Du khách đi Lễ chọn mua hàng mã tại Đền Bờ (Thung Nai - Cao Phong)

Du khách đi Lễ chọn mua hàng mã tại Đền Bờ (Thung Nai - Cao Phong)

(HBĐT) - Sau những ngày đón tết vui, xuân đi lễ đền, chùa đã trở thành nhu cầu tâm linh với tất cả mọi người. Ở tỉnh ta cũng vậy, những ngày đầu xuân, từ Đền Mẫu (phường Tân Thịnh – TPHB) đến Đền Bờ (xã Thung Nai – Cao Phong và Vầy Nưa – Đà Bắc) và Chùa Tiên (Phú Lão - Lạc Thuỷ)… ngày ngày có hàng nghìn lượt người với lễ nghi ngày càng cầu kỳ để “Tiễn cựu, nghênh tân”

 

Đi đền, đi lễ chùa ai ai cũng mong có được sự hưng vượng, bình an, ước nguyện đó thật bình dị. Các cụ xưa nói “Phật tại tâm”, nhưng không ít người lại có ý nghĩ khác, họ cho rằng “Phải lễ to, tiền nhiều, vàng mã rủng rỉnh “hoành tráng” mới linh nghiệm”. Vậy là đi lễ cầu may kéo theo sự xa xỉ, lãng phí, tốn kém. Theo đó, mùa lễ hội các hộ kinh doanh vàng mã được dịp “Lên ngôi”.

 

Ở tỉnh ta việc sản xuất vàng mã chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn, các loại vàng mã chủ yếu được “nhập” vào thị trường từ Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc. “Trần sao âm vậy” các hộ kinh doanh giải thích rất ngắn gọn. Vì vậy, vàng mã không chỉ là tiền địa phủ, vàng thoi, bạc nét, lá ngọc, cành vàng, khăn the, áo xếp, ô lọng, ngựa, voi, mũ áo, giày dép, mà còn có cả ô tô, xe máy, ti vi, đô la, thuyền rồng, kiệu sơn son thiết vàng… Người túng thiếu thì đơn giản với giá vài ba chục nghìn đồng, người giàu có thì đầy đủ bộ lệ với giá vài ba triệu đồng, thậm chí mười lăm, hai mươi triệu đồng. Kèm theo là xôi gà, thủ lợn, hoa quả. Bên khói nhang nghi ngút, nhiều chỗ quá đông phải luồn lách mới đặt được lễ, nhiều chỗ quá trật trội phải “Bái vọng” từ xa… nhưng ai nấy dường như đều mãn nguyện sau những giây phút ước nguyện, cầu khấn với gương mặt ấm nồng bên ánh lửa cùng tiếng nổ lách tách của hàng sấp tiền vàng, ô treo, võng lõng, kim ngân, bạc thỏi … được gửi về cõi âm khi hoá vàng.

 

Không ai thống kê nổi, trong mùa lễ hội du khách đã tiêu tốn bao nhiều ngân quỹ  vào tiền vàng hàng mã, nhưng quả thực chuyện cầu phúc, cầu lộc, cầu tài và lo cho âm phần mát mẻ, êm ấm qua “nhang khói tiền vàng” đã ngốn một phần khá lớn thu nhập của nhiều gia đình. Chị Nguyền Thị Nga, ở phường Đồng Tiến cho biết: “Đền Bờ của “Bà chúa đại ngàn” có tiếng là linh thiêng, “Cuối năm trả lễ, đầu năm xin lộc rơi lộc vãi để cầu mong an khang”, nên năm nào tôi cũng đi ít nhất 2 lần. Tính cả tiền xe ôm, vé tàu, ăn uống, đồ lễ, mỗi chuyến cũng hết khoảng 500.000 đồng. Trong đó, riêng tiền lễ, hương nhang, vàng mã hết khoảng 350.000 đồng. Tuy tốn kém, nhưng được an ủi, động viên về tinh thần”.

 

Ông Lê Anh Tuấn ở Dân Hạ (Kỳ Sơn) giải thích: “Tôi làm nghề lái xe, suốt ngày dong duổi trên đường với những hiểm hoạ khôn lường, nên chỉ cầu mong bốn chữ “Thượng lộ bình an”. Có bỏ ra năm bảy trăm nghìn đồng để xin “âm phù dương trợ” cũng thấy mãn nguyện”.

 

Chị Nguyễn Thị Oanh, chủ sạp hàng vàng mã ở chợ Phương Lâm (TPHB) cho biết: “Phú quý sinh lễ nghĩa”, sức tiêu thụ hàng mã đã thể hiện một phần điều đó. Không chỉ ngày rằm, mồng một hàng tháng vào dịp lễ, tết nhộn nhịp, tất bật hơn cả là các quầy hàng mã. Đáp ứng nhu cầu của khách hàng chúng tôi còn có dịch vụ bán hàng qua điện thoại, giao hàng tại nhà. Đặc biệt, vào dịp rằm tháng giêng, tính bình quân mỗi hộ sắm vàng mã cũng hết khoảng 80.000-100.000 đồng”.

 

Mong ước gia trạch hưng vượng, bình an, công thành danh toại, hôn nhân hạnh phúc, nạn ách tiêu tan… quả là chính đáng, nhưng tất cả những điều đó phụ thuộc vào trí tuệ, sức lực của mỗi người. An ủi, khích lệ về tinh thần từ đời sống tâm linh là nhu cầu không thể thiếu của nhiều người, nhưng cần thận trọng, cân nhắc để tránh lãng phí, tốn kém khi sử dụng vàng mã trong mùa lễ hội. 

 

                                                           Đức Phượng

 

Các tin khác


Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh huyện Cao Phong năm 2024

Ngày 11/4, UBND huyện Cao Phong tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh năm 2024. Tham gia liên hoan có 10 đoàn với trên 300 diễn viên là dân quân, thanh niên, học sinh các xã, thị trấn trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục