(HBĐT) - Tháng Ba về, bầu trời như trong hơn, từng tia nắng vàng ngọt trải dài trên những tán lá xanh mơn mởn. Những cây gạo khẳng khiu ngủ quên bấy lâu dường như được đánh thức, bừng lên những bông hoa như những đốm lửa đỏ thắp lên rực rỡ cả một vùng trời. Hoa gạo còn có tên khác là mộc miên hay hoa pơ-lang, hoa to, cánh hoa dày, đỏ thắm, hoa chỉ nở mỗi năm một lần vào thời điểm tháng Ba, tháng Tư. Tuy giản dị, nhẹ nhàng nhưng đây lại là loài hoa gây mê đắm đến nao lòng.


Cây gạo trên đường 12B, đoạn qua địa phận xã Thu Phong (Cao Phong) nở đỏ mê đắm lòng người.

 

Đối với người miền Bắc, nhất là ở những vùng quê Bắc Bộ, hình ảnh hoa gạo thân quen, gắn liền với cuộc sống của người dân như cây đa, bến nước, sân đình. Thân thuộc đến nỗi thứ hoa giản dị, bình thường ấy đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa, đi vào ký ức tuổi thơ của biết bao người con đồng bằng Bắc Bộ, để mỗi khi đi xa về, chỉ cần nhìn thấy cây gạo đầu làng đã cảm nhận được tình quê, hồn quê đã, đang hiện diện ở đó. Cái tên hoa gạo chất chứa bao nỗi niềm bình dị của những người nông dân. Hoa gạo thường nở vào tháng Ba, đúng mùa giáp hạt, lúc người nông dân xưa thường trong tình trạng thiếu thóc, gạo. Bởi vậy, cái tên hoa gạo là biểu tượng cho niềm hy vọng, ước mong một mùa vàng bội thu, lúa gạo đầy bồ, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Ở những tỉnh miền núi như Hòa Bình, cây gạo không còn nhiều, chưa kể vào mùa mưa bão hàng năm đã đốn đi khá nhiều cây gạo to, cổ thụ. Buổi sáng sớm, dọc đường 12B qua địa phận xã Thu Phong (Cao Phong) và xã Tú Sơn (Kim Bôi), giữa những đồi hoa cam, hoa bưởi trắng muốt, toả hương ngào ngạt là những bông hoa gạo nở rực rỡ. Cả cây gạo như một ngọn lửa lớn đang cháy giữa trời xuân. Dừng lại dưới gốc cây, nhặt bông hoa gạo đặt nhẹ nhàng vào lòng bàn tay, bông hoa rất đỗi giản dị, thân thương nhưng cảm giác vẫn lâng lâng khó tả. Nhiều người cũng dừng xe, lấy điện thoại ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất của mùa hoa gạo, vì nếu bỏ lỡ mùa này phải chờ đến tận năm sau.

Còn gì hơn sáng sớm tháng Ba, hít thở không khí trong lành đầy mùi nắng quyện cùng mùi cỏ non nhè nhẹ, cả núi rừng trời mây thu gọn vào trong tầm mắt. Cùng ngắm những bông hoa gạo đỏ rực trên đường 12B, chị Đinh Thu Trang, thị trấn Bo (Kim Bôi) chia sẻ: Từ khi hoa gạo nở, mỗi lần đi qua đây tôi đều dừng xe ngắm hoa. Không khí sáng sớm mai trong lành khiến cho lòng người dù bộn bề đến đâu cũng cảm thấy nhẹ nhàng. Cây gạo còn gợi nhớ cho tôi thời thơ ấu cùng đám bạn thân đùa vui dưới gốc cây, cùng nhặt những bông hoa rụng kết thành vương miện đội lên đầu, rồi chờ đến lúc hoa gạo tàn, quả gạo già đi tách ra có những cục bông trắng muốt bên trong, lũ trẻ lại nhặt về để làm ruột chăn, ruột gối. Giờ đa số cây gạo đã bị chặt, may còn lại vài cây ở đoạn đường này, cứ vào đầu tháng Ba, hoa gạo lại nở đỏ cả một góc trời.

Một loài hoa dân dã như chính tên gọi của nó, chỉ có sắc, không hương nhưng khiến người ta nhớ mãi. Mỗi lần ngang qua cây gạo, mọi người dường như di chuyển chậm hơn, bởi ai cũng muốn giữ riêng cho mình một khoảng trời ký ức về hoa gạo, về những miền quê thân thương, về một thời tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ cùng lũ bạn mà nay chỉ còn được nhắc đến với hai từ "kỷ niệm”.

Có lẽ khi thấy hoa gạo, nhiều người đã tiếc nuối vì lại một mùa xuân nữa đã thật sự đi qua, nhưng nhiều người lại cho rằng, vạn vật thay đổi theo thời gian, xuân qua đi rồi hạ đến sẽ mang tia nắng ấm cùng những bông hoa gạo sưởi ấm nhân gian. 

 

Khánh Linh


Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục