Nhạc sĩ viết hòa âm phối khí là những người sáng tạo thầm lặng, là cầu nối quan trọng nhất giữa nhạc sĩ sáng tác ca khúc và ca sĩ nhưng chính họ là người bị xâm hại quyền tác giả nhiều nhất

Lâu nay, người thưởng thức âm nhạc khi nghe qua một ca khúc họ thường quan tâm đến giọng hát ca sĩ, đôi khi tìm hiểu thêm tên người sáng tác, ít ai để ý rằng đoạn nhạc dạo đầu (intro) cũng như âm nền toàn bộ ca khúc là do nhạc sĩ hòa âm phối khí sáng tác dựa trên văn bản của nhạc sĩ viết ca khúc. Không có họ thì bản nhạc viết ra giấy chỉ là tác phẩm vô hồn.


Chắp cánh cho ca khúc và ca sĩ


Khi nghe một đoạn dạo chưa đến 10 giây của các ca khúc quen thuộc, người yêu âm nhạc đã nhận biết ngay ca khúc mình đang nghe là bài gì do đoạn dạo đầu ấn tượng gắn liền với ca khúc mà người nghe yêu thích.

Để phối một ca khúc hay, điều kiện đầu tiên cần thiết cho nhạc sĩ hòa âm, phối khí là ngoài năng khiếu, lòng say mê, họ còn phải thành thạo ít nhất một nhạc cụ, tự tìm tòi học hỏi hoặc được đào tạo bài bản môn hòa âm, biết rõ tính năng, âm vực, kỹ năng sử dụng từng nhạc cụ. Và quan trọng hơn vẫn là cảm xúc (một ca khúc hay, người phối âm vẫn thích hơn), kỹ năng sáng tác.


Trước khi hòa âm, họ nghiên cứu rất kỹ ca khúc, bởi có rất nhiều thủ pháp để hòa âm. Những câu intro thường dựa trên nét nhạc của tác giả rồi biến tấu thêm; dựa vào lời của ca khúc rồi viết thành đoạn nhạc có ngôn ngữ âm nhạc tương ứng; dựa vào tinh thần của ca khúc viết thành đoạn nhạc có chất liệu mới nhưng sao cho vẫn phù hợp...
Còn cách đặt hòa âm cũng tùy theo sở thích mỗi người nhưng phải theo tiến trình hợp lý và cảm xúc, tạo cầu nối khoảng cách giữa hai đoạn nhạc, cách diễn đạt từng nhạc cụ...


Nhạc sĩ Đức Trí, một trong những nhạc sĩ viết hòa âm đắt hàng nhất hiện nay. Ảnh: C.T.V


Sau khi họ làm xong, tổng phổ được hình thành (tổng phổ là văn bản nhạc được ghi hòa âm và nội dung thể hiện từng nhạc cụ trên cùng một trang giấy), phân phối đến từng thành viên của ban nhạc để thực hiện thu âm (thường các bản tổng phổ của các nhạc sĩ hòa âm ca khúc ở TPHCM rất đơn giản, chỉ có hợp âm và vài dòng ghi nhạc cụ ở đoạn dạo đầu, giang tấu, kết và nhạc công thể hiện thường là ê kíp rất hiểu ý người phối).


Một bài phối hay sẽ làm ca khúc thêm thăng hoa, bay bổng, ca sĩ sẽ thể hiện bài hát sâu sắc, tình cảm hơn và dễ tìm sự đồng cảm ở người nghe. Vì thế, công việc sáng tác của các nhạc sĩ hòa âm phối khí không phải nhạc sĩ viết ca khúc nào cũng làm được và họ cũng được pháp luật Nhà nước bảo hộ theo các quy định về quyền tác giả.


Quyền và lợi đều bị xâm hại


Gần đây, qua thông tin của báo chí, giới nhạc sĩ hòa âm xôn xao việc Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho ông Trần Việt Hùng là tác giả phần phối âm phối khí với số lượng 3.000 bài midi karaoke (đang có tranh chấp).

Nhân việc này các nhạc sĩ hòa âm mới biết mình là tác giả phần hòa âm phối khí của rất nhiều ca khúc đã bị xâm hại và nói lên sự thiệt thòi của họ từ bấy lâu nay, như lời nhạc sĩ Bảo Chấn tâm sự: “Khi nhận lời mời viết phối âm cho các đơn vị sản xuất đĩa nhạc hay ca sĩ, thường chúng tôi chỉ ký tên trên giấy nhận tiền sau khi xong việc, chứ không quan tâm đến quyền tác giả của mình đã được pháp luật bảo hộ.

Chỉ nghĩ đơn giản là “mua đứt, bán đoạn” và theo “trật tự” thì mình là người đứng sau nhạc sĩ viết ca khúc nên không quan tâm đến hình thức sử dụng của chủ sở hữu như thế nào. Các nhà sản xuất nên “tử tế” với chúng tôi hơn bởi các nhạc sĩ sáng tác ca khúc khi được sử dụng tác phẩm trong chương trình biểu diễn hoặc trong các hình thức sử dụng khác thì được nhận tiền bản quyền còn chúng tôi thì không, mặc dù họ cũng như chúng tôi đều sáng tác như nhau”.


Đó là quyền tài sản, còn quyền nhân thân của nhạc sĩ hòa âm phối khí thường bị xâm phạm nhiều nhất. Các đơn vị tổ chức biểu diễn, các đài truyền hình, phát thanh... khi sử dụng tác phẩm âm nhạc đã được hòa âm phối khí hiếm hoi lắm mới giới thiệu tên nhạc sĩ hòa âm phối khí trước công chúng, chưa nói là bài phối của họ bị nhiều nơi sử dụng tùy tiện, không xin phép, cũng như không trả tiền.

Các cơ quan, đơn vị thu hộ tác quyền cho nhạc sĩ sáng tác ca khúc chứ chẳng ai quan tâm đến tác giả phần hòa âm phối khí. Như vậy sự thiệt hại của giới nhạc sĩ sáng tác bản hòa âm quá lớn, trong khi đó công sức đóng góp của họ không nhỏ để đưa được một ca khúc trên văn bản ra thị trường âm nhạc.

Phải biết tự bảo vệ mình theo luật

Mặc dù đã được Nhà nước bảo hộ nhưng theo thói quen, những nơi sử dụng ca khúc để làm chương trình ít khi họ quan tâm đến nhạc sĩ hòa âm phối khí.

Nhà sản xuất có quyền giao dịch dân sự các bản ghi âm do mình là chủ sở hữu (vì là người trực tiếp đầu tư nên nhạc sĩ hòa âm chỉ còn quyền nhân thân) nhưng nơi nào sử dụng lại các bài phối của nhạc sĩ hòa âm thì phải trả tiền tác quyền và không được tự ý sửa đổi tác phẩm mà họ đã sáng tạo, dù chỉ một nốt nhạc.


Để tạo thành “thói quen”, các nhạc sĩ hòa âm phối khí cũng nên “mạnh dạn” đòi hỏi quyền lợi của mình giống như quyền lợi của nhạc sĩ sáng tác ca khúc, trước khi thực hiện công việc; mạnh dạn yêu cầu nơi sử dụng bài phối của mình phải xin phép tác giả và thanh toán tiền bản quyền hòa âm phối khí đúng pháp luật.

Nếu xảy ra tranh chấp có liên quan về bản quyền hòa âm phối khí thì nhạc sĩ hòa âm mới chính là người có đủ năng lực, hành vi để đòi lại sự công bằng cho chính mình, trước công lý.

 

                                                                                Theo NLĐ

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục