Phải thành lập quỹ dịch thuật có sự tài trợ của Nhà nước để tài trợ cho những dự án dịch sách trong điều kiện Việt Nam chưa thực sự là một nền văn học hấp dẫn độc giả thế giới

Tham dự Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, đang diễn ra tại Hà Nội, phần lớn các dịch giả nói họ yêu thích và rất mong được góp phần đưa văn học Việt “xuất ngoại”. Tuy nhiên, xuất khẩu văn học Việt, theo họ, là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự đầu tư dài hạn và những chiến lược cụ thể, khôn khéo.


Từ tình yêu với văn học Việt...


Sau lễ khai mạc với một số tham luận của các đại biểu nước ngoài trình bày những nhận định chung chung về văn học Việt Nam, ngày 6-1, hội nghị chia thành các tổ thảo luận với các chủ đề lớn: Văn học cổ điển, Văn xuôi Việt Nam hiện đại, Thơ Việt Nam hiện đại và Gặp gỡ các nhà văn trẻ.

Tại đây, trong những không gian hẹp hơn, với những đại biểu chọn lọc hơn, những dịch giả, nhà văn quốc tế đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về văn học Việt khiến cho nhiều học giả trong nước phải ngạc nhiên.

Trong bài phát biểu bằng tiếng Việt rất sõi của mình, giáo sư - dịch giả Chúc Ngưỡng Tu đã kể lại những thử thách mà ông gặp phải trên con đường đưa Ông cố vấn (tác giả Hữu Mai) sang Trung Quốc. “Tôi từng 2 lần nếm mùi thất bại trong việc dịch văn học Việt Nam... Tuy thất bại, nhưng tôi cho rằng nguyên nhân chính không phải vì mình dịch dốt, càng không phải vì văn học Việt Nam thiếu tác phẩm hay”.

Say mê cuốn tiểu thuyết của Hữu Mai, giáo sư Chúc đã xin phép nhà văn được dịch ra tiếng Trung, dù không có bất cứ điều gì bảo đảm là bản dịch của ông sẽ được xuất bản. Và sự kiên nhẫn cuối cùng đã được đền đáp. Ông cố vấn, theo giáo sư Chúc Ngưỡng Tu, đến nay vẫn là một trong số rất hiếm hoi tác phẩm văn học Việt Nam được xuất bản thành công ở Trung Quốc.


Một trong ít ỏi tác phẩm văn học Việt được xuất bản ra nước ngoài


Không nói được tiếng Việt, không đọc được tiếng Việt như giáo sư Chúc Ngưỡng Tu nhưng tiến sĩ Gunter Giesenfeld Vorsitzender, Chủ tịch Hội Hữu nghị Đức - Việt, tỏ ra am hiểu sâu sắc về các tác phẩm Việt Nam từng được xuất bản sang Đức.

Trao đổi với phóng viên, ông nói say sưa về các nguồn ảnh hưởng thơ Pháp, thơ Đường trong thơ Chế Lan Viên; về tính triết lý, kỹ thuật kể chuyện mang sắc màu huyền thoại, ngụ ngôn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp; về những cảm xúc thiết tha và những câu chữ trong sáng của Nguyễn Đình Thi... Vorsitzender chia sẻ ông vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những gương mặt mới từ Việt Nam để giới thiệu ra nước ngoài bằng ngôn ngữ Đức.


... Đến những trăn trở


Điều đáng ngạc nhiên tại hội nghị là trong khi phần lớn học giả trong nước mải mê phân tích lan man về các giá trị, các đặc điểm của văn học Việt Nam thì các đại biểu nước ngoài lại có cái nhìn thiết thực hơn. Họ tập trung mổ xẻ những vướng mắc và đề xuất những giải pháp thiết thực trong việc đưa văn học Việt ra nước ngoài.


Nhà thơ Andreij Grabowski, Chủ tịch Chi hội Nhà văn thành phố Krakow, Ba Lan, Tổng Biên tập tạp chí Tia lửa, cho biết Ba Lan và châu Âu nói chung hầu như chưa biết gì về văn học Việt Nam. Và tất cả những gì họ làm được để thể hiện tình yêu và sự thông cảm với một dân tộc như Việt Nam là “mong đợi nhiều tác phẩm hay được dịch sang tiếng Ba Lan”.


Trong bài tham luận mang tựa đề Tình hình giới thiệu văn học Việt Nam tại Hàn Quốc và bài toán của nó, giáo sư tiến sĩ Ahn Kyong Hwan đã nêu lên nhiều giải pháp để giải bài toán được đặt ra.

Theo giáo sư Ahn, Việt Nam và Hàn Quốc cần tận dụng thế mạnh về quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đào tạo lực lượng dịch giả, tổ chức tuyển chọn những tác phẩm thực sự có giá trị, phù hợp với thị hiếu của người Hàn Quốc và thành lập cơ quan Viện Biên dịch văn học Việt Nam.


Dịch giả trẻ Hilary Watts lại quan tâm hơn đến những giải pháp hướng tới đối tượng độc giả trẻ. Theo chị, văn học Việt Nam có thể vươn ra khỏi biên giới bằng những con đường như: du lịch, phương tiện thông tin đại chúng, những buổi giao lưu, đọc sách công cộng, các hội nghị, hội thảo.


Còn những dịch giả như Chúc Ngưỡng Tu, Lady Borton (Mỹ), Anna Gustafsson Chen (Thụy Điển) - những người không chỉ dịch mà còn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất bản phát hành - lại đề cao những điều kiện kinh tế, vật chất trong quá trình đưa văn học Việt ra nước ngoài.

Chính vì vậy, họ gặp nhau ở một đề xuất chung. Đó là phải thành lập quỹ dịch thuật có sự tài trợ của Nhà nước để bước đầu tài trợ cho những dự án dịch sách văn học trong điều kiện Việt Nam chưa thực sự là một nền văn học hấp dẫn độc giả thế giới.


Dù bằng giải pháp này hay giải pháp khác, điều các dịch giả thực sự mong muốn là hãy coi việc xuất khẩu văn học Việt không chỉ là chuyện của riêng dịch giả.

Họ cần được hỗ trợ, cần được giúp đỡ để chỉ chuyên tâm vào việc chuyển ngữ, để không rơi vào tình cảnh lực bất tòng tâm, khi yêu mà không có cách nào chia sẻ tình yêu văn học Việt với những độc giả cùng ngôn ngữ với mình.

 

                                                                        Theo Báo NLĐ

Các tin khác


Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục