Hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2009 vừa diễn ra tại Đà Nẵng với 13 tác phẩm của 11 đơn vị. Nhà hát Trưng Vương luôn kín chỗ ngồi.

Nhà tổ chức phát giấy mời tận các xã, phường, các tổ chức đoàn thể, mời từng hộ dân, mang xe đưa đón tận nơi... để "hâm nóng" sân khấu truyền thống. Hội diễn thành công. Nhưng phía sau cánh gà sân khấu vẫn nhiều nỗi lo toan...

Theo ông Nguyễn Đăng Chương - Cục phó Cục Biểu diễn nghệ thuật (Bộ VHTTDL), khán giả không quay lưng với tuồng, nhưng hiện nay họ có quá nhiều sự lựa chọn các kênh giải trí cũng như có nhiều lý do khác để không đặt chân đến nhà hát tuồng. Trong bối cảnh ấy, các đoàn nghệ thuật, nhà hát và nghệ sĩ  bị rơi vào bi kịch mất khách. Vì vậy, hội diễn sân khấu tuồng và dân ca kịch được tổ chức định kỳ 5 năm một lần để nhắc nhở sự tồn tại của loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc. Đây cũng là dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ.

Phó GĐ Sở VHTTDL Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Chiến cho rằng: "Chính vì không có khán gia, thu nhập từ hoạt động nghệ thuật này quá thấp, nên chỉ có những nghệ sĩ thật sự yêu nghề mới theo nghề đến bây giờ. Nhiều tác giả kịch bản cũng không thiết tha viết cho sân khấu truyền thống. Cái khó này níu cái vướng kia, dẫn nghệ thuật truyền thống đến tình trạng mờ nhạt dần. Vì vậy, để tránh cảnh gần 700 nghệ sĩ các đoàn nghệ thuật tuồng, dân ca kịch toàn quốc về Đà Nẵng, rồi diễn cho nhau xem, ban tổ chức đã công phu phát giấy mời đến tận xã, phường, trường học... tổ chức xe đưa đón khán giả để mỗi đêm diễn đều kín ghế ở Nhà hát Trưng Vương".

Đã nhiều năm vừa qua, Trường Văn hoá  nghệ thuật không tuyển được học sinh theo học loại hình nghệ thuật truyền thống, vì vậy việc duy trì tuồng đã khó càng thêm bế tắc. Về mặt quản lý nhà nước cũng như bản thân các nhà nghiên cứu, hoạt động nghệ thuật này cũng "rối" trong bài toán tồn tại. Nếu giữ tuồng mà chỉ bảo lưu, không sáng tạo, đổi mới thì sẽ không có khán giả đương thời. Giữ mà không phát triển thì vô nghĩa, nhưng phát triển mà đánh mất mình vì chạy theo thị hiếu thì hỏng tuồng.

Nghệ sĩ nhân dân Trần Đình Sanh - GĐ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - cho biết, chính quyền Đà Nẵng rất ưu ái đối với hoạt động nghệ thuật tuồng. Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh là nhà hát truyền thống lớn nhất nước và sáng đèn hằng đêm.
 
Tuy nhiên, mỗi đêm sáng đèn ấy, chỉ có 5-10 phút trích đoạn tuồng, còn lại là các chương trình tạp kỹ. Khán giả là du khách, phần lớn là người nước ngoài. Từ nhiều năm nay, Đà Nẵng luôn nỗ lực để bảo tồn, phát huy và quảng bá nghệ thuật tuồng. Trong đó có tổ chức ngoại  khoá về nghệ thuật tuồng tại 6 trường THPT... Ông Trần Đình Sanh cũng cho biết, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã duy trì được 100 đêm diễn/năm. Khán giả tuy không nhiều, song chất lượng hơn. Qua đó có thêm khá nhiều người hiểu và thích tuồng hơn...

Trong thực tế, ngay với Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng rơi vào tình trạng thiếu nguồn nhân lực, nghệ sĩ kế thừa, chế độ chính sách và tiền lương còn nhiều bất cập, khiến đời sống nghệ sĩ còn lay lắt. Đấy cũng chính là bức tranh chung của các nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật truyền thống trên cả nước hiện nay.

                                                                     Theo Báo Laodong

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục