(HBĐT) - Là xã xa xôi ở Mù Cang Chải (Yên Bái), La Pán Tẩn nằm ở độ cao 2.000 m so với mực nước biển, ở vị trí cao nhất của đèo Khau Phạ. Và đèo Khau Phạ được mệnh danh là một trong "tứ đại đỉnh đèo" vùng Tây Bắc. Đây là nơi đón nhiều khách du lịch trải nghiệm không khí ngày xuân ở một vùng đất xa lạ, hoang sơ trên "đỉnh trời”.




Bình minh ở homestay Helo Mù Cang Chải thuộc xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải (Yên Bái).

Những ngày cuối năm, cung đường từ thị xã Nghĩa Lộ lên Mù Cang Chải nườm nượp xe. Mặc dù trời rét nhưng nhiều phượt thủ vẫn chọn xe máy làm phương tiện để trải nghiệm cung đường nơi đây. Đứng trên mỏm núi trông xuống thung lũng ruộng bậc thang ngắm cảnh thì thật lý tưởng. Mùa này tuy không còn lúa nhưng ruộng bậc thang nơi đây vẫn rạo rực sức sống. Những đường viền uốn lượn quanh triền núi, quanh ngọn núi mâm xôi đẹp như một bức họa. Buổi chiều, làn sương giăng mắc khiến không gian trở nên mờ ảo. Đêm đêm, tiếng gà rừng gáy eo óc trên những khu rừng già, tiếng suối chảy róc rách càng gợi lên vẻ hoang sơ và thơ mộng của vùng đất này. Bên những ngôi nhà, bếp lửa bập bùng, làn khói bếp lan tỏa gợi lên sự ấm áp và sức sống của  vùng đất xa xôi này. Một địa điểm mà du khách không thể bỏ quên là ruộng bậc thang La Pán Tẩn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích danh thắng Quốc gia năm 2007.

Anh Nguyễn Song Quý ở Hà Nội là một người mê nhiếp ảnh cho hay: Thú vui của tôi là chạy xe máy phân khối lớn dọc quốc lộ 32 để chụp những bức ảnh miêu tả sinh hoạt đời thường, bình dị quen thuộc của những cụ già người Mông. Nhất là dịp cuối năm khi trời chuyển từ mùa đông sang mùa xuân, đi lang thang các bản làng chụp cảnh các bà ngồi sưởi dưới ánh nắng xuân ấm áp, trang phục dân tộc ngày Tết đẹp sặc sỡ, miệng móm mém cười, chuyện trò râm ran thì thật thú vị. Du xuân ở đây, du khách sẽ được hòa mình vào thiên nhiên đất trời khoáng đạt và trong lành. Thả bộ trên những con đường mòn ngắm hoa đào, hoa mơ nở trắng rừng, những đồi sơn tra đang trổ hoa trắng toát, những vạt hoa cải nở vàng bên triền núi. Tối về có thể nghỉ qua đêm tại những bản làng người Mông, nơi tràn ngập không khí chơi xuân với tiếng sáo gọi bạn. Tại La Pán Tẩn đã có dịch vụ nghỉ homestay với giá phòng ngủ tập thể là 90.000 đồng/phòng, phòng riêng giá 250.000 đồng/phòng. Rong ruổi những ngày này sẽ có cơ hội được thưởng thức những món ăn đậm đà bản sắc như khau nhục, gà đen, thịt sấy gác bếp, cá nướng, măng rừng, rượu ngô, bánh chưng, xôi cẩm...

Anh Giàng A Dê, chủ Homestay Helo Mù Cang Chải ở La Pán Tẩn cho biết: Mấy năm gần đây, không chỉ khách nước ngoài mà nhiều khách trong nước cũng chọn Mù Cang Chải là nơi đón xuân, ăn Tết cùng người Mông. Nhiều chủ homestay đã tổ chức Tết của người Mông và Tết Nguyên đán cho du khách. Ngoài thưởng thức những món ăn truyền thống của người Mông khách được những chàng trai, cô gái Mông tổ chức nhiều trò chơi như ném Pao, bắn nỏ, đẩy gậy, đặc biệt bạn nam thổi khèn còn bạn nữ hát giao duyên. Đó là cái đặc sắc mà nhiều khách lên đây không muốn về. Từ La Pán Tẩn, du khách có thể dạo chơi ở các vùng lân cận như Chế Cu Nha, Cao Phạ, Púng Luông, Dế Xu Phình – nơi phong cảnh  đẹp và thơ mộng. Nếu không muốn rong ruổi thì có thể đi cùng gia đình, bạn bè nghỉ ngơi tại khu du lịch Thác Mơ (thị trấn Mù Cang Chải), suối nước nóng Nậm Khắt, khu vực leo núi các xã Púng Luông, Nậm Khắt, hang động Nậm Khắt, bãi đá cổ xã Lao Chải, khu du lịch sinh thái Chế Tạo, Nậm Khắt; các khu du lịch cộng đồng tại Bản Thái thị trấn, La Pán Tẩn, Nậm Có, đặc biệt là địa điểm du lịch mạo hiểm dù lượn tuyệt đẹp tại đèo Khau Phạ.

Lặn lội từ Thành phố Hồ Chí Minh ra đây, anh Nguyễn Trường Giang chia sẻ: Sau một năm làm việc bận rộn, căng thẳng, tôi thường đi du lịch. Và Tây Bắc là một trong những điểm lựa chọn hàng đầu. Khi đặt chân lên mảnh đất Mù Cang Chải, được thả hồn cùng thiên nhiên, đặc biệt là ngắm vẻ đẹp của hoa đào rừng, hoa Tớ Dày, tôi thấy hạnh phúc, tâm hồn được bình an. Vào dịp Tết, sau một năm lao động vất vả, khi mùa vàng thu hoạch xong, những chàng trai cô gái Mông xúng xính trong bộ váy mới xuống chợ. Tiếng khèn của những chàng trai Mông hấp dẫn, cuốn hút làm du khách chẳng muốn về. 

Việt Lâm

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục