(HBĐT) - Nghề mây, tre đan tại xóm Bui, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) đã có từ hàng trăm năm nay. Trải qua biết bao thế hệ, những nét tinh xảo, độc đáo trên từng sản phẩm luôn được những người thợ nâng niu, gìn giữ. Xác định tầm quan trọng của nghề mây, tre đan truyền thống đối với phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xã từng bước hỗ trợ, khôi phục nghề truyền thống, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.


Làng nghề mây, tre đan xóm Bui, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) tạo việc làm ổn định cho hơn 350 lao động với thu nhập bình quân từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. 

Trước đây, bà con chủ yếu đan các sản phầm như giỏ, lẵng, cơi trầu... chủ yếu phục vụ trong sinh hoạt gia đình và buôn bán nhỏ lẻ. Đến nay, nghề đã phát triển rộng rãi cả về quy mô và giá trị, các sản phẩm có mẫu mã đa dạng, chất lượng ngày càng nâng cao, được bạn hàng khắp nơi đặt mua để kinh doanh, du lịch. Chính thức công nhận làng nghề từ ngày 17/12/2017, làng nghề mây, tre đan xóm Bui, xã Nhân Nghĩa tạo việc làm ổn định cho hơn 350 lao động  địa phương với mức thu nhập bình quân từ 2 - 3 triệu đồng/người/ tháng. Làng nghề đã và đang hoạt động hiệu quả, các sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng đảm bảo, chủ yếu được làm thủ công, do đó được thị trường ưa chuộng, nhiều đơn hàng lớn từ khắp các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước như Trung Quốc, Nhật Bản, có những đơn hàng lên tới cả tỷ đồng. 

Bà Quách Thị Dung, Trưởng làng nghề cho biết: "Nghề mây, tre đan truyền thống có từ lâu đời nhưng đã có thời điểm mai một. Vì lòng đam mê và ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tôi và nhiều người thợ có tâm huyết đã quyết tâm tìm cách khôi phục lại nghề. Các bà, các mẹ đều nỗ lực tuyên truyền cho thế hệ trẻ về ý thức bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc, truyền lại những kinh nghiệm quý trong nghề và những tinh hoa ẩn chứa trong từng sản phẩm. Nhờ lòng kiên trì, cố gắng của những người thợ, đồng thời được sự hỗ trợ, tạo mọi điều kiện của các cấp chính quyền, nghề mây, tre đan đang dần có chỗ đứng, được người tiêu dùng ưa chuộng".

Chị Bùi Thị Thu Dung, thành viên làng nghề mây, tre đan xóm Bui chia sẻ: "Tôi làm nghề từ thời còn đang đi học, được bà, mẹ truyền nghề. Tranh thủ những lúc nhàn rỗi, tôi đan các sản phẩm để tạo thêm nguồn thu cho gia đình, đóng góp vào việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình".

Để tạo nên một sản phẩm mây, tre đan, người thợ phải trải qua quá trình sáng tạo công phu, tỉ mỉ, nhiều công đoạn. Những vật liệu tưởng chừng đơn giản, nhưng qua bàn tay khéo léo của những người thợ đã tạo nên những sản phẩm tinh hoa, đa sắc màu, đậm đà bản sắc dân tộc. Trước đây, các sản phẩm mây, tre đan chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình, buôn bán nhỏ lẻ, chưa thực sự trở thành hàng hóa mang lại nhiều giá trị. Thời gian qua, xã đã tổ chức các lớp tập huấn, sáng tạo thêm mẫu mã sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường như lẵng hoa, đèn treo trang trí, hộp đựng bánh kẹo... với nhiều kiểu dáng khác nhau. Đồng thời, tay nghề của người lao động được nâng cao, giúp nghề không bị mai một. 

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, nghề mây, tre đan xóm Bui cũng đứng trước không ít khó khăn. Trang thiết bị sản xuất các mặt hàng còn sơ sài, thiếu thốn, kho bảo quản chưa đảm bảo; chưa chủ động được thị trường tiêu thụ, còn trông chờ vào tư thương; khả năng sáng tạo các mẫu mã hiện đại của người thợ hạn chế.

Đồng chí Bùi Đức Ngư, Chủ tịch UBND xã Nhân Nghĩa cho biết: "Để gìn giữ làng nghề mây, tre đan xóm Bui cần tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tay nghề lao động. Đầu tư máy móc, đa dạng mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm để nghề mây, tre đan xóm Bui được bảo tồn và phát triển, để những nét đẹp truyền thống ngày càng có chỗ đứng trong xã hội hiện đại".

                                                                 Hoàng Anh


Các tin khác


Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục