(HBĐT) - Mùa xuân mang hơi thở, không khí và diện mạo của Tết. Tết là thời điểm cuối đông chớm xuân, cũng bởi tiết trời đó, đối với mỗi người, Tết luôn mang trong mình một nét truyền thống, một dấu ấn khó phai. Có lẽ trong một năm, những ngày Tết được mong chờ nhiều nhất. Chính vì thế mà ở quê, những ngày Tết thực sự là những ngày thiêng liêng nhất, vui vẻ nhất trong năm. Mẹ tôi vẫn bảo, khi năm cũ sắp qua, năm mới đang gõ cửa từng nhà, không khí trở nên gấp gáp hơn, lòng người cũng tất bật hơn. Cảnh vật, con người những ngày giáp Tết thật chộn rộn, cây cối xanh tươi hơn, nảy lộc, đâm chồi, con người trở nên vội vã để đón những điều mới mẻ đang ở phía trước.

Con đường làng cũng nhộn nhịp hẳn lên, bởi mọi người nghỉ việc đồng áng đổ ra đường đi sắm Tết. Trên khuôn mặt của từng người sáng bừng một niềm vui, háo hức đón xuân. Ai ai cũng tất bật, khẩn trương chuẩn bị cho cái Tết riêng của gia đình mình. Những ngày này, mọi người vội vàng sắp xếp công việc, dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón một năm mới với nhiều điều tốt lành và bình yên hơn. Và đây cũng là thời điểm người dân ở xóm làng náo nức, tưng bừng chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền của dân tộc...

Chuẩn bị đón Tết, từ đầu đến cuối thôn, nhà nào cũng sắm sửa đào, quất để chưng đón Tết. Những cành đào hồng thắm, những trái quất vàng ươm sai trĩu cành, nào hoa hồng, hoa cúc, lay ơn đủ màu sắc góp nên không khí Tết rộn ràng. Ngoài những bông hoa được mua ngoài chợ còn có những bông hoa dân dã trong vườn nhà như hoa hải đường, hoa đồng nội khô được chuẩn bị từ trước. Mọi người rủ nhau đi chợ mua lá dong, mua cây giang chẻ lạt gói bánh chưng, cây nêu ngày Tết được trồng ở ngõ, các em thiếu niên cùng nhau quét dọn đường làng, ngõ xóm. Người lớn háo hức trong tất bật, trẻ con lại càng háo hức hơn. Những đứa trẻ theo mẹ đi chợ Tết, đôi má hồng hây hây ướm thử bộ quần áo mới, hay đôi giày, đôi dép mới trông dễ thương làm sao! Rồi bóng bay, tranh Tết rực rỡ... Đó cũng là một trong những lý do mà trẻ con thích ngày Tết hơn người lớn.
Tết "ngày xưa” - đêm 30 Tết, không tivi, cả làng tụ họp sân kho vui vẻ ôn lại những thành quả đã qua, hồi hộp chờ đón giao thừa với những ước vọng tốt lành. Khoảnh khắc bình dị, thân thương ấy giờ khó có thể tìm lại được bởi Tết ngày nay có quá nhiều đổi thay. Xã hội hiện đại, cuộc sống tiếp cận với mạng xã hội khiến nhiều thói quen, nếp sống của con người thay đổi. Trong dịp Tết, người ta không cần đến tận nhà, gặp tận mặt mới có thể chúc Tết, mà chỉ cần một chiếc smartphone là có thể gửi lời chúc năm mới tốt lành đi khắp nơi.

Tết là những ngày vui vẻ nhất trong năm, ngày đoàn viên, hạnh phúc của những người con xa quê trở về. Là ngày con cháu quây quần bên ông, bà, cha, mẹ bên bữa cơm Tất niên, để mừng thọ, chúc phúc, để thờ cúng tổ tiên và nhớ về những người đã khuất... Mùa xuân dệt nên bao ý niệm đẹp đẽ vào trong lòng mỗi người sự an vui, bình yên. Không khí buổi sáng đầu năm gợi cho tất cả mọi người một cảm giác quen quen, mưa xuân lất phất, bay bay. Xuân về, trên khắp các nẻo đường muôn hoa khoe sắc, lòng lại nhớ về những cái Tết ở quê đơn sơ, thân thương mà ấm áp, đã đi qua năm tháng tuổi thơ với ký ức đong đầy dư vị ngọt ngào.

Tản văn của Bùi Thị Chiều

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục