(HBĐT) - Cách đây hơn 30 năm, ông Vũ Tất Chiến ở thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) bắt đầu sưu tập để rồi tìm thấy niềm đam mê cổ vật. Tại thời điểm này, ông là người sở hữu số lượng hiện vật lên đến hàng nghìn. Các cổ vật được ông cẩn trọng lưu giữ với mong muốn góp phần bảo tồn những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa đất Mường.


Nhà sưu tập Vũ Tất Chiến (ngoài cùng bên trái), thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) giới thiệu về chiếc bình vôi cổ có niên đại 700 năm tuổi.

Lạc vào "kho tàng" cổ vật

Chúng tôi có cơ duyên gặp vợ chồng ông Chiến, người mà theo lời đồn có trong tay gia tài cổ vật đồ sộ tầm cỡ nhất, nhì ở Hòa Bình. Bước qua thềm nhà, nơi có tấm biển hiệu "Nhà sưu tập cổ vật”, chúng tôi như lạc vào một bảo tàng thu nhỏ với rất nhiều hiện vật hiếm có, khó tìm. Toàn bộ gian ngoài và phòng khách của ngôi nhà được chủ nhân sử dụng để trưng bày đồ cổ. Ông Chiến tâm sự, ngay từ thời còn trẻ, ông đã có thú sưu tập đồ cổ. Hiện, trong nhà còn một số món đồ cổ lưu truyền từ thời nhà Lê, nhà Nguyễn có từ đời cha, đời ông vẫn được giữ đến giờ. Sau này, khi lập gia đình, ông cùng vợ đi một số nơi trong, ngoài tỉnh để thu mua phế liệu rồi thành ra thông thuộc nơi này, nơi kia. Nhờ hữu duyên mà ông sưu tập được những đồ vật có giá trị lịch sử, văn hóa lớn. Với nhiều người đam mê cổ vật, yêu thích tìm về những giá trị lịch sử, văn hóa thì những món đồ ông đang sở hữu "nhiều tiền cũng không có được”.

"Kho tàng” cổ vật của ông vô cùng phong phú và đáng nể, có những cổ vật cách đây hàng nghìn năm, phần nhiều là cách đây trên, dưới 400 năm. Những cổ vật nghìn năm ông đang có như rìu đá, viên đá lạt ma (còn gọi là đá thiêng), đồng tiền cổ, sanh cổ… Một số hiện vật cách đây khoảng 500-700 năm như đĩa Chu Đậu, đôi lọ Vạn Ninh. Ở thời nhà Lê, nhà Nguyễn cách đây 300-400 năm có bộ tứ bình, hoành phi câu đối, cồng chiêng, một số vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày của người Mường cổ như piếng, sanh, bình vôi, dụng cụ săn bắn (nỏ, súng hỏa mai)… Các báu vật này đều được ông Chiến nâng niu, bảo quản hết sức cẩn thận. Ngoài ra, ông dành một góc riêng trưng bày những hiện vật sưu tập ở thời kỳ bao cấp như tivi, radio, đèn tọa đăng, xe đạp…

Không chỉ sưu tập, ông còn học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, đồng thời hiểu rất kỹ về tích của cổ vật. Theo ông chia sẻ, chơi đồ cổ phải am tường lịch sử, có trình độ, hiểu biết mới phân biệt được đồ cổ với đồ nhái. Để đánh giá được đâu là thật, đâu là giả phải xem kỹ chất men, cốt, họa tiết… Với con mắt của những người chơi đồ cổ thì chất men, cốt, họa tiết… cũng là những yếu tố khiến cổ vật trở nên có hồn.

Lưu truyền lịch sử, văn hóa đất Mường

Vốn là người Kinh nhưng đam mê văn hóa, lịch sử đất Mường nên ông Chiến đã dày công sưu tập và mong muốn lưu giữ những giá trị. Theo lời kể của ông, những năm 89, 90 của thế kỷ trước, có một sự thật xót xa là cổ vật của đất Mường Hòa Bình bị thất thoát nhiều theo con đường trao đổi, mua bán về các tỉnh khác hoặc "chảy máu” sang Trung Quốc. Bỏ nhiều tâm sức và không tính đếm đến tiền bạc, ông Chiến bền bỉ thực hiện mong muốn của mình là giữ lại một phần giá trị văn hóa, lịch sử ấy cho hôm nay và cả mai sau.

Suốt mấy mươi năm, ông Chiến lặn lội đến khắp các vùng Mường trong tỉnh, nhiều nhất là ở vùng Lạc Sơn, Yên Thủy để sưu tập. Trong gia tài đồ cổ của mình, có nhiều món đồ ông tìm được ở vùng đất lang đạo trước kia như xóm Chiềng, thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn), xóm Chiềng, xã Bảo Hiệu; xóm Nâu, xóm Tháy, xã Lạc Lương (Yên Thủy), với các cổ vật quý như tiền cổ, sanh, piếng, bình vôi, chân mâm, chóe (đựng rượu)… Đặc biệt, ông có một bộ sưu tập chiêng cổ gồm 12 chiếc từ thời nhà Nguyễn, trong đó, chiếc chiêng được ông xem như bảo vật là chiêng phân ngôi thời vua Minh Mạng với chất liệu đồng Đông Sơn được treo ở vị trí trang trọng nhất. Với chiếc chiêng phân ngôi này, ở nhiều vùng Mường trên cả nước như Thanh Hóa, Gia Lai, ai sở hữu được nó sẽ mở tiệc mừng khao tất cả dân làng.

Ngoài gia tài đồ sộ hàng nghìn hiện vật cổ, điều đáng trân quý và khá khác biệt ở ông Chiến là tâm huyết bảo lưu, gìn giữ báu vật cho xứ Mường Hòa Bình. Hãn hữu và phải là người cùng địa phương, có đam mê và thật sự có duyên, ông mới giao lưu, chia sẻ món đồ. Từ năm 2013 trở lại đây, tại một số sự kiện, nhất là hoạt động liên quan đến quảng bá bản sắc văn hóa, du lịch của huyện Yên Thủy thường mời ông tham gia trưng bày, giới thiệu, cũng như chia sẻ những am hiểu về văn hóa, lịch sử qua những hiện vật ông lưu giữ được. Điều này đồng thời khơi gợi niềm tự hào, khích lệ những cá nhân như ông tiếp tục gìn giữ, bảo vệ những hiện vật giá trị văn hóa, lịch sử xứ Mường.

Bùi Minh

Các tin khác


Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh huyện Cao Phong năm 2024

Ngày 11/4, UBND huyện Cao Phong tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh năm 2024. Tham gia liên hoan có 10 đoàn với trên 300 diễn viên là dân quân, thanh niên, học sinh các xã, thị trấn trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục