Trong không khí trang nghiêm, thành kính hướng về nguồn cội, sáng 23-4 (tức 10-3 Âm lịch) tại núi Nghĩa Lĩnh, khu di tích lịch sử Đền Hùng (Phú Thọ), lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng đã diễn ra trang trọng theo nghi lễ Nhà nước. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết giữ vai trò chủ lễ.

Sau khi thành kính dâng hoa, lễ vật, thắp hương tưởng niệm các vua Hùng tại bàn thờ Tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đọc diễn văn bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ và biết ơn tổ tiên nguồn cội, các thế hệ cha ông, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bậc lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, những người con ưu tú cùng toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước đã anh dũng chiến đấu ngoan cường vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Diễn văn của Chủ tịch nước có đoạn: “Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra trong không khí cả nước kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của đất nước: 35 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội… Nhân dịp này tôi kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết, chung sức, chung lòng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh của dân tộc, thực hiện lời dạy của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Trước anh linh các vua Hùng, cầu chúc cho dân tộc ta và các dân tộc trên thế giới sống trong hòa bình, hạnh phúc và phát triển”.

Trong khí thiêng sông núi và tiếng trống đồng âm vang, được sự ủy quyền của chủ lễ, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, NSND Lê Tiến Thọ đọc chúc văn khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày giỗ Tổ Hùng Vương - ngày quốc lễ của dân tộc, ca ngợi công đức trời biển của các vua Hùng - những người có công dựng nước Văn Lang, nhà nước độc lập, có chủ quyền đầu tiên của dân tộc Việt Nam, tinh thần anh dũng bất diệt của toàn dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của Tổ quốc. Bài chúc văn thể hiện tâm tư, tình cảm của toàn dân hướng về cội nguồn dân tộc, khích lệ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, yêu chuộng hòa bình.

Kết thúc lễ dâng hương tại đền Thượng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và các đại biểu đã đặt vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các vua Hùng đã có công dựng nước” và dâng hương tại lăng Hùng Vương. Tiếp đó, Chủ tịch nước và đoàn đại biểu đã đến bức phù điêu Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong tại ngã năm đền Giếng. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đặt lẵng hoa mang dòng chữ ”Mãi mãi ghi sâu và làm theo lời Bác dạy” trước bức phù điêu.

Cùng ngày, tại đền tưởng niệm các vua Hùng, trong khuôn viên Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc (ấp Vĩnh Thuận, phường Long Bình, quận 9), Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ TPHCM đã long trọng tổ chức lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương. Đến dâng hương lên quốc Tổ có các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP; Dương Quan Hà, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM… cùng đông đảo nhân dân thành phố, người dân các tỉnh lân cận.

Tại buổi lễ, đồng chí Dương Quan Hà đã ôn lại truyền thống dựng nước và giữ nước của các vua Hùng, truyền thống của người dân nước Việt nói chung và nhân dân TPHCM nói riêng luôn hướng về quốc Tổ, hướng về cội nguồn để tưởng nhớ tổ tiên, ghi tạc công đức to lớn các bậc tiên liệt đã khai phá, dựng nước và giữ nước. Ngay sau đó là các nghi thức của lễ giỗ quốc Tổ được diễn ra một cách trang nghiêm, trang trọng với các nghi thức truyền thống rước lễ; diễn văn, chúc văn của chủ tế; lễ dâng hương của lãnh đạo TPHCM và du khách thập phương.

Tối 23-4, tại sân khấu chính khu vực quảng trường Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc (TPHCM) đã diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật các dân tộc vùng miền phương Nam với chủ đề “Về với cội nguồn”. Đây là chương trình văn nghệ nằm trong lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương năm 2010.

Tiết mục múa Trống chầu của Đoàn TPHCM trong chương trình biểu diễn nghệ thuật các dân tộc vùng miền phương Nam. Ảnh: An Dung

Tham gia biểu diễn trong chương trình là những tiết mục văn nghệ đặc sắc của các đoàn nghệ thuật: TPHCM, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Sóc Trăng, người Hoa TPHCM. Đặc biệt, phần biểu diễn thời trang của các dân tộc như: dân tộc Kinh, Chăm, K’ho Lạch, Khmer, người Hoa… tạo được nhiều màu sắc độc đáo. Trong giai điệu hào hùng rộn rã của ca khúc Nòi giống Tiên Rồng (sáng tác Trương Đức) qua phần biểu diễn của ca sĩ Lương Chí Cường cùng tốp múa, chương trình được khép lại, nhưng ý nghĩa về những tấm lòng của người dân phương Nam hướng về đất Tổ, nhớ về công ơn của các vua Hùng dựng và giữ nước còn ngân vang mãi.

Tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (quận 9), lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương cũng được tổ chức với sự tham dự của đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và đồng chí Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP và hàng chục ngàn du khách thập phương. Nhiều nghi lễ trang trọng như dâng hương, dâng lễ vật, đặc biệt là lễ dâng 4.000 chiếc bánh chưng, bánh dày lên vua Hùng tượng trưng sự hòa hợp giữa đất trời và tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà tổ tiên. Ngoài ra, 30 đoàn nghệ thuật dân tộc đại diện cho 54 dân tộc anh em đến từ mọi miền đất nước về tham gia các lễ hội văn hóa dân gian trong ngày giỗ Tổ với chủ đề “Trở về cội nguồn văn hóa dân tộc”.

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM và đông đảo người dân TP dự Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương tại Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại đền thờ Âu Lạc trong khu du lịch thác Prenn (Đà Lạt), tỉnh Lâm Đồng đã trang trọng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng. 20 đoàn đến từ các phường, xã và đơn vị ở Đà Lạt cùng với lễ vật (bánh chưng, bánh dày và hoa quả) đã rước kiệu từ đền Hạ, đền Trung lên đền Thượng, thực hiện nghi thức dâng hương. Sau phần nghi lễ là các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian và trò chơi dân gian, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai cũng đã tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương với sự tham gia của hàng trăm ngàn người dân. Ở Gia Lai, phần hội sẽ diễn ra suốt 3 ngày (10 đến 12 Âm lịch) với nhiều hoạt động phong phú bao gồm: biểu diễn trống hội, nhạc võ đặc sắc của Bảo tàng Quang Trung (tỉnh Bình Định); các tiết mục hát múa, biểu diễn cồng chiêng với nội dung ca ngợi Tây Nguyên, ca ngợi đất nước.

 

 

                                                                             Theo SGGP

Các tin khác


Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục