Thăng Long - đất rồng bay - chính là biểu tượng kiêu hùng của đất nước Việt Nam. Chỉ còn gần 300 ngày nữa, Thăng Long - Hà Nội sẽ kỷ niệm 1000 năm tuổi, có lẽ vì thế mà những con người với tình yêu Hà Nội nồng nàn đã dâng tặng cho mảnh đất linh thiêng mà hào hoa này những cảm xúc đẹp nhất để tạo nên "bản tình ca" từ hàng trăm hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn mang tên "1000 năm Thăng Long - Hà Nội" trong năm qua.

Bước sang năm 2010, "bản tình ca" ấy tiếp tục vang lên, ngân mãi trong lòng người dân Việt Nam và đọng lại trong ký ức bạn bè quốc tế.

Trăm loài hoa đua nở

Chưa bao giờ Thủ đô có nhiều hoạt động văn hóa tưng bừng, náo nhiệt nhưng cũng không kém phần sâu lắng, đặc sắc như năm 2009. Đầu xuân là chương trình nghệ thuật phục vụ Lễ hội kỷ niệm 220 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa với chủ đề "Cánh đào báo tiệp" và gần đây là "Đêm hội Thăng Long - Hà Nội, hội tụ nghìn năm" nhân kỷ niệm 55 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-2009). Tham gia những lễ hội này, không chỉ những người lần đầu đến Việt Nam mà cả không ít người đã từng sống ở Thủ đô đã có một cảm giác mới lạ về Hà Nội. Anh Pitơ, một du khách người Anh cảm nhận: "Đó là thành phố ẩn chứa trong lòng nhiều câu chuyện lịch sử mang giá trị văn hóa đặc sắc nhưng cũng rất đỗi giản dị, hòa bình và là điểm đến an toàn, thân thiện cho khách du lịch".

Đặc biệt, sau khi mở rộng, không gian văn hóa Hà Nội rộng hơn. Vùng văn hóa Sơn Nam Thượng và xứ Đoài đã điểm tô cho đất Kinh kỳ thêm hương, thêm sắc. Các điệu múa cổ mang linh khí Thăng Long như múa rồng, múa bồng, múa bài bông… đang được các nghệ sĩ nông dân miệt mài khôi phục và truyền dạy. Làn điệu mượt mà của nghệ thuật ca trù đang hưng thịnh trên đất Long Thành, mà theo cách ví von của ca nương Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long thì đó là một trong những lời gọi mời Thăng Long mở hội nghìn năm. Nhà hát Chèo Hà Nội mang hơn 10 vở chèo cổ kể về lịch sử Thăng Long - Hà Nội đi "đánh xứ người" trong Những ngày Văn hóa Hà Nội tại Fukuoka (Nhật Bản), gây được tiếng vang lớn.

Ông Nguyễn Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết: Năm 2009, các đơn vị nghệ thuật của Hà Nội thực hiện được gần 2.300 buổi biểu diễn trong nước, nước ngoài, thu hút xấp xỉ 1 triệu lượt người xem, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh Thăng Long - Hà Nội tới bạn bè trong nước, quốc tế.

Triệu tấm lòng hiến dâng

Cũng theo đánh giá của Sở VH,TT&DL Hà Nội, trong năm bản lề hướng tới Đại lễ, cả nước đã chung tay cùng người Hà Nội xây dựng Thủ đô đẹp hơn, văn minh hơn. Thông qua Quỹ Văn hóa Hà Nội, đã có 19 chương trình, hoạt động đối ngoại được triển khai như liên hoan nghệ thuật "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai"; vận động chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) tài trợ xây dựng khu lưu giữ vật phẩm gửi tới mai sau. Khi đi vào hoạt động, đây sẽ là "bảo tàng" vô giá, không chỉ lưu giữ hiện vật mà còn hàm chứa cả tấm lòng, nhiệt huyết với Thăng Long - Hà Nội của những người đương thời. Ngoài ra, Công ty GM Daewoo Việt Nam đã tài trợ 10.000 USD học bổng cho các học sinh xuất sắc thuộc lĩnh vực âm nhạc, hội họa, múa phục vụ Đại lễ.

Anh Ngọc Minh, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), người đã dành hàng tỷ đồng và 1.000 ngày công để hoàn thành bức "Thiên long Việt đồ", thể hiện bản đồ Việt Nam qua hình tượng 1.000 con rồng bằng vàng khắc in trên gỗ tiến dâng lên Đại lễ, tâm sự: "Giá trị của bức "Thiên long Việt đồ" cũng quý, nhưng thông điệp mà tôi muốn chuyển tải đến bạn bè cả nước thông qua bức tranh còn quý hơn". Thông điệp đó là "Thăng Long - Hà Nội rất đẹp, nước Việt Nam rất đẹp, các thế hệ người Việt Nam hãy gìn giữ và phát huy".

Và đây, giữa lòng Thủ đô Hà Nội, người người, nhà nhà đã, đang và sẽ có những việc làm hết sức cụ thể để thành phố 1000 năm tuổi có giá trị lịch sử, văn hóa sâu sắc nhưng có bộ mặt tươi trẻ như những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi căng tràn sức sống. Bộ mặt ấy được thể hiện thông qua tỷ lệ hộ gia đình, tổ dân phố, khu dân cư, đơn vị đăng ký đạt danh hiệu văn hóa trong năm 2009 tăng 2 đến 5% so với những năm trước. Đó chính là minh chứng sinh động khẳng định nhân dân Hà Nội đã và đang nỗ lực thực hiện Chương trình 08 của Thành ủy về "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh". Sự nỗ lực đó còn được thể hiện rõ hơn qua việc người dân hợp sức, đồng lòng ra quân bóc xóa quảng cáo rao vặt. Và một điều đáng mừng nữa là trong năm 2009, nhân dân đã tự nguyện bỏ ra hơn 238,5 tỷ đồng tu bổ, tôn tạo di tích hướng tới Đại lễ, gần bằng nguồn vốn nhà nước (hơn 272,3 tỷ đồng). Nhờ đó, nhiều di tích, danh thắng trên địa bàn Thủ đô như chùa Trấn Quốc, đền Voi Phục… sẽ trường tồn với thời gian.

Hướng tới ngày Đại lễ

Có thể khẳng định rằng, thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, du khách biết đến Hà Nội nhiều hơn, do đó mặc dù chịu tác động của suy thoái kinh tế thế giới, nhưng lượng khách du lịch đến Hà Nội trong năm vừa qua đạt hơn 10 triệu lượt người, trong đó có 1,3 triệu lượt khách quốc tế, tăng 14% so với năm 2008.

Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL khẳng định: Cùng với việc duy trì hoạt động có hiệu quả các phần việc chuyên môn của ngành, từ nay đến Đại lễ, Sở VH,TT&DL sẽ phát động cuộc thi làm phim ngắn về Thăng Long - Hà Nội; lựa chọn các hiện vật đặt trong các phương tiện lưu giữ những vật phẩm gửi tới mai sau; đồng thời tổ chức trại điêu khắc quốc tế kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; triển lãm ảnh quốc tế về các thành phố 1000 năm tuổi trên thế giới với chủ đề "Xưa và nay" tại Hà Nội…

Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đúc tượng đài Thánh Gióng và thi công các hạng mục công trình phụ trợ; tổ chức lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn. "Một phong trào thi đua lập thành tích kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội sẽ được phát động sâu rộng trong toàn ngành để hoàn thành những phần việc quan trọng đó", lời khẳng định của Phó Giám đốc Nguyễn Khắc Lợi nói lên quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ nặng nề, nhưng đầy vẻ vang trong một năm có ý nghĩa đặc biệt của những người làm văn hóa, du lịch Thủ đô.

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục