đẹp bởi hoa ban… Lễ hội hoa ban năm 2019 tại Điện Biên vừa rồi thu hút đông đảo du khách thập phương trong và ngoài nước”.

 

 


Bạn nói thật say sưa về mùa này… mùa này… Những con phố, những cánh rừng ở Sơn La, Điện Biên được phủ một màu trắng huyền hoặc, quyến rũ bởi những cánh hoa trắng, tím tinh khiết. Người bạn quê gốc Tây Bắc như thả hồn về với một góc rừng Tây Bắc xa xôi mà gần gũi, nơi gắn bó với tuổi thơ ấu và tuổi hoa niên trước khi về Hà Nội học đại học…

Hoa ban… loài hoa được coi như biểu trưng cho vùng Tây Bắc, cho hình ảnh người con gái Thái xinh đẹp, thủy chung, trong sáng. Chẳng thế mà có thi sĩ khá danh tiếng lần đầu lên Tây Bắc đã viết nên những vần thơ say đắm lòng người: Hoa ban nở thành người con gái Thái/ Đám mây bay trong thau nước gội đầu… Bao đời, hoa ban gắn bó với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân; hòa quyện với tiếng khèn, lời ca, điệu múa và những mùa lễ hội nơi vùng cao nhiều bản sắc dân tộc. Niềm vui, nỗi niềm của bao cặp trai gái nảy nở dưới những cành ban la đà trong sương mới. Hoa ban đã là một phần không thể thiếu của mỗi người dân Tây Bắc… hoa ban đã "xuống phố”, có mặt ở nhiều nơi trên mọi miền đất nước.

Gặp người Tây Bắc và gặp những người bạn từng đi Tây Bắc, từng đến Sơn La, Lai Châu, Điện Biên… đều có những cảm xúc trong lành, chân tình dành cho miền đất này và hoa ban. Họ nói rằng: Loài hoa này luôn "hớp hồn”, dù họ chẳng phải thi nhân, nhạc sĩ. Ai mà chẳng rung động hòa quyện vào những bài thơ, câu hát năm nào. Có người bạn "đứng tim” khi lần đầu nghe ban nhạc Bức Tường của cố nhạc sĩ Trần Lập trình bày bài "Hoa ban trắng”. Bài hát viết dựa trên những huyền thoại, truyền thuyết về một người con gái tên Ban cùng với tình yêu sâu nặng với người mình yêu. Và những ngày này, khi cả nước đang hướng về Điện Biên Phủ, chào mừng 65 năm chiến thắng lịch sử, có người xúc động chia sẻ về bài hát có tên "Hoa ban” của nhạc sĩ Minh Quang. Anh là một người làm thơ khá lâu năm, từng được bạn bè biết đến là có thơ được phổ nhạc nhiều. Anh kể: Vừa có chuyến đi thăm Điện Biên và có dịp ngồi uống cà phê, thưởng thức ca nhạc ở ngay chân đồi lịch sử A1. Trong một tối "Ca nhạc tự chọn”, tôi đã hạnh phúc khi được nghe lại bài hát này: "Vẫn còn nguyên trong ba lô chiếc áo trấn thủ/ Vẫn còn nguyên trong trang thơ nhành hoa ban ép vội/ Cho tôi mơ cho tôi sống những ngày Điện Biên năm xưa/ Cho tôi yêu, cho tôi hát những lời Điện Biên hôm nay/ Ôi mái đầu cha tôi đã bạc/ Nhưng vẫn còn miên man trong tôi hơi ấm đêm về/ Và một rừng trắng muốt hoa ban…”. Người hát chỉ là một cậu thanh niên tầm 20 tuổi, nhưng biểu cảm khá sâu sắc, tình cảm… Những người ngồi nghe ở xung quanh, phần lớn là du khách phương xa xúc động lắm.

Hình ảnh hoa ban không đơn thuần chỉ về một loài hoa thân thuộc nơi này, mà còn gắn với ký ức của một người chiến sĩ từng cầm súng chiến đấu làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Hình ảnh hoa ban đã "nằm lòng” bao người chiến sĩ từng qua những năm tháng máu lửa nơi Điện Biên anh hùng… Cũng dễ hiểu và chia sẻ cùng anh. Không chỉ "nhân vật trữ tình” trong bài hát gắn bó với Điện Biên, với hoa ban, mà chính cha anh, chú anh cũng từng là chiến sĩ, dân quân hỏa tuyến chinh phục và vượt qua bao con dốc, con đèo vùng Tây Bắc những năm 50 của thế kỷ XX như dốc Cun, đèo Thung Khe, đèo Pha Đin… Những nơi đó, mùa này năm nào cũng trắng xóa những rừng ban. Đấy là lý do mà anh thấy xúc động, trân trọng một bài hát.

Và còn nhiều, còn nhiều những câu thơ, bài hát có hình ảnh ấm áp, quen thuộc của hoa ban nơi Tây Bắc xa xôi. Thấy hoa ban, nghe câu hát, lời thơ về hoa ban, họ thấy lại ký ức, tuổi trẻ và những niềm vui sống từng trải qua nơi Tây Bắc yêu thương.

Tản văn của Bùi huy


 

Các tin khác


Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục