Dòng nhạc âm hưởng dân ca ngày càng hiếm những ca khúc hay. Những ca khúc mang phong cách dân gian hiện đại sau một thời gian tung hoành thể nghiệm trong sân chơi Bài hát Việt cũng bắt đầu “hụt hơi”?

Âm nhạc dân tộc (ANDT) Việt Nam là một phần trong văn hóa dân gian cổ truyền của Việt Nam, trải qua mấy ngàn năm trầm tích, tiềm ẩn vô cùng tận. Đừng cho rằng âm nhạc dân gian đã bị khai thác cạn kiệt. Nói như thế là chưa hiểu hết trữ lượng của quặng mỏ quý giá này, hoặc có khi chỉ thấy lớp đất mặt mà không thấy kho trầm tích dưới sâu.


Ca sĩ Cẩm Ly một trong số ít ca sĩ hát nhạc mang âm hưởng dân ca. Ảnh: T.Thạnh


 Chạy theo khai thác hình thức


Hiện nay, khuynh hướng phát triển dòng âm hưởng dân ca phổ biến tại nước ta đi theo hai hướng khác biệt rõ rệt. Hướng phát triển đậm đặc là những sáng tác sử dụng chất liệu dân gian với cách khai thác sâu chất liệu của vài điệu thức vùng miền  khu biệt với mật độ dày, ví dụ như thiên về khai thác ca trù, khiến đôi khi làm thiếu đi sự phong phú của các làn điệu khác của ANDT.

Ngoài ra, cách vận dụng “đậm đặc” này khiến tác phẩm có vẻ nặng nề nên công chúng khó cảm thụ một cách dễ dàng và tự nhiên. Vài năm gần đây, một số tác giả trẻ nỗ lực sáng tạo theo phong cách được gọi là “dân gian đương đại”, đây là những cố gắng  thể nghiệm đáng trân trọng.

Tuy nhiên, một số ca khúc mang nhiều yếu tố hiện đại và cầu kỳ trong hình thức âm nhạc, giai điệu, cấu trúc, phối khí... đôi khi mang nặng yếu tố phô bày học thuật khiến tác phẩm mất đi vẻ bình dị cố hữu của âm nhạc dân gian và vì thế độ phổ cập và thẩm thấu nơi người nghe cũng  trở nên hạn chế.


Hướng phát triển nhạt nhòa thường là những ca khúc được một số tác giả phát triển rộng rãi ở phía Nam, tuy rộng rãi nhưng tính đặc trưng không rõ rệt. Đó là những ca khúc có hơi hướng của một chút ngũ cung, thường có nội dung là chuyện tình yêu đôi lứa nhuốm màu chia ly, buồn bã.

Âm hưởng ngũ cung này thường gần với hơi “oán” của dân ca Nam Bộ- còn rất thiếu sự khai thác các điệu thức phong phú khác của dân ca Nam Bộ-cùng với khúc thức đơn giản, đôi khi có phần nghèo nàn về giai điệu khiến hàng loạt ca khúc này có màu nhàng nhàng tương tự nhau. Vì thế, thiếu tính đặc trưng và sắc nét. Thậm chí, có những ca khúc mâu thuẫn về điệu thức vùng miền trong cùng một bài hát về một địa phương nhất định.


Sở dĩ phân tích khái quát hai hướng trên để thấy dường như chúng là hai nhánh, hai hướng khác nhau của thân cây âm nhạc dân tộc; chưa thật sự hòa hợp với  đặc trưng của âm nhạc dân gian là tính bình dị, quảng đại nhưng thâm thúy, tinh tế- hòa quyện trong đó là hồn cốt hơi thở của thiên nhiên, đồng ruộng, đất trời... gắn bó với tâm cảm của người dân Việt hiền hòa, giản dị và hồn hậu, đó cũng là nét đặc trưng của tâm hồn người dân một nước nông nghiệp.

Vì thế, hai khuynh hướng trên dường như phát triển chỉ ở hình thức âm nhạc, bề nổi, ở cành lá... còn thân cây, cội rễ thật sự vẫn chưa có sự khai thác và phát triển đúng mức, nghĩa là những ca khúc âm hưởng dân gian phải thực sự nói lên được những rung động nồng nàn, những nỗi niềm tiềm ẩn trong tâm hồn người Việt bằng ngôn ngữ âm nhạc bình dị nhưng thâm thúy và tinh tế. Như thế mới có thể tìm gặp sự đồng cảm rộng rãi và gắn bó bền lâu của quần chúng.


Phải hòa quyện tính dân tộc và hiện đại


Làm thế nào để kết hợp tính dân tộc và hiện đại, giữa bản sắc âm nhạc Việt và trào lưu đương đại thế giới một cách hợp lý. Đầu tiên cần phải hiểu thấu đáo về ANDT, văn hóa dân gian cũng như am hiểu về những trào lưu đương đại thế giới.

Bởi nếu sự hiểu biết không thấu đáo thì sản phẩm được tạo ra mang tính hỗn tạp, không thể nhận ra được bản sắc của nó. Nếu không nắm vững về ANDT Việt Nam mà vội hòa nhập có khi sẽ làm biến dạng hoặc đánh mất bản sắc âm nhạc Việt của mình, bị hút vào cái của người mà mất cái của ta...


Âm nhạc cổ truyền và dân ca Việt Nam có vô vàn làn điệu phong phú của nhiều vùng miền; mỗi một điệu thức đều chứa đựng một thang âm (scale) của riêng nó; chưa kể những điệu thức tam âm, tứ âm... khu biệt. Ngoài ra, với sự sắp xếp và phát triển khéo léo các bậc (quãng), những đặc điểm hoa mỹ nhấn, rung, mổ... của ANDT, ta sẽ tạo ra được những giai điệu bay bổng, độc đáo mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.

Những thủ pháp trên đã được những nhạc sĩ tiền bối áp dụng và tạo nên những tác phẩm mang giai điệu phong phú tuyệt vời và thuần chất âm nhạc Việt.


Để mang hơi thở đương đại thì phần hòa âm, phối khí có thể vận dụng những nghệ thuật âm thanh của thế giới, từ cổ điển, thính phòng đến những trào lưu đương đại (thậm chí dùng cả loop, effect sounds- hiệu ứng âm thanh...) tạo nên một background (phông nền) đầy đặn, một bệ đỡ tôn vinh phần giai điệu thuần Việt lên, theo tôi cách kết hợp như thế là hợp lý –vừa mang hơi thở đương đại vừa tôn vinh bản sắc âm nhạc Việt. Thậm chí, khi không có nhạc đệm, chỉ cần nghe giai điệu, người nghe đã biết đó là âm nhạc Việt Nam.


Từ thời đầu của nền tân nhạc Việt Nam, đã có những nhạc sĩ dấn thân vào khai thác và phát triển kho tàng âm nhạc cổ truyền, dân ca Việt Nam và tạo ra những tác phẩm tuyệt vời bám chặt vào những điệu thức Việt. Như đã nói ở trên, kho tàng âm nhạc ấy là vô cùng vô tận, rất cần thêm nhiều nghệ sĩ khai thác và phát triển nó. Chỉ tiếc rằng, có những người vì sợ có nét giống cha anh mình mà cố tình làm sao cho dung mạo mình khác đi, thậm chí  biến dạng hình thù.

 

                                                                            Theo Báo NLĐ

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục