Thể hiện những điệu then cổ và trình diễn mô phỏng ước lệ một giá hầu đồng với những bài chầu văn…, các nghệ nhân và những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã đưa các giá trị nghệ thuật và nét đặc sắc của chầu văn, cũng như hát then đến gần các bạn trẻ qua chương trình "Âm hưởng linh thiêng” vừa được tổ chức tại Hà Nội.

"Mẹ ta không có yếm đào/Nón mê thay nón quai thao đội đầu…” là hai câu thơ trong bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của nhà thơ Nguyễn Duy, được NSƯT, cung văn Văn Ty thị phạm, hướng dẫn các bạn sinh viên theo lối hát văn trong buổi trò chuyện (talkshow) mang tên "Âm hưởng linh thiêng” tổ chức tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Chương trình lấy cảm hứng từ loại hình diễn xướng dân gian là chầu văn và hát then, tái hiện không gian văn hóa âm nhạc đặc sắc của dân tộc.

Là loại hình nghệ thuật ca hát cổ, chầu văn khá kén chọn người nghe. Hát chầu văn gắn với nghi thức hầu đồng, hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, mang tính nghi lễ, cần có không gian trình diễn riêng biệt. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, chầu văn đã bước lên sân khấu biểu diễn, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và thưởng thức âm nhạc dân gian của công chúng, trong đó có các bạn trẻ. Tái hiện nghi lễ giá hầu Ông Hoàng Mười ngay trong hội trường, cung văn Văn Ty vừa đàn, vừa hát với sự phụ họa của nhạc công tấu nhạc và trình diễn của thanh đồng, người giúp việc sửa soạn khăn áo... tạo nên sự phối hợp nhịp nhàng. Điệu hát văn vừa luyến láy, vừa nhấn nhá ngắt nhịp, lúc lên lúc xuống khiến người nghe vừa cảm nhận được sự mượt mà của câu hát mà lại mang âm hưởng rộn ràng của nghi lễ tâm linh.

Với tính chất biến đổi, có cũ có mới, cho nên các điệu chầu văn hiện được đưa vào trong biểu diễn múa rối nước, chèo và cả sân khấu xiếc... Là người đầu tiên đưa chầu văn vào vở kịch xiếc Làng tôi và cũng là người sưu tầm, lưu giữ nhiều bản hát văn với các làn điệu khác nhau, tham gia giảng dạy về nghệ thuật chầu văn, NSƯT, cung văn Văn Ty chia sẻ: Hiện nay, kho tàng làn điệu hát văn chỉ còn khoảng gần 20 làn điệu cổ. Những bài hát văn mới hiện nay được sáng tác dựa trên những làn điệu cổ phù hợp với thời thế và đều được khán giả đón nhận. Với gần 3.000 cung văn trên cả nước và những người yêu nghệ thuật truyền thống, chầu văn vẫn duy trì được sức sống trong đời sống âm nhạc hiện nay. Tuy là thể loại âm nhạc dân gian khó hát và cần thời gian tập luyện, nhưng hiện nay có rất nhiều khóa dạy hát chầu văn do các cung văn trực tiếp giảng dạy. Đối tượng theo học phần lớn là các bạn trẻ, vừa mong muốn tìm hiểu về giá trị văn hóa dân tộc vừa góp phần đưa hát văn đến gần hơn với công chúng.

Cùng chung đặc điểm âm nhạc tâm linh với lời văn trau chuốt như hát văn, hát then là hình thức diễn xướng tâm linh đan xen giữa giá trị nghệ thuật và yếu tố tinh thần. Là loại hình nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Thái..., then xuất hiện ở bản làng, trong các nghi lễ vòng đời của con người. Tham gia diễn xướng một trích đoạn then cổ của dân tộc Tày có tên Lên gọi thần tiên, nghệ nhân then Nguyễn Xuân Bách đã kể cho khán giả nhiều câu chuyện diễn ra trong một làn điệu then. Vừa hát, diễn viên múa, người gảy đàn tính, vừa là người kể chuyện, lại là thầy tâm linh... nghệ nhân then tích hợp nhiều vai trò trong một cá nhân.

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Lạng Sơn, một trong những cái nôi nghệ thuật hát then vùng núi phía bắc, tham gia giảng dạy tại Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, nghệ nhân then Nguyễn Xuân Bách tích cực gìn giữ và quảng bá nghệ thuật hát then đến cộng đồng. Chia sẻ về nghệ thuật hát then, nghệ nhân Nguyễn Xuân Bách cho biết: Then có tính nguyên hợp nên phải nhìn then như một khối đa diện. Trong then hàm chứa tính âm nhạc, tính nghệ thuật, tính mỹ thuật, tính văn học và yếu tố tâm linh... Mỗi người nghiên cứu, tìm hiểu sẽ nhìn then ở góc độ khác nhau. Ở góc độ lịch sử văn hóa, then mang đầy đủ giá trị lịch sử văn hóa dân tộc. Nhân dân các dân tộc như Tày, Nùng, Thái lại nhìn then ở góc độ tín ngưỡng, tâm linh, cho nên then là di sản sống trong cộng đồng.

Có thể thấy, then đồng hành và thịnh hành trong văn hóa người Tày, Thái. Trong then bao gồm cả yếu tố Phật giáo và Đạo giáo. Hát then, hát chầu văn là bản sắc văn hóa dân tộc. Từ những làn điệu mượt mà vùng đồng bằng Bắc Bộ đến những câu then mang sức sống mãnh liệt vùng núi phía bắc, thực hành then và hát văn đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những nghệ nhân như cung văn Văn Ty, như nghệ nhân Xuân Bách, đã và đang không ngừng góp phần gìn giữ, bảo tồn những điệu hát văn, hát then cũng như lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống tới cộng đồng, để những làn điệu truyền thống không bị mai một theo dòng chảy của cuộc sống.


                                                                 Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục