Trong những năm qua ông là người duy nhất bảo tồn, phát huy nghề làm rồng vải của quê hương để tạo ra những con rồng được coi như là "hiếm" của Việt Nam để biểu diễn trong các lễ hội và được bạn bè thế giới biết đến. Ông là Lê Ngọc Nguyện, ở làng Đa Sỹ, Hà Đông (Hà Nội), người mà hiện nay người dân nơi đây đã đặt thêm cho ông cái tên mới "Người nuôi rồng cho đại lễ 1000 năm Thăng Long".

Giữ nghề cho làng

Từ mấy trăm năm về trước làng Đa Sỹ nổi tiếng với nghề làm rồng vải để đem đi biểu diễn ở các lễ hội như: Đền Hùng (Phú Thọ), Phủ Giầy (Nam Định), Văn Miếu Quốc Tử Giám... Nhưng cho đến nay chỉ còn lại duy nhất có ông Nguyện giữ lại được nghề làm rồng cho địa phương.

Ông Nguyện cho biết "Trước kia làng tôi có nhiều nghệ nhân làm rồng lắm. Nhưng rồi do thời gian trôi đi làm họ đều già và qua đời. Lúc này, lớp thanh niên lại không mặn mà với nghề lắm. Nếu ai thi đỗ thì đều đi học, còn lại đều đi đây đó làm ăn hết... Vì thế nghề này ngày càng mai một". Lúc này ông Lê Ngọc Nguyện phải chứng kiến cảnh các đội múa rồng giải tán, rồi cả trong các ngày lễ hội không còn rồng vải Đa Sỹ nhảy múa mà bị xen lẫn rồng nhập ngoại từ Trung Quốc... điều này đã làm ông không kìm lòng được mà ông nghĩ "phải giữ lại nghề cho quê hương".

Khi bắt tay vào làm rồng, ông Nguyện đã nghĩ: “giờ còn có một mình mình làm rồng thì phải tìm cách cải tiến để rồng làm ra có cái mới mà vẫn giữ được cái hồn của rồng Đa Sỹ". Thế rồi ông Nguyện đã tìm hiểu rồng thời trước và thấy: Các bộ phận của rồng như hàm, mang, sừng... đều làm bằng sắt nên con rồng trở nên nặng làm cho người múa nhanh chóng mệt mỏi và kém linh hoạt trong các động tác. Thế rồi ông đã nghĩ ra cách là làm những bộ phận đó bằng các loại tre, trúc và đã giảm sức nặng của mỗi con rồng từ 30kg xuống còn 6-7 kg. Lúc này, con rồng trở nên mềm mại, uyển chuyển hơn trong quá trình múa mà không bị mất đi cái thần thái uy nghi của rồng.

 Ông Nguyện tâm sự: Để hoàn thành được một con rồng là cả một công đoạn vất vả và cần nhiều công sức. Cả ba người là ông, em họ và đứa cháu ông làm cật lực đến 15 ngày mới xong một con. Đồ nghề chuẩn bị cho quá trình làm phải đầy đủ các vật liệu như nan tre, dây dù, dây ni lon, vải ki bóng, sắt... tất cả các nguyên liệu đó phải có nhiều màu sắc khác nhau để tạo nên sự sinh động cho rồng khi nó bay lượn. "Điểm đặc biệt là công đoạn lắp ráp con rồng, nếu hoàn thành các công đoạn mà lắp ráp không ăn khớp là rồng bị mất hồn ngay. Vì thế phải cần sự tỉ mỉ đến từng milimét và quan trọng là phải yêu nghề biết sống với nghề coi nó như đứa con ruột mà chính mình sinh ra", ông Nguyện cho biết thêm.

Ông Nguyện cùng chiếc đầu rồng vừa hoàn thành.

Rồng vải ông Nguyện bay lượn trên bầu trời thế giới

 Rồng vải do ông Nguyện làm ra đã được mọi người dân trong làng Đa Sỹ thán phục và gọi ông luôn bằng cái danh "Vua phục rồng vải". Rồi rồng của ông lại được liên tục chọn đi biểu diển ở hầu hết các lễ hội nổi tiếng trong nước.

Ông Nguyện khoe: Bao năm trăn trở để giữ nghề rồi làm được cái tâm nguyện của mình tôi vui lắm, không có gì hạnh phúc hơn khi tận mắt chứng kiến những "đứa con tinh thần" của mình bay lượn trong các lễ hội làm nức lòng người.

Đặc biệt là năm 2000 có một người từ Mỹ đến đặt tôi làm rồng vải để đem về nước. Điều này đã làm tôi hết sức bất ngờ và không thể tin được nữa, ông không ngờ rồng mình làm ra lại có ngày được xuất ngoại.

 Người khách đến từ Mỹ này đặt mua con rồng của ông mang về cho sinh viên tại Mỹ nghiên cứu và học cách làm. Họ nói "Để có thể nâng tầm hiểu biết về những thứ nghệ thuật truyền thống được làm thủ công nhưng lại tinh xảo đến vô cùng".

Đó cũng chính là cái nền để rồng của ông Nguyện tiếp tục bay trên bầu trời thế giới. Đầu năm 2004 lại có một đoàn người bên Mỹ sang đặt ông làm  ba con rồng vải để đem về biểu diễn và cho rồng vải xuất hiện trong phim của họ. Sau đó, có rất nhiều người từ nước Đức cũng nghe danh rồng của ông rồi lại tiếp tục sang mua rồng.

 Nói về nét đẹp riêng của rồng vải mình làm ra ông nhấn mạnh "những con rồng này được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên rồng không mang tính bị áp đặt... Đặc biệt, chỉ nhìn qua thôi ai cũng có thể nhận ra cái nét văn hóa dân gian riêng của Việt Nam vừa ẩn lại vừa hiện trên mỗi con rồng vải".

Nuôi rồng cho "1000 năm Thăng Long"

 Trong không khí hào hùng của cả đất nước đang chuẩn bị để kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long làm cho ông Nguyện cũng rạo rực không kém. Ông Nguyện cho biết "Hiện giờ đã có người trong ban tổ chức 1000 năm Thăng Long về đặt tôi trước mắt là làm hai con rồng vải để phục vụ trong dịp đại lễ. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để làm ra những con rồng vải đẹp nhất làm du khách nước ngoài phải choáng ngợp trước vẻ đẹp và sự hùng hồn thực sự của "rồng 1000 năm Thăng Long".

 Để làm được điều này, ông Nguyện phải có các bước chuẩn bị hết sức đầy đủ mà như theo ông nói  là "phải nuôi rồng ngay từ bây giờ thì rồng mới lớn kịp để mạnh khỏe, đẹp, có sức sống mãnh liệt... đủ sức bay lượn". Trước mắt, ông đang thiết kế hình dáng con rồng này trên những bản vẽ phác thảo và chuẩn bị các nguyên vật liệu tốt nhất phục vụ cho quá trình làm rồng 1000 năm. Hơn nữa, ông Nguyện sẽ đi mời những "bô lão" còn biết làm rồng để cùng ông trút hết sức lực trí tuệ cho rồng Thăng Long.

Hiện nay dù đã 81 tuổi khi tóc đã bạc, da đã nhăn... cái tuổi mà cần phải nghỉ ngơi nhưng xem ra ông vẫn còn nhanh nhẹn và khỏe mạnh lắm, ông nói "Cái đặc biệt để làm được rồng là phải có sự yêu nghề. Mình có tâm huyết thì sẽ làm ra được những con rồng tốt nhất. Qua đó, mình cũng sẽ khỏe mạnh và tâm lý trường tồn cùng những giá trị tinh thần cao cả...".

Ông còn cho biết: “Tôi sẽ giữ nghề và làm rồng đến khi nào sức cùng  lực kiệt mới thôi. Trước mắt tôi sẽ truyền lại nghề cho đứa cháu ruột của tôi để cháu có thể lưu lại cái nghề này cho mai sau. Góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của quê hương”.

                                                                                    Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục