Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam.

Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam.

Mừng Ðảng, mừng Xuân, hướng tới Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị liên quan tổ chức Triển lãm "Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam" từ ngày 29-1 đến 3-2, tại Trung tâm Triển lãm văn hóa - nghệ thuật Việt Nam, số 2 Hoa Lư, Vân Hồ (Hà Nội). Cuộc triển lãm có quy mô lớn, giới thiệu một cách toàn diện những giá trị độc đáo và sức sống hiện đại của kho tàng nhạc cụ quý giá ông cha ta để lại.

Phần trưng bày chung giới thiệu khái quát về văn hóa và âm nhạc tộc người, nhấn mạnh tính dân gian của nhạc cụ truyền thống thể hiện bản sắc văn hóa vùng và tộc người trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Từ đó triển lãm đi sâu, giới thiệu nhạc cụ truyền thống của từng vùng văn hóa: Nhạc cụ truyền thống vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ. Âm nhạc truyền thống luôn gắn với đời sống người Kinh từ trong sinh hoạt đời thường đến các lễ hội và các loại hình nghệ thuật: Rối nước, chèo, chầu văn, hát xẩm, quan họ... Phần trưng bày này tập trung làm nổi bật đặc trưng văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ với sưu tập con rối trong múa rối nước và các loại nhạc cụ: Ðàn bầu, sáo trúc, đàn nguyệt, đàn tranh, trống, nhị, phách; các loại nhạc cụ hát chèo: Trống đế, đàn nhị, đàn hồ, sáo, tiêu; nhạc cụ hát ca trù: Phách, đàn đáy, trống chầu; nhạc cụ dùng trong hát văn: Ðàn nguyệt, phách, thanh la, trống chầu. Nhạc cụ truyền thống các tộc người vùng thung lũng và núi cao phía bắc: Thung lũng là địa bàn sinh sống của các dân tộc Tày, Thái, Nùng, Mường, Lào, Lự, Sán Chay, Hoa, Ngái, Sán Dìu... Vùng núi cao phía bắc là địa bàn cư trú của các dân tộc Mông, Dao, Pà Thẻn, Pu Péo, Cờ Lao, La Chí, La Ha, Lô Lô, Phù Lá, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Si La... Nghệ thuật dân gian và âm nhạc của các tộc người này khá phong phú, đa dạng và là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày cũng như vào các dịp lễ hội. Nhạc cụ của các tộc người vùng thung lũng và núi cao phía bắc độc đáo và đặc sắc. Nội dung trưng bày gồm: Cây đàn tính sử dụng trong âm nhạc và nghi lễ tôn giáo của người Tày; trống tang sành của người Sán Chay; khèn bè của các tộc người Thái, Lào, Lự; thanh la, não bạt, trống, kèn, chuông lắc, khèn, sáo, nhạc sóc, não bạt, chuông lắc, lềnh phài... của các tộc người Tày, Mông, Dao, Lô Lô... Nhạc cụ truyền thống các dân tộc vùng duyên hải miền trung thể hiện đặc trưng văn hóa vùng duyên hải miền trung. Phần trưng bày thể hiện hình tượng tháp Chăm, không gian lễ hội Ka tê, biểu tượng Linga - Yoni, trưng bày các loại nhạc cụ điển hình: Trống Paranưng, trống Ghi-năng, kèn Saranai... Nhạc cụ truyền thống vùng Trường Sơn, Tây Nguyên: địa bàn sinh sống của các tộc người: Ơ Ðu, Bru, Vân Kiều, Co, Cà Tu, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Ðăng, Cờ Ho, Mạ, Mnông, Xtiêng, Gié Triêng, Chơ Ro, Rơ Măm, Brâu, Gia Rai, Ê Ðê... Các tộc người vùng Trường Sơn, Tây Nguyên đã sáng tạo ra nhiều nhạc cụ phong phú, không chỉ sử dụng trong những dịp lễ hội mà trong cả sinh hoạt đời thường. Ðiển hình là cồng, chiêng, trống, sáo đinh năm, kèn sừng trâu, đàn t'rưng... Ðặc biệt, vùng đất Tây Nguyên nổi tiếng với nhạc cụ cồng, chiêng được hòa tấu trong các nghi lễ và vũ điệu cộng đồng. Ngày 25-11-2005, Không gian Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhạc cụ truyền thống các tộc người vùng Nam Bộ, nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer Nam Bộ và Chăm. Nhạc cụ của người Khmer Nam Bộ đa dạng, tiêu biểu là dàn nhạc ngũ âm gồm có năm âm thanh được đồng bào sử dụng trong các dịp múa hát dân ca, các dịp lễ, Tết. Phần lớn người Hoa ở Việt Nam cư trú ở TP Hồ Chí Minh, có nền nghệ thuật dân gian phong phú. Nhạc cụ của người Hoa gồm có: Sáo, kèn, hồ, nhị, đàn tì bà, tam thập lục, trống, thanh la, não bạt... Giới thiệu các loại nhạc cụ truyền thống đã qua cải tiến và nhạc cụ mới: Các loại nhạc cụ truyền thống đã cải tiến: đàn nhị, đàn tì bà, đàn nguyệt, đàn bầu điện, đàn K'lôngpút theo hệ thống 7 âm, đàn t'rưng 3 dàn theo hệ thống 12 âm, đàn t'rưng cải tiến của NSND Ðỗ Lộc, sáo trúc cải tiến theo hệ thống 12 âm, đàn Tứ Trầm điện theo kiểu Ghi-ta-bat (nhạc cụ điện tử), sáo Mông cải tiến của NSND Kim Vĩnh (Lào Cai), đàn tranh cải tiến của NSND Ðỗ Phương Bảo... Các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Sơn La, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Ðác Lắc, TP Hồ Chí Minh đều có khu trưng bày riêng thể hiện bản sắc văn hóa của địa phương mình. Trong các gian trưng bày nhạc cụ đều có biểu diễn một số nhạc cụ tiêu biểu. Ðặc biệt trong thời gian triển lãm có hai chương trình biểu diễn lớn: Chương trình biểu diễn nhạc cụ truyền thống chào mừng 80 năm Ngày thành lập Ðảng được tổ chức tại Nhà hát Lớn, Hà Nội vào 19 giờ 30 phút ngày 1-2 với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật đến từ các tỉnh, thành phố. Ðây là chương trình nghệ thuật lựa chọn các tiết mục đặc sắc mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc của các vùng, miền, người tham gia là các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công chuyên hoặc không chuyên tại các địa phương với các hình thức biểu diễn ca múa nhạc dân tộc, trình diễn nhạc cụ dân tộc... Tổ chức thi biểu diễn nhạc cụ truyền thống dành cho thiếu niên: Ban Tổ chức phối hợp với Báo Thiếu niên Tiền phong và Quỹ học bổng Vừ A Dính tổ chức trong hai ngày 30 và 31-1. Ðối tượng dự thi là tất cả các em thiếu niên từ 10 đến 15 tuổi không phân biệt nam nữ, dân tộc có khả năng biểu diễn một trong các nhạc cụ dân tộc: đàn nhị, đàn tranh, sáo và tiêu, đàn bầu, đàn nguyệt, đàn t'rưng, khèn, kèn bầu, đàn tính, dàn trống, cồng chiêng, đàn đá, đàn klông-pút, kèn lá, đàn môi...


                                                                                     Theo ND

Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục