(HBĐT) - Bản Bước, xã Xăm Khòe, huyện Mai Châu nép mình trong những rặng cọ xanh mát bốn mùa. Nằm ẩn mình trong những dãy núi gần như còn giữ được vẻ nguyên sơ, hùng vĩ, người dân bản Bước đang háo hức chờ đón thêm nhiều đoàn khách du lịch đến thăm quan trong năm 2010.

 

Ngồi bên cửa vóng rót chén nước chà xanh mời khách, ông Hà Văn Soái, Trưởng xóm Bước tươi cười giới thiệu: Mấy tháng nay, nhiều đoàn khách đã tìm đến và nghỉ tại bản. Chúng tôi đang làm quen dần với việc tổ chức các hoạt động văn hóa tiếp đón du khách đến tham quan. Các cô gái Thái sau những giờ đồng áng thì tập trung ở nhà văn hóa để tập những bài hát, điệu múa truyền thống. Các chàng trai thì miệt mài tìm cây tre già vót cung tên, làm những vật dụng, trò chơi dân gian để giới thiệu và bán cho du khách.

 

Bản Bước nằm dưới chân núi Pù Sung, có dòng suối Sia chảy qua xóm. Cuối năm 2007, bản Bước đã được huyện chọn để triển khai thực hiện Dự án “Bản người Thái gắn với du lịch”. Đây là mô hình “du lịch cộng đồng”, gắn liền khai thác với tôn tạo, bảo tồn vẻ đẹp thiên nhiên cùng các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Thái. Dự án đã tập trung hầu hết các hộ dân về thành một khu gọn gàng, ngăn nắp. Xây dựng hệ thống giao thông, nước sinh hoạt, sân vui chơi, bãi để xe...

 

Ông Hà Văn Soái kể lại: Trước đây, 68 hộ dân của xóm sống dải rác dọc theo con suối Sia. Cả xóm có trên 300 khẩu, nhưng chỉ có 7,6 ha ruộng trồng lúa nước. Ngoài ra bà con còn trồng rừng, nhưng thu nhập chẳng được nhiều, cái đói, cái nghèo thường xuyên ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đặc biệt là vào các mùa mưa, lũ, người dân sống ven suối thường bị lũ cuốn trôi tài sản, hoa màu. Năm nào cũng có hộ phải nhận cứu trợ của xã, huyện. Xa trung tâm huyện, giao thông đi lại khó khăn nên sản xuất của người dân chưa thành hàng hóa, tham gia vào công tác khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng cũng chỉ giữ được môi trường sinh thái.

 

Thế nhưng, cũng chính vì giữ được môi trường sinh thái của rừng, cùng với đó là bản sắc văn hóa của người dân vẫn được gìn giữ, bảo tồn nhiều phong tục, tập quán riêng có đã trở thành tài sản vô giá. Để rồi, một dự án mới được đầu tư, mở ra một cơ hội hiếm hoi cho bản Bước. Dự án với cái tên “Đầu tư cơ sở hạ tầng bản Thái gắn với du lịch” có tổng vốn đầu tư khoảng 7 tỷ đồng đã được triển khai thực hiện.

 

Phải chuyển toàn bộ tài sản, nhà cửa đến một vị trí mới, trong khi dự án chỉ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, mức hỗ trợ di chuyển cho mỗi hộ dân khoảng 1,5 triệu đồng đã làm không ít hộ dân phải suy nghĩ, đắn đo. Người dân băn khoăn một điều là, đến nơi ở mới, không biết có thu hút được khách du lịch đến bản không? Thiếu đất sản xuất thì biết lấy gì để làm ăn? Để giải đáp thắc mắc đó của người dân, huyện đã tổ chức cho dân đi thăm quan một số bản người Thái trong và ngoài tỉnh đang phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả.

 

Sau chuyến đi này, 12 đảng viên của xóm đã tự nguyện chuyển nhà đầu tiên đến nơi ở mới. Người đi đầu là ông Hà Văn Thơ (khi đó ông Thơ đang làm Trưởng xóm). Ông được sự giúp đỡ của anh em, họ hàng, bạn bè trong xóm dỡ nhà, vận chuyển tài sản và dựng lại ngôi nhà mới. Thấy ông Thơ chuyển nhà thuận lợi, mọi người cũng tự nguyện làm theo. Các hộ phân chia nhau theo hình thức tổ đổi công để giúp đỡ những hộ chuyển nhà. Cứ lần lượt như vậy, đến đầu năm 2009, toàn bộ hộ dân trong bản đã hoàn thành việc di chuyển nhà, tài sản đến nơi ở mới. Đồng thời, tạo thuận lợi cho đơn vị thi công xây dựng hạ tầng cơ sở của xóm. Đến nay, cuộc sống của người dân đã cơ bản ổn định, nhiều hạng mục công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

 

Ông Hà Văn Soái cho biết: Sau khi chuyển đến nơi ở mới, chúng tôi vẫn giữ nguyên nếp nhà sàn truyền thống và những nét sinh hoạt vốn có. Đó là tập quán canh tác lúa nước, làm nương, những công cụ lao động sản xuất rất đặc trưng như cọn nước, gùi, thố… Bản thành lập thêm đội văn nghệ luyện tập các bài hát, điệu múa dưới sự chỉ bảo, hướng dẫn của người già.

 

Đến nay, Bản Bước đã đón nhiều đoàn khách đến tham quan, trong đó có cả đoàn khách nước ngoài. Đây là điều chưa từng thấy ở bản trường kia. Anh Hà Văn Trân phấn khởi: Gia đình tôi và bà con dân tộc Thái trong bản rất vui khi được chính quyền đầu tư khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng. Tham gia Dự án này, trong tương lai không xa thu nhập của gia đình sẽ nâng lên. Hơn nữa, chúng tôi đã trực tiếp góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình”.

 

Anh Nguyễn Anh Tuấn, hướng dẫn viên của Công ty lữ hành Hà Nội cho biết, đây là lần thứ 2 anh đưa khách đến thăm bản Bước. Tâm lý của khách là muốn thăm những vùng dân cư còn giữ nguyên vẹn nếp sống truyền thống, gắn liền với đó là có hệ sinh thái phong phú để họ được thư giản, trải nghiệm, khám phá. Bản Lác, Bản Văn cũng đáp ứng được điều đó, song vì khách đã đến một vài lần, nên sức hấp dẫn không còn nhiều nữa. Bản Bước được đưa vào khai thác du lịch đã mở ra địa điểm mới để các công ty du lịch đưa khách đến thăm quan nhiều hơn ở huyện Mai Châu.

 

                                                                    Ngọc Vinh

 

Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục