Khách quốc tế thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh ở TP Hồ Chí Minh

Khách quốc tế thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh ở TP Hồ Chí Minh

(HBĐT) - Sau 30 năm chiến tranh (1945 - 1975), dân tộc Việt Nam (VN) đã phải chịu hậu quả rất nặng nề. Có 3 triệu người chết và trong đó có 2 triệu người là dân thường, 2 triệu người bị thương và khoảng 300 nghìn người bị mất tích. Những con số đó chưa nói lên được hết những đau thương mất mát mà nhân dân VN phải chịu đựng...

 

“Tuy nhiên phải đến 20 năm sau, trong cuốn hồi ký “Nhìn lại quá khứ, những bài học và thảm kịch chiến tranh VN” do cựu Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Robert Mc Namara xuất bản năm 1995 mới thú nhận rằng: “Chúng tôi đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp, chúng tôi mắc nợ tương lai cho việc giải thích tại sao lại sai lầm như vậy” và chính những sai lầm đó đã mang lại hậu quả hết sức nặng nề và sai lầm cho đất nước và nhân dân VN”, cái chất giọng miền Bắc ấm áp, thân thuộc của Nguyễn Thị Anh, hướng dẫn viên ở Bảo tàng chứng tích chiến tranh (BTCTCT) đã làm chúng tôi cứ nghẹn đi trước những hình ảnh đau thương mất mát mà nhân dân VN phải gánh chịu trong 30 năm chiến tranh. “VN đã trở thành một nơi thử nghiệm cho các phát minh của các kỹ sư quân sự Mỹ. Mục đích là thử nghiệm những phát minh trên những mục tiêu sống”, những dòng viết trên báo Le Figaro (Pháp) ngày 25/4/1965 đã nói lên sự khủng khiếp đến tột cùng của chiến tranh, của tội ác mà Mỹ và quân đội các nước đồng minh gây ra cho nhân dân VN. Là người lính trong thời kỳ lửa đạn nhưng khi đứng trước những hình ảnh, chứng tích chiến tranh, đồng chí Đồng Thế Hưng đã phải thốt lên: Mình đã được chứng kiến, được thấy sự khốc liệt và những đau thương, mất mát trong chiến tranh. Nhưng không thể ngờ rằng cuộc chiến tranh còn khủng khiếp hơn những gì mà mình biết rất rất nhiều lần.

 

Còn chúng tôi, lần đầu vào thăm BTCTCT, nhìn những hình ảnh và hiện vật lịch sử, tự dưng tôi có cảm giác mình đã quá may mắn vì đã được sống trong hoà bình. May mắn vì không phải chạy loạn, không phải nhìn thấy xác người thân phơi ở ngoài đồng trống. Không phải nghẹn ngào nhìn ngọn lửa ngùn ngụt thiêu rụi nhà cửa, xóm làng mình. Khó có thể tìm thấy được ngôn từ, hình ảnh nào để diễn tả được hết những đau thương, mất mát và sự tàn bạo, khủng khiếp của chiến tranh của 35 năm trước trong lịch sử dân tộc. BTCTCT cũng chỉ là nơi lưu giữ một phần rất nhỏ lát cắt lịch sử, của đau thương đó. Dù vậy, có đến đây, có tận mắt thấy được cảm nhận và được sờ vào những hiện vật là những chiếc xe tăng, máy bay ném bom, súng đạn, vũ khí... từng gieo tang thương cho nhân dân ta thì lại càng thấy mình may mắn hơn. “Có đến đây được tận mắt thấy những tư liệu như những thước phim chân thực ghi lại chứng tích tội ác và hậu quả chiến tranh thì mới có thể cảm nhận được thế nào là đau đớn, xót xa đến cùng cực trước nỗi đau của cả dân tộc”, hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với những tư liệu, chứng tích đau thương của lịch sử dân tộc, Nguyễn Thị Anh dường như vẫn không thể nén được cảm xúc thương cảm và xót xa của mình đối với những nạn nhân vô tội trong chiến tranh. Có lẽ khi đứng trước những chứng tích đau thương của dân tộc ai cũng như chúng tôi: Nghẹn ngào, xót xa và đau cái nỗi đau một thời mất nước, một thời khổ nhục dưới bàn tay tàn bạo của những kẻ xâm lược. Thật sự, khi xem những tấm ảnh, đứng gần chiếc máy chém mà Ngô Đình Diệm cho lê khắp miền Nam chém đầu những người yêu nước theo cái đạo luật 10/59 khủng khiếp mới thấy rõ sự ớn lạnh và xót xa. Chẳng biết đã có bao nhiêu người đã từng bị giết hại bởi cỗ máy chém lạnh lẽo và vô tri ấy. Đứng trước căn phòng  “Tội ác chiến tranh xâm lược” tự nhiên tôi có cảm giác rờn rợn, gai hết cả người trước những hình ảnh tàn bạo và khốc liệt. “Bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ” năm 1776, nêu rõ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hoá đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, được tự do, được mưu cầu hành phúc” thế nhưng khi xâm lược VN, quân đội Mỹ đã bất chấp tất cả những quyền hạn ấy. Lính Mỹ đã bắt bớ, tra tấn, đánh đập, giết hại những người dân. Ngay cả phụ nữ và trẻ em cũng là những mục tiêu của các cuộc hành quân càn quét. Họ thực hiện triệt để chính sách “3 sạch” (đốt sạch, phá sạch và giết sạch). Khi bắt được những người tình nghi là Cộng sản, lính Mỹ đã tra tấn bằng nhiều hình thức khác nhau. Sự tàn bạo được ghi lại với những hình ảnh lính Mỹ vừa tra tấn, vừa hút thuốc một cách thản nhiên. Hay cảnh “đếm xác” với một dãy xác chết nằm dài. Đây là một hình thức báo cáo thành tích của lính Mỹ, chỉ cần có xác chết, đó là Việt Cộng không cần biết đó là người già, phụ nữ hay trẻ em. Từ chỗ bắt bớ, giết người lẻ tẻ, lính Mỹ đã đi đến tàn sát hàng loạt những người dân vô tội. Ở BTCTCT có trưng bày hình ảnh 2 vụ thảm sát. Đầu tiên là vụ thảm sát Phát Thạnh Phong (Bến Tre) do Trung uý Bob Kerry chỉ huy. Tại đó họ đã cắt cổ ông Bùi Văn Mác 66 tuổi và vợ ông sau đó họ lại lôi 3 cháu bé là cháu nội của ông bà đang nấp trong ống cống ra đâm chết 2 cháu và mổ bụng 1 cháu. Sau đó họ lại tiến đến hầm trú ẩn của các gia đình khác, tại đó họ đã giết chết 15 người, trong đó có 3 phụ nữ đang mang thai và mổ bụng 1 bé gái. Mãi đến tháng 4/2001 thượng nghị sỹ Mỹ, Bob Kerry mới thú nhận tội ác của mình trước dư luận quốc tế. Ngoài ra, lính Mỹ còn gây ra vụ thảm sát Sơn Mỹ. Đây là vụ thảm sát rất nổi tiếng được nhiều người trên thế giới biết đến. Vụ thảm sát này chỉ xảy ra trong vòng 4 tiếng đồng hồ sáng ngày 16/3/1968 tại xã Sơn Mỹ (hay Mỹ Lai) thuộc huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Trong vòng 4 tiếng đồng hồ, lính Mỹ đã tàn sát 504 thường dân vô tội. Trong đó có 182 phụ nữ thì có 17 người đang mang thai. 173 trẻ em thì có 56 trẻ em từ sơ sinh cho đến 6 tuổi và có 60 cụ già trên 60 tuổi. Những hình ảnh đầu tiên của vụ thảm sát được công bố lần đầu tiên trên báo chí Mỹ vào năm 1970 đã gây sự “sốc” cho dư luận quốc tế. Trong vụ thảm sát có những bức ảnh đã gây xúc động như hình ảnh 2 bé trai, đứa lớn nằm đè lên đứa nhỏ như là đang muốn che chở cho em của mình. Nhưng cuối cùng thì lính Mỹ vẫn bắn chết cả 2 em. Trong bức ảnh phóng lớn con đường làng Sơn Mỹ buổi sáng hôm xảy ra vụ thảm sát, người chết nằm là liệt, phần đông trong số họ chỉ là phụ nữ và trẻ em.

 

Khi thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược VN, quân đội Mỹ không chỉ dùng vũ khí bom đạn gây sát thương mà họ còn sử dung chất độc hoá học, chất khai quang trong đó có chất độc da cam/dioxin để phun rải. Theo số liệu của Bộ quốc phòng Mỹ thì trong vòng 10 năm (1961 - 1971) thì Mỹ đã rải tổng cộng 72 triệu lít chất độc hoá học các loại, trong đó có 44 triệu lít chất da cam. Chứa 170kg dioxin đây là tạp chất rất độc và bền vững. Chất dioxin theo các nhà khoa học thì đây là chất độc nhất loài người đã tìm thấy từ trước đến giờ. Chỉ cần 85mg, tức là chỉ tương đương với một thìa súp nếu đem hoà vào hệ thống cung cấp nước thì hoàn toàn có thể giết chết dân số của cả một thành phố 8 triệu dân. Vậy mà Mỹ đã rải xuống VN 170kg dioxin. Và cho đến bây giờ, sau 35 năm kết thúc chiến tranh vẫn còn hàng trăm nghìn người dân VN đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam/dioxin...

 

Nếu cuộc sống là một sợi dây thừng với những nút bện chặt vào nhau thì tiếp sau nút xấu bao giờ cũng là một nút tốt đẹp. Chiến tranh đã qua 35 năm, những hận thù đã được xoá bỏ, những vết thương chiến tranh đang dần được hàn gắn, người dân Việt Nam cũng đang vươn lên với một sức sống mạnh mẽ. Và “BTCTCT giống như là một cái bếp lửa, giữ lại ngọn lửa để sưởi ấm trong tim những ai đã thấy mình lạnh lẽo, đã quên đi sự gian khổ của cha ông, quên đi ngọn lửa cách mạng. Đến đây để thấy được những đau thương mất mát mà nhân dân mình gánh chịu, rồi mới thấy cuộc kháng chiến của mình là vĩ đại, là chính nghĩa rồi từ đó mới thấy trách nhiệm của mình trong việc xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh”, trong một lần tới thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhấn mạnh.

 

Giám đốc BTCTCT, Huỳnh Ngọc Vân cho biết: Trong nhiều năm nay, có vẻ như bảo tàng đã làm được điều đó. Đã có rất nhiều nguyên thủ quốc gia khi tới thăm Bảo tàng đã có sự đồng cảm với nhân dân VN. Sau chuyến viếng thăm, họ thường có những hành động cụ thể để giúp cho VN khắc phục hậu quả chiến tranh. Có rất nhiều người đã trở thành bạn đồng hành của bảo tàng và trở thành những người bạn của nhân dân VN.

 

“Mỗi hiện vật, hình ảnh được trưng bầy ở đây đều có một câu chuyện, một số phận rất cảm động. Mỗi người đều có gắn bó với cuộc chiến tranh ở một góc độ nào đó. Khi họ tìm về đây thì họ cũng đã tìm được một phần nào đó cho câu trả lời, những băn khoăn của họ. Có nhiều CCB Mỹ khi đến đây đã khóc hối hận về những hành động mà họ đã gây ra trong cuộc chiến tranh VN. Họ nói rằng khi đó chúng tôi còn quá trẻ, chúng tôi không nghĩ được rằng mình đang gây ra những tội ác. Bây giờ mỗi lần sang thăm VN, họ đến với bảo tàng như là một nơi để xưng tội, bày tỏ sự ăn năn, sám hối của mình. Họ cũng khóc rất chân thành họ sẵn sàng chuyển thông điệp, lời xin lỗi của họ đến với nhân dân VN. Họ cũng thực sự tích cực góp phần vào việc giúp đỡ nhân dân VN như xây dựng trường học, bệnh viện ở những nơi mà mình đã từng tham chiến”, chị Vân cho biết thêm.

 

Có thể nói, BTCTCT đã hoàn thành cái sứ mệnh vừa là bảo tàng, vừa là cái cầu nối giữa quá khứ với hiện tại. Cầu nối giữa những người vốn là kẻ thù nay trở thành những người bạn của nhau. Và đây cũng là nơi giữ cho ngọn lửa cách mạng trong tim luôn bừng sáng.  

                                                                                  

                                                                       Mạnh Hùng

 

Các tin khác


Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục