(HBĐT) - Dù gặt lúa dưới ruộng, trồng ngô trên nương hay hái rau, lấy lá thuốc trên rừng, đi chợ mỗi buổi phiên, phụ nữ Tày ở xã Mường Chiềng (Đà Bắc) đều vận bộ trang phục của dân tộc mình như thói quen, niềm tự hào và trên hết thảy là sự trân quý, nâng niu nét đẹp văn hóa.

 


Phụ nữ xóm Chiềng Cang, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) mặc trang phục truyền thống dân tộc Tày trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Theo đồng chí Bùi Văn Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng, là trung tâm vùng cao của huyện, trên địa bàn xã có 3 dân tộc anh em cùng chung sống, gồm Tày, Mường, Kinh, trong đó, dân tộc Tày chiếm số đông. Nếu như đàn ông Tày thường chỉ mặc trang phục khi nhà có việc hoặc dịp lễ hội thì các bà, các mẹ, các chị lại rất yêu thích và sử dụng trang phục hàng ngày. Trang phục của phụ nữ Tày có đặc điểm là áo ngắn tay may chật, cổ áo tròn, xẻ ngực từ cổ áo xuống đến cạp váy với hàng khuy bạc hình đôi bướm hoặc đôi ve sầu. Áo thường dùng chất liệu vải mỏng, bố trí khuy lẻ (5-7-9 khuy). Đi kèm với áo là chiếc yếm có đính hạt kim sa phía trên cổ. Về chân váy thường có màu đen tuyền hoặc xanh chàm, gồm 2 loại váy cạp thêu hoặc váy cạp hoa chim. Đi kèm với váy, áo, trang phục của phụ nữ Tày có thêm chiếc khăn piêu đội đầu thể hiện đặc trưng văn hóa. Tô điểm cho trang phục còn có dây lưng lụa và một vài món đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay, hoa tai, nhẫn bạc...

Bên cạnh đó, nhiều phong tục, tập quán đẹp của bà con vẫn được phát huy, gìn giữ. Một số hạn chế, hủ tục lạc hậu đang dần được xóa bỏ. Đơn cử như trước đây, các gia đình phía nhà gái thường thách cưới cao, nhất là phần lễ vật phải có 5-7 đùi lợn. Tuy nhiên, thực hiện nếp sống văn hóa mới, các thủ tục nặng nề, rườm rà đã giảm nhiều. Ngoài ra, tại một số xóm như Tuổng Đồi, Tuổng Bái, Đầm Phế, bà con dân tộc Mường còn giữ thủ tục ma chay kéo dài 3 ngày. Hiện nay, địa phương đang xây dựng, bổ sung vào quy ước, hương ước để rút ngắn thời gian ma chay.

Năm 2017, lễ hội tiêu biểu nhất của người Tày huyện Đà Bắc là lễ hội cầu Mường được quan tâm, phục dựng. Đây là lễ hội có từ khi các dòng họ của người Tày bắt đầu về sinh sống và khai phá đất Mường Xồng, tức Mường Chiềng ngày nay để lập nghiệp. Tổ chức vào dịp đầu năm, lễ hội nhằm tưởng nhớ tổ tiên, thành hoàng các họ mạc đã có công sức khai phá, tạo dựng lên bản, lên Mường, đồng thời, tỏ niềm tôn kính với thần đất, thần nước, thần rừng đã ưu ái tạo mưa thuận, gió hoà cho người dân bản Mường có cuộc sống bình an, khỏe mạnh, mùa màng bội thu. Đặc biệt, lễ hội cầu Mường còn tạo nên sức mạnh đoàn kết to lớn của các dòng họ đang sinh sống trên đất Mường Chiềng. Từ đó đến nay, ngoại trừ thời điểm phải thực hiện nghiêm biện pháp tránh tập trung đông người để phòng, chống dịch Covid-19, lễ hội duy trì hàng năm tổ chức quy mô nhỏ trong xã, định kỳ 3 năm/lần tổ chức quy mô lớn phạm vi liên xã vùng cao.

Trong cộng đồng người Tày ở địa phương còn giữ gìn, bảo tồn lễ cơm mới vào tháng 10 âm lịch. Lễ này có ý nghĩa tạ tổ tiên đã cho một vụ mùa bội thu và cầu mong tổ tiên tiếp tục phù hộ trong mùa vụ tới. Đối với lễ cơm mới, các gia đình người Tày rất coi trọng. Tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, ai có điều kiện thì làm to, không có điều kiện thì làm nhỏ nhưng nhất định phải giữ. Đặc biệt, thời gian gần đây, việc học chữ Tày trong cộng đồng được quan tâm. Với thầy giáo là người của địa phương, Trung tâm học tập cộng đồng đã tổ chức mở hàng chục lớp học chữ Tày cho khoảng 300 người theo học.

Cùng với việc bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã thực hiện tốt các hương ước, quy ước của khu dân cư. Việc cưới, việc tang, lễ hội tổ chức theo xu hướng mới, văn minh, tiến bộ với nhiều xóm điển hình như: Nà Mười, Chum Nưa, Chiềng Cang, Bản Hạ, Kế...  
 
 Bùi Minh


Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục