Hoàng tử, Bạch Tuyết và các chú lùn trong phim.

Hoàng tử, Bạch Tuyết và các chú lùn trong phim.

Bộ phim đầu tiên trong số 4 phim Tết 2010, “Nhật ký Bạch Tuyết”, vừa được ra mắt tuần qua trong sự chờ đợi của báo giới. Song khi xem nhiều người cảm thấy không hấp dẫn như nhà sản xuất quảng cáo, sự hài hước vẫn nhàn nhạt…

Nhiều chiêu thức chọc cười

Xem phim giải trí của Lê Bảo Trung, khán giả luôn bắt gặp các tình huống rượt đuổi, đua xe, té ngã… “Nhật ký Bạch Tuyết” cũng vậy, liều lượng các chiêu thức chọc cười được đạo diễn khai thác triệt để, dường như mỗi cảnh quay đều cố xuất hiện yếu tố hài hước. Dù ý đồ đạo diễn rõ ràng là vậy, song không phải cảnh nào khán giả cũng có thể ôm bụng cười.

Xuyên suốt mạch phim, một số tình huống gặt hái được thành công như “tiếng hát” của Bạch Tuyết đã cứu đói được hoàng tử và các chú lùn trong đêm khuya giữa rừng sâu, lý do là mỗi khi Bạch Tuyết cất tiếng hát thì chim rừng rơi rụng lả tả; tình huống chú lùn “quay phim” sáng tạo nghệ thuật khi dựng một video quay đám ma (chú ta đã vô cùng tâm đắc khi dựng cho chiếc quan tài biến thành 3-4 cái và bay vòng tròn khiến cho gia chủ nổi đóa đuổi thẳng chú ra khỏi cửa)…

Vốn là đạo diễn điện ảnh, Lê Bảo Trung không khó để tạo ra những tình huống mang đậm tính điện ảnh cho chú lùn “quay phim” phô diễn; võ thuật của chú lùn “kungfu” cũng là những chi tiết khiến người xem thích thú. Đây là một chú lùn thực sự trong số 7 chú lùn trong phim, điểm đặc biệt của chú là biết đánh võ, luồn lách khá nhanh và đánh đấm cũng ra trò… Ngoài những yếu tố hài hước thì phim còn được ghi nhận khá thành công ở những yếu tố mang tính kỹ xảo như hiệu ứng đôminô của các giá sách đổ vào nhau, cảnh đua xe mô tô, bay xe qua cổng của Tuyết, cảnh cả một “dây” người treo toòng teng trên không…

Tính cách nhân vật thiếu hấp dẫn

“Nhật ký Bạch Tuyết” là câu chuyện kể về một cô nàng tên là Ánh Tuyết, từ nhỏ vốn say mê truyện cổ tích “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, chẳng may bị một cuốn sách rơi trúng đầu, Tuyết ta bị chấn thương thần kinh và tưởng mình chính là Bạch Tuyết trong câu chuyện cổ tích. Mẹ Tuyết vì thương con nên đã bỏ tiền thuê người đóng giả hoàng tử, các chú lùn, còn bản thân thì biến thành dì ghẻ để cùng Tuyết đóng “vở kịch” với hy vọng con mình dần dần sẽ hồi phục trí nhớ.

Câu chuyện bắt đầu đi theo hướng cổ tích. Nàng Bạch Tuyết cùng hoàng tử và các chú lùn đi phiêu lưu trong rừng; Bạch Tuyết khiến cho hoàng tử cảm động vì tình yêu của nàng; nàng suýt bị bọn xấu hành hung, may mà các chú lùn cứu được. Dì ghẻ thất vọng đuổi các chú lùn để kết thúc truyện cổ tích. Tuyết bị Lùn “vệ sĩ” bắt làm con tin tống tiền và bị nện vào đầu khiến cho tỉnh lại. Trong cơn nguy khốn hoàng tử xuất hiện, sử dụng võ thuật cứu Tuyết và mọi người… Cuối phim, Tuyết nhận ra người làm mình mất trí là Hoàng. Hoàng bỏ trốn để tránh mặt Tuyết. Bộ phim “nàng Bạch Tuyết” do Lùn “quay phim” quay đã được trao giải “Quả tim vàng”. Hoàng coi truyền hình và nhận được thông điệp tình yêu của Tuyết nên đã chạy đến buổi lễ trao giải. Phim kết thúc có hậu với tình yêu của Tuyết và Hoàng…

Lẻ mẻ, rời rạc đó là những gì có thể hình dung về bộ phim. Tất cả giống như những mảnh vỡ được ghép lại để tạo nên một câu chuyện. Điểm thiếu thuyết phục nhất là tính cách các nhân vật. Tuyết (Trúc Diễm) vốn là một cô gái đỏng đảnh, hợm hĩnh nhưng chỉ sau cơn chấn động thần kinh bỗng chốc “tỉnh cơn mê” hóa thành một cô gái hiền lành, đáng yêu. “Hoàng tử” (Vĩnh Thụy) mới chỉ mang vẻ hấp dẫn của ngoại hình, thiếu sự hấp dẫn của nội tâm một nhân vật quân tử, nghĩa hiệp. “Dì ghẻ” (Hồng Vân), một bà mẹ thương con, một hình mẫu của tình mẫu tử thiêng liêng, song nhiều lúc vẫn chưa thoát được vẻ “kịch hóa” trong diễn xuất.

Đặc biệt “Bảy chú lùn” là bảy tính cách, bảy số phận, bảy câu chuyện hấp dẫn nhưng lại chưa được khai thác đầy đủ. Ngoại trừ chú lùn “quay phim” (Tấn Beo) và chú lùn “kungfu” (Lùn mini) tạo được dấu ấn trong vai diễn, các chú lùn còn lại chỉ là sự hài hước lớt phớt bên ngoài. Lùn “thông thái” (Minh Nhí) không có biểu hiện gì của một “con mọt sách”, Lùn “vú” (Kim Chi) ngoài vẻ đỏng đảnh bên ngoài cũng không có gì đặc biệt; Lùn “vệ sĩ” (Trung Dân) chưa đủ nham hiểm, mưu mô, tham lam như tính cách nhân vật phải có; Lùn “mô đồ” (Bạch Long) cũng chỉ gây được tiếng cười bởi chất giọng eo éo của một gã đồng tính, nhưng lại ít đất diễn để có thể đọng lại trong lòng khán giả; Lùn “hip hop” (Minh Thi) không có gì đáng nói. Tình yêu giữa Tuyết và Hoàng là tâm điểm của câu chuyện, thế nhưng cũng không hề thuyết phục. Chẳng có cái gọi là sâu sắc trong mối tình của Hoàng tử - Bạch Tuyết, đủ để họ phải quay quắt vì đau khổ khi rời xa nhau, phải nhớ nhung và bằng mọi cách để tìm về với nhau… Tiếc cho một bộ phim, dù có được sự hài hước, nhưng vẫn nhàn nhạt không đủ đọng lại trong lòng người xem.

 

                                                                              Theo SGGP

Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục