(HBĐT) - Xã Phú Minh và Hợp Thịnh (huyện Kỳ Sơn cũ) đã "về chung một nhà” với tên gọi mới là xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình). Nhưng chợ trung tâm xã mọi người vẫn quen gọi là chợ Hợp Thịnh. Cứ thứ Ba và thứ Bảy hàng tuần, chợ họp rôm rả. Đây cũng chính là chợ trung tâm của khu vực xã Thịnh Minh, Hợp Thành, hay còn gọi là cụm xã Phú Cường. Phiên ngày thứ Bảy đông hơn phiên ngày thứ Ba. Vì chợ bán nhiều nông sản quê ngon và sạch, giá cả hợp lý nên phiên ngày thứ Bảy có đông người dân từ các xã lân cận như Quang Tiến, Mông Hóa, phường Kỳ Sơn, thậm chí cả ở Phương Lâm, Đồng Tiến - các phường trung tâm TP Hòa Bình tìm đến mua rau, củ, quả, quà bánh.


Một góc quà bánh chợ quê Hợp Thịnh, xã Thịnh Minh (TP Hòa Bình).

Chợ Hợp Thịnh giáp ranh với huyện Ba Vì (TP Hà Nội), bên kia sông là xã Yên Mông (TP Hòa Bình), xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ). Giao thông có đường liên tỉnh thuận lợi, bến phà qua sông Đà chạy suốt ngày đêm, lượng hàng hóa tiểu thương, người dân từ các vùng lân cận mang đến bán ở chợ Hợp Thịnh rất phong phú. Thực phẩm tươi sống nhiều vô kể là ấn tượng đầu tiên khi vào chợ. Từ ngoài cổng có đến hơn 20 hàng bán gia cầm, ngan con, gà con, thỏ giống, chó con... để người mua thỏa sức chọn lựa. Tiếp đến là khoảng gần 30 phản thịt bò, lợn, gà, giò chả, lòng chín, lòng sống... đông đúc người mua bán, chọn lựa, trả giá. Khu vực bán cá với chậu to, chậu nhỏ bày la liệt, đủ loại trắm, chép, trôi, mè... Khá nhiều các bà, các chị bán những mớ cá rô đồng, bống suối, tôm sông, có cả đòng đong cân cấn vẫn còn tươi tanh tách được đựng trong các chậu nhỏ. Thật sự là cả "thế giới” đồ tươi sống, tươi ngon khiến các bà nội chợ chỉ muốn "mang cả chợ về nhà”. Ngay cạnh khu vực bán tôm, cá là 6 - 7 hàng dưa sắn. Những cọng dưa sắn vàng, nước dưa bốc lên mùi chua, thơm ngon thật dễ khiến người đi chợ có cảm giác thèm ăn khi nghĩ đến món dưa sắn nấu cá tép hoặc nấu đầu, lòng cá.

Chợ Hợp Thịnh còn có điều đặc biệt mà người đi chợ thích thú là khu vực bán đồ nông sản quê. Người dân các xã vùng Phú Cường vốn chăm chỉ, hay lam hay làm. Vậy nên ở chợ quê này có nhiều hàng bán ngô nếp căng sữa, luộc ăn thơm, dẻo, ngọt; các hàng khoai lang, khoai tây, cà chua, đậu cô ve, bí đỏ, rau cải ngồng... Khệ nệ xách túi nọ, túi kia, chị Nguyễn Thu Huệ, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) cho biết: Thứ Bảy nào không bận là mấy chị em tôi rủ nhau đi chợ Hợp Thịnh, con đường đi ven sông để xuống đến chợ đẹp và thơ mộng. Chợ có nhiều đồ quê, dân dã, ngon và sạch, do bà con ở đây nuôi trồng. Mùa nào thức ấy với đủ loại thịt, cá, ngô, khoai, sắn, rau xanh. Thích nhất là đến đây mua được các loại tôm đồng, cá sông, rau tầm bóp, rau cải đồng, dưa sắn, măng chua…

Một điểm đặc biệt thu hút người dân đến chợ Hợp Thịnh là các món quà bánh. Đa số người dân Thịnh Minh không phải là người dân gốc Hòa Bình mà từ khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc đến đây sinh sống, dần hình thành vùng quê trù phú. Các gia đình mang đến những phong cách ẩm thực và những loại quà bánh riêng. Vậy nên, mỗi phiên chợ Hợp Thịnh có đến hàng chục hàng quà bánh. Nào là bánh tẻ, bánh gai, bánh gio, bánh dợm, bánh dợm cối, bánh rán nhân đậu xanh, bánh rán chao đường, bánh khoai, bánh chuối, bánh chưng, bánh dày gấc, chè lam, bỏng ngô, chè thập cẩm... Giá rất dẻ, chỉ quanh mức 2.000 - 3.000 đồng/ chiếc, chè lam 25.000 đồng/túi 0,5 kg, 10.000 đồng/túi bỏng ngô to... Trong những phiên chợ giáp Tếtcổ truyền, bắt đầu từ tháng 12âm lịch, chợ còn bán nhiều lá chuối khô, lá gai để bà con mua về làm món "bánh gai Hợp Thịnh” ngon có tiếng.

Tạm gác lại những bộn bề trong tháng cuối năm, lắng nghe tiếng cười nói lao xao của phiên chợ quê, thưởng thức chiếc bánh rán nóng giòn, thơm ngon mùi gạo nếp, đậu xanh, vừng; ngắm nhìn nụ cười thích thú của những đứa trẻ theo mẹ đi chợ, cảm thấy cuộc sống thêm phần hạnh phúc, thi vị.


Dương Liễu


Các tin khác


Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh huyện Cao Phong năm 2024

Ngày 11/4, UBND huyện Cao Phong tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh năm 2024. Tham gia liên hoan có 10 đoàn với trên 300 diễn viên là dân quân, thanh niên, học sinh các xã, thị trấn trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục