Ông Ma Thanh Sợi

Ông Ma Thanh Sợi

Từ thị trấn Phố Ràng lịch sử, vượt qua chặng đường hơn 30 cây số quanh co uốn lượn ngược theo con sông Chảy xanh trong, chúng tôi đến xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nơi có những bản làng người Tày với nhiều nét độc đáo giàu truyền thống văn hóa dân gian.

Chuyện nếp nhà...

 

 

 

Trên đường đi, qua chợ Vĩnh Yên cũng là lúc tan chợ, từng tốp thanh niên nam nữ người Mông, Tày xúng xính váy thổ cẩm, ô xòe sặc sỡ rời chợ trong niềm hân hoan. Đến trung tâm xã Nghĩa Đô, chúng tôi gửi xe và đi bộ tìm vào nhà nghệ nhân Ma Thanh Sợi, một người lưu giữ hồn văn hóa của dân tộc Tày vùng Nghĩa Đô này.

Cùng với các nghệ nhân văn hóa như Hoàng Sỹ Lực, Triệu Vần Quẩy (dân tộc Dao), Hoàng Thị Cứ (dân tộc Tày), Hoàng Chúng (dân tộc Mông) Lý Ngọc Sáng (dân tộc Xa Phó)… ông Ma Thanh Sợi là một trong những điển hình trong việc bảo tồn văn hóa dân gian truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Lào Cai.

Hiện tại, cùng với việc tham gia hoàn thành tài liệu lịch sử Đảng bộ huyện Bảo Yên, ông Ma Thanh Sợi đang sưu tầm 12 chuyên đề về vùng đất Nghĩa Đô (các địa danh tên gọi, tập quán trong việc cưới, việc tang lễ hội, văn hóa làm nhà, dựng nhà sàn, ẩm thực...).

Đến nay, ông Sợi đã sưu tầm, ghi chép được hơn 300 câu tục ngữ, thành ngữ trong hệ thống văn hóa dân tộc Tày. Trong đó, chủ yếu là kinh nghiệm trong cuộc sống và răn dạy con người về truyền thống gia đình, sự phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, tình yêu quê hương đất nước. Ông Sợi còn đang sưu tầm, nghiên cứu “vần lửng” trong ngôn ngữ của người Tày mà theo ông là một nét độc đáo của tiếng Tày ở Nghĩa Đô.

Ngay những nếp nhà sàn truyền thống của người Tày ở Nghĩa Đô cũng là một nét văn hóa độc đáo, trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, để hôm nay trở thành nét đẹp trong văn hóa bản làng. Hầu như ở Nghĩa Đô gia đình người Tày nào cũng làm nhà sàn và giữ nguyên cách dựng nhà theo kiểu truyền thống. Có lịch sử hàng mấy trăm năm, trải qua nhiều kiểu nhà sàn, từ nhà lều đến nhà nửa sàn, nửa đất, đến nhà sàn 4 chân và bây giờ là nhà sàn 6 hàng chân. Thông thường, mỗi bản làng ở Nghĩa Đô có năm đến sáu chục nóc nhà sàn, tạo thành bản văn hóa.

Ông Sợi cho biết, bản Rịa đã dựng xong nhà văn hóa và đưa chúng tôi đến thăm. Nằm bên đỉnh núi Khau Rịa, dưới chân là con khe cũng mang tên là khe Rịa đổ ra suối Nậm Luông, ngôi nhà văn hóa của bản thật khang trang. Với thắc mắc tại sao tên bản, tên núi, tên suối khe đều có tên là “Rịa”, ông Sợi giải thích: Rịa tiếng Tày là cây nứa. Xưa kia nơi này cả một vùng bao la là nứa, người dân lập bản lấy tên và lâu dần gọi thành tên bản, tên núi...

... và miếng ăn, cái mặc

Vợ ông Sợi, bà Hoàng Thị Định, đã ở vào tuổi 64 nhưng vẫn còn nhanh nhẹn. Bà mang ra giới thiệu với khách những tấm thổ cẩm vừa dệt xong, khoe rằng đây là dệt chuẩn bị cho con gái lấy chồng. Truyền thống của người Tày là vậy, để làm chăn, làm gối cho con mang về nhà chồng. Rồi bà mang chiếc chăn thổ cẩm mà ông bà đã đắp từ ngày bà sống với ông ra giới thiệu. Những tấm thổ cẩm hoa văn mang nhiều ý nghĩa khác nhau.

Ông Sợi giải thích: 12 mẫu hoa văn của thổ cẩm là tượng trưng cho 12 tháng trong năm, 12 con giáp. Khác với thổ cẩm của người Tày nơi khác hay một số dân tộc thiểu số Mông, Dao, Giáy… thổ cẩm của người Tày Nghĩa Đô dệt trên nền vải trắng (nơi khác nhuộm chàm). Chăn thổ cẩm của người Tày Nghĩa Đô có 2 mặt, một mặt thổ cẩm màu sắc, còn mặt kia là màu trắng. Theo quan niệm từ thời cha ông, chăn làm theo ý nghĩa nhân sinh quan, khi còn sống thì đắp mặt thổ cẩm quay lên trên, khi trở về cõi vĩnh hằng thì quay mặt thổ cẩm xuống dưới, đó là một nét phong tục rất riêng của đồng bào Tày nơi đây.

Được biết, sang năm huyện Bảo Yên tổ chức tuần văn hóa du lịch, Nghĩa Đô cũng được chọn là một điểm đến trong hành trình du lịch khám phá bản làng văn hóa. Nên người dân trong bản đang làm thổ cẩm và các sản phẩm từ thổ cẩm để làm quà lưu niệm khi khách du lịch đến thăm bản làng nơi đây.

Thổ cẩm của người Tày ở bản Khau Rịa.

Không chỉ đam mê với vốn văn hóa dân gian của dân tộc mình, ông Sợi còn sưu tầm, ghi chép tìm hiểu những món ăn dân dã trong văn hóa ẩm thực của người Tày nhằm bảo tồn những món ăn độc đáo mang hồn quê như: rêu đá, cá suối, nộm rau bợ, xôi ngũ sắc, măng chua… Là một người gắn bó nơi vùng đất Nghĩa Đô, dưới chân núi Khau Rịa cao vời vợi, ông Sợi còn sáng tạo ra những đệm phoi bào dựa trên sản phẩm gỗ quế do gia đình trồng được. Ông cho chúng tôi xem 4 chiếc đệm bằng phoi bào quế vừa mới hoàn thành, dựa trên cách thức làm đệm bông lau của người Tày. Qua bàn tay khéo léo, chiếc đệm phoi bào quế vừa êm, vừa có mùi thơm rất dễ chịu. Loại đệm này rất độc đáo, dùng được cả 4 mùa, rất phù hợp với kiểu trang trí nhà sàn truyền thống. Hiện tại, ông Sợi đang làm và dùng thử, nếu được sẽ phổ biến cách làm cho bà con trong bản cùng làm để cung cấp cho thị trường làm hàng hóa phục vụ du lịch.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Sợi cho biết, những người già hiểu biết về phong tục tập quán người Tày trong bản Rịa như ông không nhiều, đếm lui đếm tới cũng chỉ còn chưa đến chục người. Do đó, việc ông “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như mọi người vẫn nói về ông là có lý. Theo ông, nếu không gìn giữ văn hóa bản sắc cho đời sau là có lỗi với cha ông mình. Nên dù đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn miệt mài tìm trong vốn cổ để bảo tồn gìn giữ những di sản văn hóa của dân tộc Tày. Cũng chính vì vậy mà trong quá trình sưu tầm những giá trị văn hóa, ông luôn nhờ con gái út Ma Chiu Sa chép hộ những câu văn, lời hát dân gian cho mình cũng mong con gái sẽ thừa hưởng được “đam mê” ấy.

 

                                                                              Theo SGGP

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục