(HBĐT) - Chợ Vó mỗi tuần họp 2 phiên, nhộn nhịp nhất là phiên họp vào sáng Chủ nhật. Đi chợ Vó có thể mua được đủ thứ, từ quần áo, giày dép, các nhu yếu phẩm, rồi nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, ở chợ phiên này còn lưu giữ được những nét quê của chợ phiên xưa.


 Chợ Vó, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) có nhiều sản phẩm truyền thống của người Mường được bày bán.

 

Chợ Vó nằm ở phố Vó, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn). Khu chợ Vó được người dân ví von như một thị trấn của vùng Cộng Hòa rộng lớn. Từ lâu, cái tên chợ Vó đã rất đỗi quen thuộc, là nơi buôn bán của đông đảo bà con ở các xã lân cận, gần thì có các xã như: Văn Nghĩa, Mỹ Thành, Tuân Đạo, Tân Lập, xa hơn có Miền Đồi, Quý Hòa. Là chợ phiên lâu đời nên chợ Vó là nơi buôn bán sầm uất, điểm hẹn gặp gỡ, chuyện trò của bà con mỗi tuần. Ngày nay, thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhiều cụm chợ được xây dựng ở các xã lân cận như: Chợ Chiềng (Tân Lập), chợ Sào (Tuân Đạo), nhưng chợ Vó vẫn là chợ phiên thu hút đông đảo nhất người dân đến mua sắm.

Từ quốc lộ 12B rẽ vào tuyến đường liên huyện Lạc Sơn - Kim Bôi, đi chừng 8 km là đến chợ Vó. Có dịp trải nghiệm vào đúng phiên họp sáng Chủ nhật, chúng tôi cảm nhận được không khí mua bán sầm uất ở chợ phiên này. Chợ đông nên nhiều bà con địa phương phải bày bán hàng phía ngoài chợ. Đi sâu vào trong chợ, các sạp hàng được dựng bằng cột kim loại chắc chắn, nền đổ bê tông. Trong chợ, các mặt hàng được phân chia theo từng khu vực khác nhau. Có khu vực bán quần áo, giày dép; khu bán đồ điện tử, nông cụ, đồ gia dụng, hay khu vực bán bún, phở, quà ăn vặt như bánh rán, xúc xích. Trong đó, khu bán thực phẩm chiếm diện tích lớn nhất với hàng chục hàng thịt lợn, tôm, cá.

Ấn tượng nhất là những mặt hàng được bà con địa phương bày bán. Đó là những lồng gà ri, giỏ trứng gà ta, tôm suối, cua đồng, măng đắng và nhiều sản vật khác của địa phương. Chị Bùi Thị Phượng, xã Nhân Nghĩa, người luôn có mặt trong những phiên chợ họp vào sáng Chủ nhật chia sẻ, có hôm chị mang cua, ốc, rau ra chợ bán, có hôm chỉ ra chợ để mua sắm. Phiên chợ này, chị bán vài chục mớ rau muống và khoảng hơn 2 kg cua đồng. "Cua này bắt từ đầu tuần, phải gom mấy hôm. Còn rau muống đầu mùa, cứ sau mỗi tuần tôi lại cắt mang ra chợ bán. Vì chợ phiên khá đông người nên bán hàng cũng dễ, chúng tôi nuôi gà, trồng rau đều mang ra chợ tiêu thụ” - chị Phượng chia sẻ.

Thời tiết bắt đầu chuyển sang hè nên tại chợ phiên, nhiều bà con tìm mua mũ, nón. Mấy hàng nón được bày bán sát nhau tạo nên hình ảnh thôn quê, mộc mạc, gần gũi của phiên chợ. Bà Bùi Thị Ưm, 62 tuổi, xã Tuân Đạo tay xách chiếc làn đỏ, bên trong có bánh rán, thịt lợn và thuốc lào ghé vào chọn mua một chiếc nón mới. Những chiếc nón được làm thủ công, có chiếc được được khâu thêm một số hoa văn để tăng tính thẩm mỹ. Bà Ưm không chọn những chiếc nón có hoa văn, dù rằng giá bán chênh nhau chỉ vài nghìn đồng. Theo bà Ưm, dù ở xã Tuân Đạo cũng có chợ phiên nhưng bà thích đi chợ Vó vì mặt hàng đa dạng và đông vui. Hiện nay, tuyến đường từ Tuân Đạo ra chợ Vó đã được mở rộng, cứng hóa chắc chắn nên đi lại càng thuận tiện.

Tại chợ phiên còn có những gian hàng bán các sản phẩm văn hóa truyền thống của người Mường như: Chiêng Mường, thổ cẩm, váy, áo. Đó là những hình ảnh tạo nên nét riêng biệt và cuốn hút đối với những người lần đầu tiên được trải nghiệm mua sắm tại đây. Chợ phiên họp từ sáng sớm đến giữa trưa mới tan. Với sự năng động trong phát triển kinh tế, mấy năm trở lại đây, đời sống của bà con ở khu chợ Vó không ngừng phát triển. Mặc dù trong khu vực đã có những cửa hàng điện máy, điểm mua sắm tiện lợi, nhưng chợ Vó vẫn giữ được những nét thôn quê dân dã và là địa điểm mua sắm được người dân vùng Cộng Hòa ưa chuộng.

 

Viết Đào


Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục