Hội hoa xuân 2010 quy tụ trên 8.000 hiện vật quý hiếm, mới lạ trong và ngoài nước. Du khách thăm Hội hoa xuân không chỉ thích thú với những sản phẩm của nghệ nhân Việt Nam mà còn bất ngờ khi được chiêm ngưỡng sản phẩm độc đáo của các nghệ nhân nước ngoài. Không gian sân vườn, tiểu cảnh bằng đá của các nghệ nhân Nhật Bản là một trong những nét độc đáo của Hội hoa xuân năm nay.

Sơn thủy hữu tình

Chúng tôi có mặt tại khu vườn Nhật lúc mặt trời đang đứng bóng. Nắng gay gắt nhưng các nghệ nhân vẫn lúi húi tưới mát cho đá và hoa kiểng. Quan sát khu vườn, chúng tôi nhận thấy, từ cổng vào đến những chiếc bàn, ghế cho du khách ngồi, rồi tiểu cảnh, sân vườn và những khoanh hồ thủy sinh… đều được làm từ đá.

Cách bố trí của khu vườn cũng rất lạ. Bao quanh là những hòn đá hóa thạch, nặng 2.000 - 3.000kg, có tuổi đời hàng triệu năm, với những đường nét hoa văn hiếm có mà tạo hóa ban tặng, mang lại cho người xem cảm giác như đang chiêm ngưỡng một quả núi thu nhỏ.

Hai bên góc vườn là khu tiểu cảnh được thiết kế bằng đá, hoa và cây xanh, tạo nên nét sơn thủy hữu tình: có thác nước chảy từ vách đá, có cầu đá bắc qua suối, những viên đá kiểng nhỏ nhắn bao quanh hòn non bộ và chấm phá vào đó là một vài gốc si, bồ đề bên cạnh cổng chùa hoang vắng (làm bằng đá) hay những gốc hoa kiểng, cỏ non và những viên sỏi lấp lánh dưới hồ nước… Tất cả đều là những chi tiết rất nhỏ nhưng không thể thiếu trong bức tranh thiên nhiên của người Nhật.

Bàn ghế đặt trong vườn cũng được thiết kế từ phiến đá to, mặt đá được bào láng mượt, tạo cho du khách cảm giác mát mẻ khi ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Những hồ thủy sinh bằng đá đoạt giải nhất trong cuộc thi trưng bày sản phẩm đá tại Nhật Bản cũng có mặt tại đây để du khách tham quan.

Qua một thông dịch viên, chúng tôi đã trò chuyện với nghệ nhân người Nhật Takaoka Mashashi - người làm ra những phiến đá điêu khắc và khu vườn tiểu cảnh trên.

Ông Takaoka cho biết: “Người Nhật Bản rất quý trọng không gian tự nhiên, tiểu cảnh, sân vườn. Chính vì thế, hầu hết các gia đình ở Nhật đều có một góc sân vườn mà chủ thể không thể thiếu là đá, hoa và cây xanh”.

Năm nay, ông Takaoka đã bước sang tuổi 65 và có 23 năm chuyên điêu khắc đá, làm tiểu cảnh. Để phục vụ cho Hội hoa xuân tại Việt Nam (VN), ông và những nghệ nhân khác phải mất 3 tuần vận chuyển đá từ Nhật sang VN bằng đường thủy và mất 3 ngày mới hoàn thành xong phần tiểu cảnh.

Ông tâm sự: “Tôi rất khâm phục tài uốn bon-sai của người Việt Nam, họ làm rất khéo. Chúng tôi đem sản phẩm của Nhật qua VN, trước là để các bạn chiêm ngưỡng các sản phẩm đá của Nhật, sau là để nghệ nhân hai nước học hỏi lẫn nhau. Người VN rất thông minh, họ làm bon-sai được thì chắc chắn cũng sẽ làm đá kiểng, sân vườn, tiểu cảnh được”.

Ông Ngô Chánh và phiến đá nặng 3.000kg vận chuyển từ Nhật về Việt Nam.

Mang đá Nhật về nước

Nhiều người gọi Ngô Chánh, ông chủ của khu vườn Nhật trên là “vua” đá vì suốt 24 năm sống ở Nhật, ông chọn cho mình một đam mê: săn đá, sưu tầm đá và làm giàu từ đá. Những năm đầu mới qua Nhật sinh sống, ông Chánh đi thu gom máy móc cũ về bán. Đến khi tiếp xúc với người Nhật, ông ngạc nhiên thấy nhà nào cũng có sân vườn, tiểu cảnh, đá cảnh. Ông nghĩ, có lẽ, người Nhật sống lâu, khỏe, thành công cũng nhờ thú thư giãn – uống trà, ngắm cây trong sân vườn để xua tan mệt mỏi sau một ngày lao động. Nhìn riết rồi mê, ông nảy sinh ý tưởng thành lập công ty cung cấp các sản phẩm bằng đá, làm sân vườn, tiểu cảnh.

Một thời gian sau, ông mở rộng mạng lưới kinh doanh về quê nhà bằng cách thành lập Công ty Tùng Sơn Thạch Hoa viên chuyên cung cấp các loại đá kiểng, đá nghệ thuật, đá gia công và làm tiểu cảnh, sân vườn. Công ty của ông tuy quy mô không lớn (60 công nhân và 4 nghệ nhân người Nhật) nhưng là một trong những đầu mối cung cấp tiểu cảnh, sân vườn, sản phẩm bằng đá cho khu đô thị Phú Mỹ Hưng, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ...

Kể từ năm 2007 đến nay, ông đã đem về VN khoảng 5.000 tấn đá. Hỏi về bí quyết làm giàu, ông cười: Đá chỉ là vật vô tri vô giác nhưng nếu thích nó sẽ hiểu được nó và mê vẻ đẹp tự nhiên, sâu lắng của nó và cũng có thể làm giàu từ nó. Một tác phẩm từ đá đẹp thì phải 60% là vẻ đẹp tự nhiên, bàn tay con người chỉ can thiệp 40% thôi. 

 

                                                                         Theo SGGP

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục