(HBĐT) - Dư âm về "chiếu hát" lần đầu tiên được mở lại sau nhiều năm ở sân hội đình Khói, xã Ân Nghĩa vẫn còn đọng lại trong tâm trí nhiều người dân vùng đất Mường Vang - Lạc Sơn. Không khí sôi nổi, điệu hát đắm say, cả hội xuân như cuốn theo "chếu hát”...


Loại hình diễn xướng dân gian với lối hát cổ đã trở thành món ăn tinh thần của người dân huyện Lạc Sơn nhiều năm qua.

Di sản dân ca Mường

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, Lạc Sơn được coi là huyện vùng lõi của người Mường và văn hóa Mường tỉnh Hòa Bình. Nơi đây còn truyền tụng câu ca: "Cơm Mường Vó, lọ Mường Vang, thường rang Mường Búm Khói”. Từ xa xưa, người dân nơi đây đã coi dân ca Mường nói chung, trong đó có hát thường rang, bộ mẹng, hát đúm giao duyên là những thể loại diễn ra nhiều nhất trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Chính vì thế, hát thường rang, bộ mẹng, hát đúm giao duyên đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mang theo giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn sâu sắc. 

Còn theo ông Bùi Văn Nỏm, nguyên Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn, người có tâm huyết trong việc sưu tầm, gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, hiện nay, dù cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng người Mường ở Lạc Sơn vẫn duy trì, gìn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo. Một trong những nét văn hóa đó là nghệ thuật hát thường rang, bộ mẹng, hát đúm giao duyên. Đây là sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc của người Mường. Là lối hát truyền khẩu có nguồn gốc từ xa xưa. Các cuộc hát có thể diễn ra trong đám cưới, mừng nhà mới, ngày lễ, ngày hội. Nội dung phong phú, giàu chất thơ, mượn cảnh vật thiên nhiên để ví von trao gửi tâm tình bằng làn điệu, âm nhạc mộc mạc, giản dị do ca từ tạo nên. Chủ đề trong hát thường rang, bộ mẹng, hát đúm giao duyên rất rộng, từ chuyện chào hỏi, tình yêu đôi lứa, mùa màng, phong tục tập quán, chúc tụng nhau dịp Tết ca ngợi quê hương, đất nước... Nét đặc sắc của lối hát là thể hiện sự hiểu biết sâu rộng của người tham gia. Người hát tự đặt lời bài hát hoặc vận dụng từ vốn kho tàng dân ca của dân tộc mình. 

Thời gian qua, hát thường rang, bộ mẹng, hát đúm giao duyên đã được tổ chức tại các dịp lễ, Tết như lễ hội đình Cổi, đình Băng, đình Khói, lễ hội xuống đồng... thu hút hàng vạn người theo dõi. Đặc biệt được phát huy mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, trở thành điểm nhấn trong các lễ hội, hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng trên địa bàn huyện. Từ mong muốn gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc này, một số câu lạc bộ (CLB) hát dân ca đã ra đời, duy trì và phát triển như CLB Mường Khai, Mường Khói (xã Ân Nghĩa), Bai Chim (xã Tân Mỹ)... Một số nghệ nhân, những người tâm huyết, mong muốn giữ gìn, bảo tồn các làn điệu dân ca Mường như Bùi Thiện, Bùi Huy Vọng, Bùi Văn Nỏm... đã tổ chức được 30 cuộc giao lưu; tập hợp, thống kê được trên 300 nghệ nhân hát dân ca, các bài hát Mường cổ; ghi hình, thu âm, quay video lưu giữ được gần 1.000 GB dữ liệu...

Xuân đến rạng ngời trong câu hát rằng, thường

Cùng ông Bùi Văn Nỏm đến ngôi nhà sàn cổ của gia đình nghệ nhân Bùi Văn Lịch ở xóm Thóng, xã Vũ Bình. Không hẹn trước, nhưng thật bất ngờ khi ở đây đã có hơn chục nghệ nhân đến từ các xã Bình Hẻm, Bình Chân, Tân Mỹ, Vũ Lâm, Vũ Bình... đang quây quần hát cho nhau nghe. Thấy khách, nghệ nhân Bùi Văn Lịch cất lên câu hát ngọt ngào chào đón: "Khách đến chơi nhà/ Chẳng có gì sang/ Chỉ có ấm trà mạn với tấm lòng người quê hương...”.

Nghệ nhân Bùi Văn Tiến ở xóm Song Khảnh (xã Tân Mỹ) hiện là Chủ nhiệm CLB hát cổ Bai Chim chia sẻ: Hát sắc bùa, hát rang, hát ví, hát đúm của người Mường là lối hát dân dã, lối kể những câu chuyện sử thi, truyền thuyết, ca ngợi cuộc sống lao động, phong tập tục quán, tín ngưỡng tốt đẹp của tngười Mường, thể hiện mong muốn về cuộc sống sung túc, đầy đủ. Lối hát này được ra đời, khởi nguồn từ cuộc sống lao động của người dân, lưu truyền lại theo hình thức truyền khẩu qua nhiều thế hệ. Dịp Tết đến, xuân về, mọi người quây quần bên mâm cỗ truyền thống, bên ánh lửa bập bùng, ấm cúng, vừa chúc rượu, vừa hát những câu hát rang mừng Tết, mời các cụ tổ tiên trên trời về ăn Tết với cháu con. "Ngày ba mươi tháng Chạp/ Đón các cụ tổ tiên ở trên trời xuống/ Để được ăn Tết với cháu con/ Có thịt, cá, rau, bánh, rượu/ Cho các cụ, bố, mẹ xuống ăn Tết với cháu con... 

Ngoài điệu hát rang, người Mường ở Lạc Sơn vẫn còn giữ được tục hát sắc bùa ngày đầu xuân năm mới. Theo ông Bùi Văn Nỏm, phường hát sắc bùa thường được tụ họp mỗi dịp cuối năm và hình thành từng tốp để đến các nhà hát chúc Tết. Cả phường theo hướng dẫn của người dẫn đầu gọi là "trùm”. Mỗi phường có một ông trùm, ăn mặc khác hơn cả đoàn, cầm chịch điều khiển. Mở đầu cuộc hát, phường bùa thường tụ họp ở trung tâm xóm, bản, đánh cồng, chiêng với âm thanh rộn rã, rồi lần lượt đi đến từng nhà. Hát xong ở sân, chuyển sang hát bài "gọi cửa" và chủ nhà cũng có những câu hát đối mời phường bùa vào hát trong nhà...

Mộc mạc và giản dị, nhưng nền văn hóa đặc sắc của người Mường được truyền lại qua bao thế hệ, mang trong mình sức sống mạnh mẽ, lâu bền. Trở thành một dòng chảy văn hóa ngày càng thấm sâu, là hồn cốt, góp phần phục vụ đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mường. Những điệu hát dân ca Mường đang trên hành trình hướng tới di sản văn hóa phi vật thể mang tầm quốc gia, khi có sự vào cuộc của các cấp, ngành và tâm huyết gìn giữ, bảo tồn của người dân.


Mạnh Hùng

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục