Không phải là những nhà điện ảnh gạo cội, không là những người được đào tạo chuyên nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh, bạn vẫn có cơ hội "chạm ngõ" nghề điện ảnh với những kết quả bất ngờ khi tham gia Dự án Chúng ta làm phim để trải nghiệm bốn vòng tròn hấp dẫn của cuộc chơi.

Một làn sóng yêu điện ảnh lan tỏa

Dự án “Chúng ta làm phim” do Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) - Hội Điện ảnh Việt Nam (VN) thực hiện từ đầu năm 2009 nhằm đưa kiến thức điện ảnh vào nhà trường, nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật của các bạn trẻ và cũng qua đây sớm phát hiện, bồi dưỡng những tài năng điện ảnh. Sau hơn một năm, dự án đã tổ chức được 10 lớp học hướng dẫn làm phim và bước đầu gây dựng được một cộng đồng những bạn trẻ yêu thích điện ảnh. Chúng ta làm phim đang dần tạo được một làn sóng lan toả từ những học viên theo học, tiếp tục tham gia các hoạt động điện ảnh và nhân số lượng này lên với bạn bè, cha mẹ, người thân. Theo đó, cộng đồng yêu điện ảnh sẽ ngày càng rộng lớn hơn.

Hiện nay đã có hơn 200 học viên theo học chương trình đào tạo của dự án gồm các học sinh, sinh viên ở lứa tuổi từ 12 - 22 đến từ nhiều trường khác nhau ở Hà Nội, đặc biệt dự án này có 2 bạn học viên chỉ mới 10 tuổi.

Với hầu hết các học viên, đến với dự án này là đến với một sân chơi đầy mới lạ. Mỗi bài giảng là một bài thực hành với máy quay, máy dựng. Tham gia khóa học, mỗi học viên phải tự làm một bộ phim tài liệu ngắn và cùng tham gia thực hành làm bài tập theo nhóm để hoàn thành một bộ phim truyện. Bộ giáo trình đào tạo khóa học này gồm: 8 bài giảng hướng dẫn làm phim tài liệu, 8 bài giảng hướng dẫn làm phim truyện, 16 phim trích dẫn trong 16 tuần.

Tính đến nay, Dự án “Chúng ta làm phim” đã có hơn 60 bộ phim tài liệu và 10 bộ phim truyện ngắn từ 3 - 18 phút được hoàn thành. Mỗi bộ phim là một tác phẩm nhỏ của các bạn trẻ, ở đó có cái nhìn tươi mới, chân thật nhưng cũng rất đỗi say sưa về những đề tài gần gũi trong thế giới mà các em cảm nhận.

Hướng đến bốn vòng tròn

Mục đích của dự án được xem như là 4 vòng tròn. Vòng tròn lớn nhất là những khán giả quan tâm đến điện ảnh. Các bạn làm phim sẽ khiến ông bà, bố mẹ, anh chị em, bạn bè của các bạn quan tâm hơn đến điện ảnh. Vòng tròn thứ 2 nằm trong vòng tròn thứ nhất là những khán giả am hiểu điện ảnh. Sau này dù không theo sự nghiệp làm phim chuyên nghiệp các bạn cũng sẽ là những khán giả am hiểu điện ảnh. Vòng tròn thứ 3 là những người làm điện ảnh chuyên nghiệp. Sẽ có nhiều bạn đi theo con đường làm phim chuyên nghiệp và những bộ phim ngắn của dự án này là điểm xuất phát tốt cho các bạn bắt đầu sự nghiệp của mình. Và cuối cùng, vòng tròn bé nhất, là thông qua dự án này, có thể tìm thấy những tài năng của nghệ thuật điện ảnh Việt Nam trong tương lai...

Bên cạnh lớp học hướng dẫn làm phim, dự án này đã tạo dựng những hoạt động bổ trợ khác dành cho những học viên theo học cũng như những học sinh, sinh viên của các trường học tại Hà Nội. Chương trình Điện ảnh học đường và chương trình chiếu phim hàng tuần, hàng tháng đã mang lại cơ hội để các em được xem những bộ phim có giá trị của lịch sử điện ảnh VN và thế giới, giúp hình thành một lớp khán giả trẻ yêu thích và cảm thụ điện ảnh ngày một cao hơn.

Dự án đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều cộng tác viên, tình nguyện viên, giảng viên, các tổ chức văn hoá như Hội đồng Anh, Viện Goethe, Trung tâm văn hóa L'Espace, Công ty Cổ phần FPT, Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân, Công ty truyền thông MegaStar, Kênh14, Cyworld Việt Nam và Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương... Điều này chính là một động lực lớn giúp Trung tâm TPD mở rộng Dự án Chúng ta làm phim ở Hà Nội và ở cả khu vực phía Nam.

Làm phim là một thử thách lớn và chính các bạn trẻ rèn luyện được nhiều trong những thử thách ấy. Các bạn biết học cách đối thoại, cách thuyết phục, cách lắng nghe người khác nói và nói lên chính kiến của bản thân mình. Thông qua việc làm một bộ phim, các bạn còn học được cách vượt qua những khó khăn, cách dũng cảm khi gặp thất bại. Chúng ta làm phim - đó chính là cách chúng ta chơi, chúng ta học và cách chúng ta hưởng thụ nghệ thuật!

                                                                            Theo Báo SKĐS

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục