Giáp Tết Canh Dần, tôi có dịp về quê với bộn bề công việc của gia đình, họ tộc. Song tôi cũng tranh thủ ít thời gian ngắn ngủi gặp gỡ trò chuyện cùng Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Lan Hương (ảnh), để được nghe cảm xúc của một liền chị đã có nhiều tâm huyết gắn bó với dân ca quan họ, nhân dịp quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận: Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

 

Nghệ sĩ Ưu tú Lan Hương

Nghệ sĩ Ưu tú Lan Hương kể rằng: Hôm đó là ngày 2-12-2009, Lan Hương đang ở TPHCM, vừa sáng sớm đã nhận được tin từ Bắc Ninh gửi vào: Dân ca quan họ Bắc Ninh chính thức được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Và hầu như cùng lúc trên máy điện thoại di động của Lan Hương cũng dồn dập những tin nhắn chúc mừng từ khắp nơi gửi về. Niềm vui vỡ òa, dẫu rằng điều này đã được chuẩn bị từ lâu, song Lan Hương vẫn không cầm được giọt lệ mừng vui xúc động… Đây là tin vui, là niềm tự hào không chỉ của quê hương Bắc Ninh mà còn của cả dân tộc Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thị Cầu, bên dòng sông Cầu đã đi vào thi ca và lịch sử, ngay từ hồi còn nhỏ, Lan Hương đã cùng các bạn học của mình cứ đến giờ tan trường lại rủ nhau đến xem các liền anh, liền chị của đoàn tập hát (lúc đó đoàn quan họ sơ tán ở Thị Cầu). Chẳng biết từ bao giờ, những câu quan họ đã làm Lan Hương say mê đến thế. Sau này vào nghề, chị được nghệ sĩ quan họ lớp trước như các NSƯT: Thúy Cải, Quý Tráng, Khánh Hạ…, các nghệ nhân, nghệ sĩ quan họ nổi tiếng như chị Phức, chị Ngải, Xuân Mùi, Ba Trọng… tiếp sức.

Lan Hương tâm sự: “Lạ lắm anh ạ, quan họ càng nghe càng ngấm, càng hát càng say, ngoài 4 yếu tố: vang, rền, nền, nẩy, còn phải rất tình nữa, thế nên các cụ mới dạy rằng:

“Trong 6 tỉnh người đà chưa tỏ/Ngoài 5 thành chỉ có Bắc Ninh/Yêu nhau trở lại xuân tình/Nghề chơi quan họ có tinh mới tường”.

Tôi biết Lan Hương đã gần 30 năm qua và cả chừng ấy năm lúc nào tôi cũng thấy chị gắn bó với tiếng hát quan họ. Hồi còn là nữ sinh lớp 10, trong một lần đoàn dân ca Hà Bắc về tuyển diễn viên, Lan Hương vào hát thử một lần là đạt yêu cầu ngay, từ đó chị trở thành diễn viên trẻ nhất của đoàn dân ca Hà Bắc. Năm 1977, Lan Hương được cử đi học Nhạc viện Hà Nội, năm 1981 ra trường về lại đoàn ca múa Hà Bắc. Năm 1983, chị về đoàn quan họ Bắc Ninh.

Tiếng hát Lan Hương không chỉ đến với quê hương Bắc Ninh mà còn đến với các chiến sĩ biên giới, hải đảo xa xôi và nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Lan Hương kể: Các nghệ sĩ thế hệ đầu tiên của đoàn vất vả lắm. Thời ấy còn khó khăn, đoàn lại mới thành lập, đi diễn ở vùng nông thôn đoàn phải dùng xe cải tiến để chở phông màn, loa máy. Thời chiến, không ai dùng nón trắng tránh nắng, những chiếc mũ rơm làm mọi người càng thêm nóng bức và mệt mỏi, thế là các anh lội xuống ao sen, hái mỗi người một lá đội lên đầu. Những câu hát đối đáp cùng hương lá sen thơm ngát đã xua tan mỏi mệt và kỷ niệm ấy đã theo chúng tôi suốt những tháng ngày phục vụ nhân dân”.

Không chỉ người nghe quan họ trong nước say quan họ mà người nước ngoài nghe quan họ cũng say như điếu đổ, bởi chất trữ tình và ngọt ngào của quan họ. Đó là những lần Lan Hương cùng đoàn quan họ Bắc Ninh đi biểu diễn ở các nước: Nga, Ba Lan, Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan, Pháp… Cái âm điệu ngọt ngào đằm thắm trữ tình của quan họ như thấm vào máu thịt người nghe, dù rằng không biết tiếng Việt nhưng họ vẫn cảm nhận được lời ca quan họ qua giai điệu và âm nhạc rất đặc biệt…

Một người Hà Lan đã ghi âm bài “Ngồi tựa mạn thuyền” do Lan Hương hát, sau đem về phòng khách gia đình mở cho cả nhà cùng nghe. Họ nói: “Quan họ thật tuyệt vời, tuyệt vời ở giai điệu và âm nhạc và người biểu diễn thật xinh đẹp”… Đó chính là phần thưởng cao quý nhất đối với Lan Hương và Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh, niềm tự hào của đất nước Việt Nam thân yêu.

Một buổi biểu diễn quan họ. Ảnh: AN DUNG

Với Lan Hương, quan họ là máu thịt mà trọn đời chị gắn bó. Giờ đây ngoài các chương trình biểu diễn phục vụ, Lan Hương còn một nhiệm vụ quan trọng tại Khu ẩm thực văn hóa quan họ Phú Sơn là “truyền nghề”. Từ năm 2005 đến 2009, Lan Hương đã tuyển chọn và dạy gần 20 cháu thành những giọng ca quan họ được du khách mến mộ. Những ai đã một lần đến đây, có lẽ không thể quên được khung cảnh nên thơ, không gian đầm ấm với những món ẩm thực vùng quê Kinh Bắc cùng lời ca quan họ ngọt ngào.

Lan Hương với quan họ giờ đây không chỉ là niềm đam mê, tự hào mà còn là trách nhiệm lớn lao phải gìn giữ và phát triển. Đó cũng là mong muốn và tiêu chí của những nhà làm công tác văn hóa Bắc Ninh: thành lập Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh. Riêng với Lan Hương, một nghệ sĩ quan họ không chỉ có giọng hát ngọt ngào say đắm lòng người, mà còn hiểu sâu sắc về cội nguồn quan họ.

Lan Hương ước muốn trong tương lai Bắc Ninh sẽ có một khu bảo tồn văn hóa quan họ. Ở đó có những ngôi nhà cổ, những con đường lát gạch với rặng trúc tươi xanh, những giếng khơi trong vắt… Đó là nơi để các liền anh, liền chị lớn tuổi sinh hoạt, giao lưu, dạy nghề cho lớp trẻ… và cũng để du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa quan họ… Bởi quan họ Bắc Ninh giờ đã là của cả nhân loại. Đó chính là tấm lòng của Lan Hương, như câu chị hát:

“Làng quan họ quê tôi những chiều bao thương nhớ/Tiếng ca đầu ngọn gió, nón quai thao người ơi”.

 

                                                                          Theo SGGP

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục