Nhạc sĩ Văn Ký - tác giả của Bài ca hy vọng - vẫn miệt mài sáng tác, dù đã ở tuổi 82. Ông vẫn hóm hỉnh, vui tươi và đặc biệt là rất mẫn tiệp

 

Trong số những ca khúc mới sáng tác trong dịp kỷ niệm Thăng Long- Hà Nội ngàn năm, Bay lên Việt Nam có lẽ là ca khúc được nhạc sĩ yêu mến và tâm đắc nhất. Qua hai giọng ca Trọng Tấn - Mai Trang, giai điệu hùng tráng, dịu dàng và lãng mạn bỗng vút lên mở ra một bầu trời lớn của tự do và khát vọng vươn lên của người dân Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung (Bay qua đêm tối đói nghèo/ Trái tim Việt Nam thủy chung trong sáng/ Tình yêu chứa chan...).


Nhạc sĩ Văn Ký


Hà Nội là máu thịt


Trong gia tài trên 400 ca khúc của mình, nhạc sĩ Văn Ký có khoảng 15 ca khúc viết về thành phố ngàn năm này: Kỷ niệm mùa thu, Đôi bờ mùa thu, Sông Hồng reo ca, Hà Nội Matxcơva, Tiếng hát sông Hồng, Hà Nội nhớ, Hương hoa sữa...


Có quá nhiều ca khúc nổi tiếng, thậm chí là bất hủ viết về Hà Nội nhưng nhạc sĩ Văn Ký bảo ông cũng tự hào đã góp một ca khúc vào danh sách ấy, đó là Trời Hà Nội xanh (Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội/ Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh/ Thân thương quá nụ cười người Hà Nội/ Đã gặp rồi mà bồi hồi nhớ mãi, Hà Nội ơi!...).

Một thời gian dài, cùng với hai ca khúc khác, Trời Hà Nội xanh được coi như nhạc hiệu của Đài PT-TH Hà Nội. Nhạc sĩ Văn Ký bảo mỗi khi đặt bút viết về Hà Nội, ông thường viết rất nhanh vì tình yêu Hà Nội đã thấm đẫm trong tâm hồn ông tự bao giờ. Quê gốc ở Nam Định nhưng Hà Nội mới là mảnh đất đã cho ông sự nghiệp, cho ông hạnh phúc. Tất cả những sáng tác quan trọng nhất của nhạc sĩ Văn Ký đều được viết trên vùng đất ngàn năm văn hiến này.


Hơn nửa thế kỷ chứng kiến bao thăng trầm lịch sử của Hà Nội, Văn Ký tâm sự ông yêu nhất Hà Nội ở vẻ đẹp sâu lắng đầy chất thơ, yêu vì Hà Nội đẹp không phô trương mà luôn chứa đựng hồn dân tộc. Cuộc đời ông may mắn được trải qua nhiều biến cố lịch sử nên ông có được những cảm xúc mãnh liệt khi chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh cũng như niềm vui cực độ của ngày giải phóng. Trước Trời Hà Nội xanh, Văn Ký từng có một ca khúc khác về Hà Nội là Hà Nội mùa xuân, bài này ông cũng chỉ viết trong vài giờ vì một câu nói của người đẹp Sài thành lúc bấy giờ, ca sĩ Thanh Lan.

Năm 1979, Thanh Lan ra Hà Nội, gặp nhạc sĩ, cô bảo “em đã hát về nhiều nơi nhưng chưa bao giờ được hát về Hà Nội”. Trở về sau cuộc gặp, Văn Ký ngồi vào bàn viết “Gửi về anh người trai Hà Nội... Trái tim em vời vợi nhớ thương”... Sáng, ông đưa bài hát cho Thanh Lan tối, cô đã biểu diễn ca khúc này đầy cảm xúc trên sân khấu Nhà hát Lớn và được khán giả hết sức khen ngợi. Hà Nội mùa xuân sau này được nhiều người hát lại nhưng ấn tượng nhất với nhạc sĩ Văn Ký chính là đêm diễn xuất thần của Thanh Lan.


Chưa sơ kết được cuộc đời âm nhạc


Ở tuổi 82, nhạc sĩ Văn Ký vẫn luôn hóm hỉnh, vui tươi và đặc biệt là rất mẫn tiệp. Sáng sáng, ông tập yoga để có một sức khỏe dẻo dai. Ông bảo, hai mươi năm trước, ông đã phải mổ cắt đi một phần dạ dày, bác sĩ khi ấy đã nói có tế bào lạ rồi. Thế rồi, ông tập yoga theo phương thức của người Ấn Độ, tập bền bỉ hằng ngày. Kết quả là bệnh dạ dày hết và ông càng ngày càng khỏe. Ở tuổi ngoài 80, ông vẫn có thể ngồi ô tô sang Lào, bay tới Pháp mà không hề bị ù tai, vẫn hằng ngày ngồi vào bàn sáng tác. Không chỉ sáng tác, Văn Ký còn dành thời gian tìm tòi những nhạc sĩ trẻ tài năng. Ông bảo, trong số những nhạc sĩ trẻ gần đây, ông thực sự thích Hồ Hoài Anh, âm nhạc của Hoài Anh thấm đẫm chất dân tộc nhưng cũng rất hiện đại. Với ông, tương lai của nhạc sĩ trẻ này sẽ còn rộng mở với tư duy âm nhạc mới mẻ. 


Hỏi ông, ở vào tuổi này, ông còn điều gì thấy tiếc vì mình chưa làm được không, nhạc sĩ cười: “Có lẽ là một cuộc sơ kết cuộc đời âm nhạc của mình. Nhưng tôi thấy cũng chưa vội lắm đâu vì tôi còn muốn đi nhiều, sáng tác nhiều. Giờ tôi viết nhanh lắm, chỉ cần cảm xúc vụt đến là có tác phẩm mới”.

Đến với âm nhạc vì thất tình


Ít người biết nhạc sĩ Văn Ký đến với âm nhạc rất tình cờ. Lý do đưa tác giả của Bài ca hy vọng, Ôi Nha Trang mùa thu lại về, Trời Hà Nội xanh... đến với sự nghiệp âm nhạc lại là vì... thất tình. Năm 1946, anh huyện đội trưởng huyện Nông Cống, Thanh Hóa bất ngờ gặp gỡ cô thiếu nữ Hà thành xinh đẹp theo cha mẹ tản cư về vùng quê này. Yêu nhau, nhưng rồi theo thời cuộc, cô thiếu nữ lại cùng cha mẹ trở về thủ đô, bỏ chàng trai ở lại. Vào một đêm cô đơn tột cùng, chàng trai Văn Ký đã viết bài hát Trăng xưa, dù lúc ấy ông không hề biết nhạc. Văn Ký cười hóm hỉnh bảo: “Thất tình thật sự là cơ duyên”.

 

 

 

                                                                            Theo NLĐ

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục