Nhân dịp Festival Huế 2022, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức triển lãm "Chế độ Y quan triều Nguyễn” tại Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Bảo tàng Mỹ thuật Huế.


Một phần trưng bày Trang phục Hoàng gia. (Ảnh: Ban tổ chức)

Triển lãm mở cửa rộng rãi cho công chúng từ ngày 27/6, giới thiệu hơn 100 phiên bản tài liệu, hình ảnh, hiện vật đặc sắc về chế độ y quan (áo mũ, nghĩa rộng là trang phục) của các tầng lớp trong xã hội triều Nguyễn, nét tinh tế của nghệ thuật thẩm mỹ nhưng cũng rất chặt chẽ trong sự phân cấp phẩm hàm.

Triển lãm gồm 3 nội dung: Trang phục hoàng gia, Trang phục quan lại, binh lính và Trang phục tân khoa.

Đối với các triều đại quân chủ, trang phục là một yếu tố quan trọng tạo nên tính quy củ về hình thức, thậm chí còn được coi là một trong những chuẩn mực để đánh giá trình độ văn minh của các triều đại. Các triều đại quân chủ Việt Nam cũng đặc biệt chú ý đến điều này. Vì vậy, thường sau khi thành lập triều đại sẽ đều nghiên cứu, xây dựng và thiết lập ngay chế độ Y quan và Lễ nhạc phù hợp.

Ở phần Trang phục hoàng gia, người xem có thể thấy những quy định, luật lệ riêng và chặt chẽ theo đẳng cấp trong cung đình. Chế độ y quan hoàng cung triều Nguyễn phân theo thứ bậc đế, hậu, hoàng tử, công chúa, tôn thất và chi tiết đến từng yếu tố như: chất liệu vải, màu sắc, kiểu dáng, họa tiết trang trí, số lượng y phuc, vật liệu trang sức đi kèm.

Trang phục hoàng cung có nhiều loại, mỗi loại có tên gọi, màu sắc, công năng riêng và được mặc vào những dịp cụ thể: trang phục đại triều, trang phục thường triều, trang phục nghi lễ, thường phục, trang phục theo mùa. Trang phục hoàng cung không chỉ thể hiện sự thống nhất, tập trung của triều đình mà còn là sự kế thừa văn hóa đặc trưng của các triều đại trước đó.


 Một phần trưng bày Trang phục quan lại, binh lính.

Ở phần trưng bày Trang phục quan lại, binh lính, người xem được tìm hiểu về sự phân cấp trong quy chế triều phục của quan lại triều Nguyễn. Tùy theo phẩm hàm mà quan viên văn võ được nhà vua ban triều phục đại triều và thường triều. Triều phục đại triều được cấp cho quan võ tam phẩm, quan văn lục phẩm trở lên, các bậc quan còn lại chỉ được cấp thường triều. Quan văn đội mũ phốc đầu dáng tròn, quan võ đội mũ phốc đầu dáng vuông. Các cấp bậc của quan lại triều Nguyễn được phân biệt qua màu sắc áo, các chi tiết hoa văn trên áo, đai, bổ tử và mũ (mão).

Hầu hết binh lính nhà Nguyễn đều đội nón, đi đất. Sự phân biệt các hạng lính chủ yếu ở các hạng mũ, áo. Theo đó áo mặc là áo song khai, cài khuy, xẻ vạt trước sau, vai áo có viền mây bao quanh. Việc phân cấp phẩm phục thể hiện tính tôn ti, thứ bậc của quan lại, cũng chính là tôn ti trật tự của xã hội.

Ở phần Trang phục tân khoa, có thể thấy sự coi trọng của triều đình nhà Nguyễn đối với việc chiêu hiền đãi sĩ. Những người đỗ đạt ở các kỳ thi, ngoài việc được dựng bia lưu danh, còn được thiết yến, ban thưởng lụa là, vàng bạc, vinh quy bái tổ, bổ nhiệm chức quan. Bên cạnh đó, triều đình cũng có chế độ ban thưởng phẩm phục và trâm hoa cho đệ nhất giáp tiến sĩ đệ nhất danh (trạng nguyên); đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh, đệ tam danh (bảng nhãn, thám hoa). Tài liệu được chọn trưng bày tại triển lãm thể hiện tư tưởng đề cao việc học, tôn trọng nhân tài của đất nước và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

100 hiện vật được trưng bày tại đây là phiên bản của các tài liệu, tư liệu, hình ảnh đặc sắc đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Huế… Trong đó có khoảng 50 văn bản tài liệu Hán Nôm thuộc khối Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới lần đầu tiên được công bố và nhiều hiện vật hấp dẫn về chủ đề quan phục triều Nguyễn.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục