Tính đến thời điểm này, "Đừng đốt" có thể coi là một trong những bộ phim nhiều thành tích nhất của điện ảnh Việt Nam những năm gần đây. Tuy nhiên, không ai "dám" công bố doanh thu của phim khi trình chiếu, bởi nếu nhìn trực diện vào các con số, nhiều người sẽ "sốc" bởi sự phũ phàng của nó.

Đèn bật sáng. Khán phòng vẫn tĩnh lặng như tờ. Vị đạo diễn đã dành 2 năm tâm huyết để điện ảnh hóa cuốn nhật ký huyền thoại thành bộ phim "Đừng đốt" bước ra. Một khán giả đứng lên, nghẹn ngào: "Cảm ơn đạo diễn!". Người đạo diễn cũng rưng rưng nước mắt, giọt nước mắt hạnh phúc vì phim lay động được đến cái nhân bản của con người. Nhưng cái sự rưng rưng ấy cũng mang nhiều tâm tư…

Một ngày thứ bảy đẹp trời năm 2010, rạp chiếu phim Quốc gia đón một đoàn khách khá đặc biệt đến xem “Đừng đốt” trong một suất chiếu ít ỏi (so với không chỉ các phim bom tấn, mà cả phim "bom tạ" nước ngoài). Suất chiếu này sẽ không có, nếu một người Đan Mạch - Thomas Bo Pedersen không bỏ tiền túi ra cho toàn bộ các chi phí liên quan. Thomas Bo Perdersen tâm sự rằng ông đã khóc trong lần đầu xem bộ phim này.

Tâm hồn cao đẹp của một nữ bác sỹ Việt Nam trong gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ khiến người đàn ông Đan Mạch, dù không hề được chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh lay động cũng phải rung động, bất chấp cả  những xa lạ cả về ngôn ngữ, văn hóa.

Nhìn lại phòng chiếu hôm đó, Thomas ngạc nhiên và bất bình khi chỉ có vỏn vẹn 4 người. "Công nhân của mình phải được xem phim này" - Thomas đã đinh ninh như vậy, ngay lập tức tìm cách liên lạc với đạo diễn Đặng Nhật Minh để có được thêm một suất chiếu mà mình sẽ bỏ tiền.

"Welcome to my Viet Nam" - "Chào mừng đến với Việt Nam của tôi", Thomas đã để câu chào này ở trang chủ website riêng của mình, với đại từ sở hữu "my" - "của tôi" được in đậm bằng màu đỏ. Và ông cũng trích câu hỏi của Graham Green - tác giả cuốn sách "Người Mỹ trầm lặng", một người nước ngoài "biết" về Việt Nam theo đúng nghĩa của từ này: "They say that when you come to Viet Nam, you learn a lot in a very short time" - Họ nói rằng khi bạn đến với Việt Nam, bạn sẽ học được rất nhiều điều chỉ trong một thời gian ngắn. Những dòng ngắn ngủi này đủ sức minh chứng cho tình yêu đất nước nhỏ bé hình chữ S của Thomas.

Lần đầu đến Việt Nam vào năm 1984 với tư cách một nhà báo, lúc đó Thomas chỉ bị thu hút bởi sự tàn khốc và "cái bi kịch kéo dài" của chiến tranh Việt Nam. Nhưng từ đó đến nay, từ nhà báo, rồi trở thành nhà ngoại giao khi nhận nhiệm vụ Tham tán thương mại tại Đại sứ quán Đan Mạch, rồi trở thành giám đốc doanh nghiệp, Thomas đã gắn bó với Việt Nam được 25 năm, trải qua chặng đường từ "đến", "biết", "gắn bó" tới "ngưỡng mộ".

Trước khi xem "Đừng đốt", Thomas cũng đã đọc nhiều lần cuốn "Last night I dreamed of peace" - "Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình" (bản dịch tiếng Anh của “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”) và hiểu ra "vì sao hàng nghìn người Việt Nam bình thường tìm được con đường của họ để đương đầu, đánh đổi cuộc sống cho đất nước".

Thật kỳ lạ là lý tưởng của cả dân tộc một thời lại dễ dàng tìm kiếm được sự đồng cảm của một người xa lạ. Thomas rung động thực sự trước sức mạnh của từng câu chữ trong cuốn nhật ký. "Từng ghi chép hàng ngày của cô tỏa ra nỗi buồn mênh mông, sự thất vọng và giận giữ khi những cố gắng không mệt mỏi cứu người của cô trở nên vô ích ở cái bệnh xá thô sơ của một tỉnh bị tàn phá bởi khói lửa chiến tranh".

Nỗi xúc động đó vẫn còn nguyên vẹn khi Thomas xem "Đừng đốt" - bộ phim "giản dị", "đau lòng" nhưng "đẹp đẽ" và "xứng đáng thu hút được sự chú ý rộng rãi trên thế giới". Bởi thế, khán giả của suất chiếu mà Thomas bỏ tiền ra tổ chức đó không chỉ có công nhân đang làm việc cho anh được đưa từ Hải Dương lên, mà còn có những bạn bè công tác tại Đại sứ quán Đan Mạch, gia đình liệt sỹ Đặng Thùy Trâm và cả sự hiện diện của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Thomas Bo Pederson với mẹ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm trong buổi chiếu "Đừng đốt".

Không phải lần đầu phim "Đừng đốt" của đạo diễn Đặng Nhật Minh nhận được tình cảm yêu mến như thế từ một người nước ngoài. Ông đã mang phim chiếu ở Mỹ (tại 14 trường đại học rất nổi tiếng như Harvard, Washington, Đại học Temple, Đại học Pennsylvania, Đại học Princeton, Đại học George Mason, Đại học Cornell), Nhật… và dường như đều gây được sự xúc động và chia sẻ. Giáo sư Bruno Bosacchi của Đại học Princeton đã cho rằng: “Đừng đốt” là bộ phim hay nhất về chiến tranh Việt Nam mà tôi đã xem trong thời gian qua".

Tôi có người đồng nghiệp tham dự buổi chiếu phim tại Đại học Yale vào ngày 9/11/2009, và anh khẳng định sự xúc động là có thật và chân thành, không phải một chiêu thức PR. Anh đã phỏng vấn Matt Johnson, một nghiên cứu sinh người Mỹ đang học tại Đại học Yale, và nhận được câu trả lời rằng: "Bộ phim đã tác động mạnh đến tôi, giúp những thanh niên Mỹ như tôi hiểu được chiến tranh đau khổ và khủng khiếp như thế nào".

Tại Nhật Bản, khi trình chiếu trong khuôn khổ Liên hoan phim Fukuoka, nhiều khán giả và thành viên của Ban Tổ chức đã khóc vì xúc động. Trong cuộc giao lưu với khán giả sau buổi công chiếu thứ 2, đích thân Trưởng ban Tổ chức Liên hoan phim đã làm người dẫn chương trình, và ông cũng đã rơi nước mắt.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ: "Người Việt Nam chúng ta xúc động khi xem phim thì dễ hiểu, bởi chúng ta có sự thấu hiểu, có tình cảm dân tộc, chúng ta có ký ức. Tôi có phần ngạc nhiên khi chiếu ở Nhật, ở Mỹ người ta cũng rơi nước mắt. Nhưng rồi cũng đơn giản để lý giải thôi, là bởi vì tình người ở đâu cũng giống nhau".

Cái sự kỳ cục là ở chỗ "Đừng đốt" đã được chiếu ở 14 trường ĐH ở Mỹ, nhưng hình như chưa được chiếu ở trường ĐH nào của Việt Nam. Cứ mỗi suất chiếu ở Mỹ thu hút khoảng 200, 300 người xem; thì không khéo số sinh viên Mỹ đã xem phim này ăn đứt số sinh viên Việt Nam đã xem nó. Nó được chủ một doanh nghiệp người nước ngoài bỏ tiền ra chiếu cho công nhân người Việt của ông xem vì "Tôi nghĩ các công nhân trẻ của tôi cần biết cái gì đã xảy ra trong quá khứ trên đất nước họ", nhưng hình như cũng chưa chủ doanh nghiệp người Việt nào làm việc này.

Số phận của "Đừng đốt" không có gì khác lắm so với nhiều bộ phim nhà nước đầu tư từ trước đến nay: Gặt hái các giải thưởng, nhưng phòng chiếu thì vắng tanh.

Tính đến thời điểm này, "Đừng đốt" có thể coi là một trong những bộ phim nhiều thành tích nhất của điện ảnh Việt Nam những năm gần đây: "ôm trọn" 3 giải thưởng quan trọng của Liên hoan phim Việt Nam 2009 với Bông sen Vàng cho phim; biên kịch xuất sắc nhất và giải của báo chí dành cho bộ phim hay nhất. Vượt qua 24 bộ phim đến từ 16 quốc gia khác để đoạt giải thưởng duy nhất của Liên hoan phim Fukuoka lần thứ 19 diễn ra ở Nhật Bản vào tháng 9 - 2009. Và được chọn tranh giải Oscar lần thứ 82.

Tuy nhiên, không ai "dám" công bố doanh thu của phim khi trình chiếu, bởi nếu nhìn trực diện vào các con số, nhiều người sẽ "sốc" bởi sự phũ phàng của nó. Cũng bởi thực tế này mà NSND Đặng Nhật Minh - biên kịch và đạo diễn của phim, trong cái xúc động và hạnh phúc khi nhận được những giọt nước mắt, những lời cảm ơn của khán giả, vẫn có vẻ nửa bực mình, nửa chua chát về những cái "kỳ cà kỳ cục".

Trong buổi chiếu được Quỹ Mãi mãi tuổi 20 tổ chức vào ngày 9/1/2010 cho các cựu chiến binh, các nhà hoạt động xã hội, các thầy cô giáo dạy văn học, lịch sử, gia đình liệt sỹ, các bạn sinh viên… đã không ít khán giả mở đầu bằng câu nói: "Tôi đã nghe đến phim này, nhưng không nghĩ mình sẽ bỏ tiền ra xem"… trong phần giao lưu với đạo diễn. Nhưng sau câu nói đó, ai trong số họ cũng không quên gửi tới đạo diễn lời cảm ơn, và đều "đã không hối tiếc khi bỏ một buổi sáng thứ 7 đẹp trời để đến rạp".

Đây thường là phản ứng của đa số khán giả nước nhà khi nghe về một phim điện ảnh trong nước (trừ những phim thị trường gần đây được các hãng tư nhân đầu tư và PR khá mạnh).

Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ: "Nhà nước bỏ tiền ra cho chúng tôi làm phim, chứ không đầu tư tiền để mở các chiến dịch PR, vì thế, những bộ phim này, dù giá trị nhân văn cao đến đâu cũng không gây được sự chú ý của độc giả. Tôi đã từng mang kịch bản "Đừng đốt" cho giám đốc một hãng phim tư nhân, anh ta cười, bảo kịch bản này hãng anh ta không làm".

Các đạo diễn hiểu điều này, hiểu rằng phim của họ bị cự tuyệt con đường đến với khán giả ngay từ khi còn… chưa viết kịch bản. Dường như chấp nhận thực tế này, khi bắt tay làm phim, đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh không có tham vọng làm một cuộc "cách mạng" - lôi kéo khán giả đến rạp bằng một bộ phim đề tài chiến tranh theo phong cách cổ điển.

Ông tâm sự rằng mình chỉ cố gắng làm tốt nhất theo cách của mình. Sự nỗ lực nào rồi thì cũng được đền đáp. Phim ông đã qua nhiều sự thẩm định, găm đầy giải thưởng. Phim ông chiếu khán giả không chê, khán giả rơi nước mắt. Thế nhưng, hà cớ làm sao mà khán giả vẫn nhất định không chịu bỏ tiền ra rạp?

Có vị khán giả đặt câu hỏi cho đạo diễn Đặng Nhật Minh: "Làm thế nào để một bộ phim hay như thế này phải đến được với đông đảo công chúng. Phải chiếu cho các cháu sinh viên xem". Vị đạo diễn cười, mà cũng không hẳn là cười, bảo: "Thú thực là làm thế nào để nó đến được với rộng rãi khán giả thì tôi chịu. Tôi chỉ biết là nếu quí vị nào muốn xem, thì đến Cục Điện ảnh mượn mà xem".

Guồng máy hoạt động thì vẫn vậy. Mỗi năm nhà nước đầu tư để làm 5 phim. Các đạo diễn sau khi hoàn thành phim thì trả cho nhà nước, chỉ còn vai trò lúc dự liên hoan. Họ hoặc đau lòng hoặc không, nhìn phim của mình bị xếp xó, mà nguyên nhân thì không hoàn toàn do nội dung. Nhưng rồi, Đặng Nhật Minh thủng thẳng bảo: "Nhà nước vẫn bỏ tiền cho tôi làm phim. Thế là vui lắm rồi".

Chỉ tiếc, phim của chúng ta lại vẫn tiếp tục làm "kẻ tàng hình", còn chẳng đến được với khán giả để xem họ yêu hay ghét

 

                                                                                Theo CAND

Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục