Du lịch Hải Dương có nhiều điểm đến, nhưng có lẽ điểm nhấn cho các tua, tuyến nơi đây là Đền thờ Chu Văn An - tọa lạc trong khu di tích Phượng Hoàng, thuộc địa phận phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Chúng tôi cảm nhận rõ điều này khi hòa cùng dòng người muôn phương đến dâng hương tri ân "Vạn thế sư biểu” Chu Văn An -nhà nho, nhà giáo đời Trần uyên bác, thanh liêm về ở ẩn dạy học, làm thơ, viết sách, nghiên cứu y dược, sống cuộc đời an nhàn những năm tháng cuối đời.


Du khách ghi danh xin chữ tại Đền thờ Chu Văn An - Hải Dương.

Tĩnh tâm tri ân bậc tiền nhân lỗi lạc

Quần thể di tích đền thờ Chu Văn An tọa lạc trên núi Phượng Hoàng. Nhìn tổng thể, ngôi đền chính được thiết kế theo kiểu "chồng diêm” tám mái thể hiện sự tôn vinh đẳng cấp và tầm vóc của danh nhân theo tập quán người Việt. Nhà gỗ lim lợp ngói liệt, nhà bia cũ, bậc thềm đá, đồ thờ sơn son thếp vàng... Hai bên đền là nhà giải vũ, sân thượng, sân trung, sân hạ, đôi rồng đá, hai nhà bia… Nguyên khởi của ngôi đền chính "Điện lưu quang”, nơi hơn 600 năm trước thầy Chu Văn An sau khi từ bỏ mũ áo chốn quan trường, trở về mở trường dạy học, viết sách, làm thơ, nghiên cứu y dược, sống cuộc đời của một ‘‘tiều ẩn” (tiều phu ẩn dật chốn rừng sâu) an nhàn, thanh bạch, vui với cỏ cây, mây nước.

Theo lời giới thiệu của vị sư trụ trì: Đền Chu Văn An được Nhà nước xếp hạng Khu di tích lịch sử quốc gia năm 1998, việc trùng tu, tôn tạo được hoàn thiện vào đầu năm 2008. Từ nhiều năm qua, Đền thờ Chu Văn An được biết đến là điểm du lịch tâm linh và giáo dục truyền thống hiếu học. Bởi vậy, ngày càng nhiều cơ quan, trường học ở Hải Dương và các tỉnh lân cận tổ chức cho cán bộ, học sinh đến đây thăm quan kết hợp tuyên dương, khen thưởng học sinh đạt thành tích xuất sắc trong lao động, học tập. Trong dòng người kính lễ, tôi kính cẩn trước ban thờ thầy giáo Chu Văn An chiêm nghiệm những lời răn dạy: "Học mới chỉ là mắt, hành mới có chân. Có mắt, có chân mới tiến được, có biết mới làm được, có làm mới biết. Nhưng cái biết trong làm mới là cái biết thiết thực, cái biết sâu sắc nhất…”.  

Xin chữ - trải nghiệm nét văn hóa đẹp 

Cũng theo lời vị sư trụ trì: Hàng năm, Đền thờ Chu Văn An đều tổ chức lễ khai bút đầu xuân. Lễ thường được tổ chức vào ngày 6 tháng giêng (ngày thầy giáo Chu Văn An về núi Phượng Hoàng ở ẩn).

Chu Văn An (1292 - 1370) hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, ở xã Quang Liệt, huyện Thanh Trì (TP Hà Nội). Ông đỗ Thái học sinh nhưng không làm quan mà mở trường dạy học. Tài năng, đức độ của thầy Chu vang xa, khiến học trò các nơi đến bái sư, trong đó có nhiều người thành đạt làm quan lớn như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát... Đời vua Trần Minh Tông, Chu Văn An làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám dạy Thái tử và tham gia củng cố triều Trần đang bị suy vong, dân tình đói khổ. Lúc này, Chu Văn An dâng sớ xin chém 7 tên gian thần. Vua không chấp thuận, ông từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, dạy học, viết sách, nghiên cứu y học…

Tương truyền, xưa kia, học trò đến thăm thầy Chu Văn An luôn được thầy thăm hỏi, chuyện trò. Thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng, công việc, cuộc sống của mỗi học trò, khi chia tay, thầy viết tặng mỗi người một chữ (ứng với những nhận định hoặc là ngầm ý gửi phương châm sống, phấn đấu). Tất cả những người nhận chữ thầy Chu tặng đều coi như báu vật, mang về treo ở nơi trang trọng nhất để chiêm nghiệm. Để tưởng nhớ và lưu giữ nét chữ son độc đáo của nhà nho, nhà giáo Chu Văn An, năm 2012, UBND tỉnh Hải Dương đã ra quyết định phục dựng Lễ khai bút đầu xuân tại Đền thờ và duy trì đến nay như một nét đẹp văn hóa nhằm tôn vinh người Thầy và sự "Học”.

Lần đầu tiên được thăm quan và trải nghiệm nét văn hóa "tôn sư, trọng đạo” ở quần thể di tích Đền thờ Chu Văn An, tôi háo hức tiếp cận dịch vụ "xin chữ”. Nói là dịch vụ, bởi mỗi chữ được định giá 50 ngàn đồng. Đông đúc nhưng vị thầy đồ cho chữ vẫn từ tốn hỏi han: Cháu muốn xin chữ gì và xin cho ai? Khi tôi đưa ra câu trả lời kèm câu hỏi: Các con cháu đang là học sinh vậy xin chữ gì phù hợp? Thầy đồ tư vấn: Vậy thì chữ Trí cháu ạ! Vừa đưa nét bút phết nét son trên bìa giấy cứng thầy đồ vừa giảng giải về nghĩa của chữ Trí trong từ điển Hán Nôm để những người trẻ được tường tận.  

Rời khỏi bàn xin chữ, tôi tiếp tục  dạo quanh các gian hàng trưng bày các sản phẩm phục vụ khách du lịch. Chủ yếu là sách, vở, bút, trên mỗi sản phẩm có in hình ảnh ngôi Đền và dòng chữ "Chu Văn An Linh Từ” hoặc những câu nói nổi tiếng của thầy Chu Văn An. 

Thăm quần thể di tích đền thờ Chu Văn An, được thắp nén nhang tri ân bậc tiền nhân lỗi lạc, trải nghiệm nét văn hóa đẹp "xin chữ” tôi đã dành lại nơi đây những cảm xúc đẹp, sự trân trọng tài, đức của thầy giáo Chu Văn An, người được muôn dân nước Việt tôn vinh là "Vạn thế sư biểu” - người thầy của muôn đời.     


Thúy Hằng


Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục