Có một Hà Nội với những mái ngói rêu phong, những cô nàng yếm thắm trễ nải, những ông đồ mực tàu giấy đỏ, những con phố cổ kính, hiển diện và đầy gợi nhớ trong triển lãm "Để nhớ về một Hà Nội xưa" của Tạp chí Xưa và Nay.

Gần 100 bức ảnh ta đã từng bắt gặp đâu đó trong cuộc sống hàng ngày, trên các trang web hay trong các bộ sưu tập của những người yêu Hà Nội được chú giải cẩn thận và ấn tượng khiến người xem bất ngờ và suy ngẫm về một Hà Nội đã từng như thế…

Bất ngờ từ những tấm ảnh xưa

Một Hà Nội từ trên cao với những mái ngói xô nghiêng từng đi vào nhạc của Phú Quang được chụp từ góc nhìn cao nhất trên Nhà hát Lớn. Phía xa xa là chợ Đồng Xuân, nơi mà năm 1890, chính quyền thành phố đã xây năm nhịp lợp mái tôn. Sau chợ là ống khói của nhà máy sợi. Bức ảnh tái hiện rõ hình ảnh 36 phố phường Hà Nội xưa với những mái ngói rêu phong rất đặc trưng, khiến người xem có những ý tưởng lãng mạn về việc bảo tồn một khu phố cổ của Hà Nội hôm nay.

Một Hà Nội trong cây cầu Một Cột (có lẽ chụp từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) với cây cột cao lớn, mái ngói cong vút, những bậc thang xây lẫn trong những bờ cỏ lúp xúp. Chùa Một Cột hiện rõ trong không gian kiến trúc cổ xưa cho thấy tầm vóc và vị thế của nó trong thời điểm đó.

Chợ Đồng Xuân với những nét cổ kính tấp nập người đi lại. Đầu thế kỷ XX, chợ Đồng Xuân trở thành khu chợ lớn nhất Hà Nội và được coi là biểu tượng của Kẻ Chợ xưa. Sau những biến động của lịch sử, khu chợ không còn mấy dáng vẻ xưa.

Trong khi đó, một bức ảnh khác cho thấy cảnh chen chúc tấp nập trên cầu đón giao thừa năm 1952 hay cảnh chợ hoa ngày Tết trên chợ Đông Xuân, rộn ràng kẻ bán người mua khiến người xem thích thú bởi họ có thể tìm thấy những nét gần gụi trong cuộc sống hôm nay.

Nhưng có lẽ bất ngờ lớn nhất, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, người có công sưu tập và viết lời chú giải cho những bức ảnh, đó là những khám phá thú vị về cuộc sống, sinh hoạt của người Hà thành xưa.

Những cô gái người mẫu với vẻ đẹp mặn mà "khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang", những người đàn ông áo the khăn xếp, những người đàn bà áo dài vạt ngắn, có khi chỉ mặc yếm, có vẻ ngơ ngác trước ống kính. Hầu hết họ đều đang làm việc trong các phố làng nghề, đúc đồng, bán chữ, se đường để làm bánh mứt kẹo…

Bất ngờ hơn nữa là bức ảnh chụp các người mẫu mặc yếm thắm, có khi chỉ là chiếc áo vạt chéo, có phần táo bạo và gợi cảm, khiến người xem liên tưởng đến hình ảnh, "Yếm đào trễ xuống dưới lưng ong" của Bà chúa thơ Nôm, Hồ Xuân Hương.

Một Hà Nội đã mất...

Một Hà Nội trong cố tích khi còn mang tên Thăng Long với những dấu tích xưa của chùa chiền, của cầu cống, của lối xưa xe ngựa, giờ không còn bóng dáng trong nhịp sống ồn ào hiện đại. Hà Nội ấy, hoang phế và chỉ còn là dấu tích, "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương". Và một kinh thành Thăng Long phồn hoa đô hội với những phố làng nghề tấp nập người lại qua, những con đường được kiến trúc theo lối cửa ô của Thăng Long Kẻ chợ với đa dạng các nghề đúc đồng, bạc, thiếc... giờ chỉ còn phảng phất đâu đó trong những góc phố chật hẹp.

Cái tên Hà Nội đã có chừng 170 năm tuổi và trong khoảng thời gian gần hai thế kỷ ấy, Hà Nội vẫn âm thầm thay đổi theo biến động của thời cuộc và trở thành một thành phố hiện đại như hôm nay. Khi vua Đồng Khánh trao cho Pháp quyền thành lập một "thành phố nhượng địa", Hà Nội thực sự có những chuyển biến mạnh mẽ.

Người Pháp đã ghi dấu ấn của mình bằng những công trình kiến trúc, những đường sá, cầu cống, cho thấy một Hà Nội hiện đại văn minh. Những Nhà hát Lớn, chợ Đồng Xuân, những trụ sở làm việc... Tuy nhiên, thời đó Hà Nội vẫn gọn gàng ngăn nắp trong từng góc phố, Hà Nội thời đó vẫn giữ được những nét thâm trầm cổ kính, những công trình kiến trúc xưa, những phong tục tập quán cũ, Hà Nội đó là sự phát triển song hành của truyền thống và hiện đại.

Những bức ảnh chụp thời đó cho thấy Hà Nội ngày nay đã thay đổi quá nhiều, có những con đường, những góc phố, những chùa chiền gần như chỉ còn lại là dấu tích. Sự thay đổi có khi là vui mừng nhưng cũng làm ta không tránh khỏi ngậm ngùi, khi Thăng Long - Hà Nội đã có một bề dày văn hóa hằng ngàn năm tuổi nhưng vẻ đẹp cổ kính của nó chỉ còn lại là những trầm tích.

Cái mái ngói xô nghiêng được chụp trên nóc nhà hát ấy khiến người xem ngậm ngùi và ngay cả người làm công tác sưu tập cũng cảm nhận được nỗi bâng khuâng đó khi chua thêm một câu: "Nếu ngày hôm nay hướng ống kính theo góc chụp của người xưa, liệu còn lưu lại được bao nhiêu hình ảnh mái ngói rêu phong như thế?".

Rồi những đền chùa, những công trình kiến trúc đã bị phá bỏ, hay trùng tu, nhưng không giữ được yếu tố gốc, đã làm mất đi nét thâm trầm cổ xưa, vốn là vẻ đẹp riêng của thành phố đã hàng ngàn năm tuổi.

Nhưng có lẽ, những thay đổi lớn lao nhất là con người, cái làm nên hồn cốt của Hà Nội, với những nếp sống, phong tục, đã biến đổi và rơi rớt sau ngần ấy thời gian.

Người xem không tránh khỏi ngậm ngùi về một Hà Nội đã mất. Sự phát triẻn của đời sống đô thì đang làm thay đổi bộ mặt của Hà Nội từng ngày, xem những bức ảnh cũ để hiểu hơn về vẻ đẹp của Hà Nội xưa, và may chăng, giúp chúng ta yêu và biết gìn giữ Hà Nội hôm nay

                                                                              Theo Báo CAND


Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục